Tạo cơ chế mới từ “212”

03:12, 02/12/2010

Gần 5 năm qua, Lâm Đồng đã đồng loạt triển khai chương trình hành động quốc gia về nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn theo Chương trình 212 của Thủ tướng Chính phủ.

Gần 5 năm qua, Lâm Đồng đã đồng loạt triển khai chương trình hành động quốc gia về nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn theo Chương trình 212 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, Chương trình 212 đã tạo ra nhiều cơ chế phối hợp mới giữa cơ quan chuyên ngành tuyên truyền pháp luật với chính quyền cấp huyện. cấp xã và các ban ngành liên quan từ tỉnh đến cơ sở.  
Một buổi phổ biến pháp luật cho đồng bào vùng xa Lâm Đồng.
Một buổi phổ biến pháp luật cho đồng bào vùng xa Lâm Đồng.
Ghi nhận trước hết ở Chương trình “212” là tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tư pháp với các cơ quan nhà nước địa phương để phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp cho cộng đồng dân cư. Thống kê cho biết, thực hiện Chương trình “212”, Tòa án nhân dân các cấp trong tỉnh đã đưa ra xét xử lưu động gắn với tuyên truyền pháp luật hơn 650 vụ án hình sự, thu hút khoảng 350 ngàn lượt người tham dự. Quá trình diễn biến phiên tòa được phát thanh trực tiếp và  ghi hình phát lại trên hệ thống Đài Phát thanh truyền hình cấp tỉnh và cấp huyện. Với ngành công an Lâm Đồng, đã tập trung phổ biến các chủ trương chính sách ưu đãi của nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số; đã phát động cho gần 324 ngàn lượt người đồng bào trên tất cả các địa bàn vùng sâu, vùng xa tích cực tham gia phong trào “Không nghe, Không tin, Không theo” những luận điệu xuyên tạc, bịp bợm liên quan đến tôn giáo, dân tộc của những thế lực thù địch từ bên ngoài. Với hoạt động hòa giải ở khu dân cư, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí hết sức cần thiết trong đời sống quan hệ hàng ngày của cộng đồng. 16 cuộc hòa giải đã tổ chức thí điểm có kết quả ở các địa bàn Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà đã nói lên điều này. Ngành Thanh tra Lâm Đồng đã hoàn thành việc khảo sát nhận thức pháp luật về khiếu nại tố cáo đối với 10 chủ tịch huyện, 70 chủ tịch xã và 160 cán bộ xã. Ngành Tư pháp kết hợp các cơ quan Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân…mở các lớp tập huấn các văn bản pháp luật đang đi vào đời sống như: Luật Bình đẳng giới; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Cơ chế phối hợp tuyên truyền theo Chương trình “212” đã vận dụng nhiều hình thức đưa luật cho cộng đồng khá mới lạ, hấp dẫn. Trong từng đợt ra quân tuyên truyền theo những chủ đề khác nhau đều có những hàng xe cổ động, trang trí băng rôn, loa phóng thanh…diễu hành sôi động quanh những khu vực đông dân cư. Trên các trục lộ chính của các khu đô thị đều gắn những bản vẽ pa nô, áp phích tuyên truyền. Và  có 15 đôi thông tin và chiếu bóng lưu động trong ngành văn hóa Lâm Đồng thường xuyên về vùng dân cư đồng bào dân tộc thiểu số để lồng ghép với những nội dung tuyên truyền phổ biến  pháp luật hàng trăm buổi, tập trung hàng vạn lượt người dân đền chú ý xem và nghe. Về chính quyền địa phương cấp xã đã quan tâm phối hợp chỉ đạo thành lập hàng trăm mô hình câu lạc bộ ở địa bàn dân cư để đưa luật về cơ sở nhanh nhất. Đó là các mô hình câu lạc như “Gia đình văn hóa”, “Ông bà cháu”, “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ với pháp luật”, “Nông dân với pháp luật”, “Phụ nữ với pháp luật”, “Trợ giúp pháp lý”, “Phòng, chống tệ nạn xã hội”… Đặc biệt tổ chức mặt trận các cấp đã xây dựng các mô hình “Nhóm Nòng cốt” đi vào hoạt động tuyên truyền pháp luật trên từng hộ gia đình. Bên cạnh gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư, nhóm đã chủ động nắm bắt hàng ngày về tình hình chấp hành pháp luật ngay trong khu vực cư trú của mình, từ đó triển khai hơn 2 ngàn buổi tuyên truyền pháp luật với những hình thức phù hợp và hiệu quả nhất.

Đánh giá của Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Lâm Đồng cho biết: Kết quả nổi bật của Chương trình “212” ở Lâm Đồng đã tạo ra cơ chế phối hợp mới giữa cơ quan chủ trì Chương trình với chính quyền cấp huyện, cấp xã cùng với cơ quan ban ngành liên quan, đưa pháp luật vào cuộc sống với nhiều hình thức sinh hoạt chuyên đề, lồng ghép, tạo không khí hứng khởi đối cộng đồng khi tiếp nhận. Kết quả này còn cho thấy vai trò quan trọng của các tổ chức chính trị ở thôn, buôn, khu phố như Ban Mặt trận, Chi hội phụ nữ, Chi đoàn thanh niên, Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Nông dân…trong việc tổ chức sinh hoạt pháp luật, lôi cuốn đông đảo người dân ở địa bàn tham dự. Với hiệu quả xã hội rõ nét ở Chương trình “212” đã hình thành dần dần thói quen của người dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, tích cực tham gia giám sát các hoạt động của các cơ quan nhà nước và cán bộ công chức về khu dân cư sinh hoạt theo nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
 
Văn Việt