Tìm lại vùng trà "Đã mất"

05:12, 23/12/2010

Từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, cây trà đã hiện hữu và trở thành loại cây mang lại nguồn thu chính cho cuộc sống của một bộ phận cư dân vùng Phú Sơn, Lâm Hà (ngày nay).

Thu hoạch trà.
Thu hoạch trà.
Từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, cây trà đã hiện hữu và trở thành loại cây mang lại nguồn thu chính cho cuộc sống của một bộ phận cư dân vùng Phú Sơn, Lâm Hà (ngày nay). Trải qua nhiều thăng trầm, đổi thay của lịch sử cũng như sự “lên ngôi” của nhiều cây trồng theo thời gian, từ trên 160 ha chè của những ngày xưa giờ ở vùng trà Phú Sơn chỉ còn lại vỏn vẹn khoảng 7 - 8 ha chè già cỗi không mang lại nhiều giá trị kinh tế. Sự “chết mòn” của cây chè ở vùng trà nổi tiếng này như một dấu lặng buồn khi mà đất và khí hậu vẫn rất “hợp lòng” với cây chè.


Ở huyện Lâm Hà cho đến thời điểm hiện tại có trên 600 héc ta trà, một diện tích không nhỏ khi mà địa danh của huyện thường được biết đến và gắn liền với cây cà phê hơn. Trong tổng số diện tích trên có khoảng 176 ha chè chất lượng cao, chủ yếu tập trung tại xã Phúc Thọ, nơi có 3 công ty Đài Loan đóng chân (Kin Wan Chen-76 ha, Jun Hông-54 ha, Long Đỉnh-16 ha) … Riêng ở Phú Sơn- cây trà chỉ còn lại chưa đến 8 héc ta, bởi phần lớn diện tích trà đã được người dân chuyển sang canh tác cây cà phê Catimor.
   
Cây trà chính thức bám rễ ở đất Phú Sơn từ năm 1963 và được trồng nhiều nhất ở 2 thôn Bằng Tiên, Lạc Sơn. Nhiều giống trà như: San, Bạch Mao, Sẻ, Xanh, TB14 … đã được người dân tin trồng, diện tích từ những ngày đó cũng đã lên tới 163 héc ta, số diện tích trà này cũng đã được duy trì đến năm 2005. Trong 5 năm trở lại đây, người dân không còn trồng trà nữa, tất cả đều bị chặt bỏ để chuyển sang trồng cà phê, một loại cây trồng có giá và cũng dễ để tìm đầu ra cho người dân hơn. Chỉ còn lại một số ít diện tích trà có “tuổi đời” từ 40 đến 50 năm, già cỗi đạt năng suất thấp và số diện tích còn được giữ lại này chắc cũng do những người nông dân “hoài cổ” vẫn còn thương nhớ cho “thời hoàng kim” thưở xưa của cây trà trên vùng đất này.
   
Lý giải cho nguyên nhân sụt giảm một cách nhanh chóng diện tích trà ở Phú Sơn, ông Tô Vũ Ất – Phó phòng NN&PTNT huyện Lâm Hà cho biết: “ Cây trà ở vùng trà Phú Sơn bị giảm nhanh chóng và được thay thế bằng cây cà phê là bởi nguồn nước tưới không có. Lao động cho sản xuất trà lại thiếu trầm trọng, thêm vào đó giá trà búp tươi trên thị trường lại thấp còn giá cà phê lại ổn định và ngày một tăng cao. Ngoài ra cũng có nguyên nhân quan trọng nữa, do chất lượng trà ở Phú Sơn thấp, thị trường tiêu thụ lại bỏ ngỏ và rất chậm nên cây trà đã bị mất dần trong diện tích đất sản xuất của bà con”.
   
Có thể khẳng định rằng, thổ nhưỡng và khí hậu ở Phú Sơn rất thích hợp cho cây trà, điều này không cần lý giải bởi nó đã được khẳng định bằng sự tồn tại của trên 160 héc ta từ những năm 60 của thế kỷ trước. Giá chè nguyên liệu hiện tại cũng ổn định và cao không kém so với cà phê (đang ở thời điểm lên giá như hiện nay), Ô long khoảng 35 ngàn đồng/1 kg, Kim Tuyên, Tứ Quý từ 14 đến 17 ngàn đồng/1 kg, hơn nữa kinh phí đầu tư cho một  héc ta trà cũng như việc chăm sóc cũng có phần “nhẹ nhàng” hơn so với cây cà phê. Vậy tại sao người dân Phú Sơn không còn “mặn nồng” với cây trà, quả thực đây là điều đáng phải để những nhà quản lý và chuyên môn quan tâm. Ngoài những nguyên nhân chung như, không có nguồn nước tưới (giếng khoan đủ trữ lượng nước tưới chủ động), sự thiếu hụt lực lượng lao động cho sản xuất... Thì nguyên nhân chính và quan trọng hơn cả cho vùng trà Phú Sơn đó vẫn là, chưa có chính sách thu hút đầu tư trồng và bao tiêu sản phẩm trà cho người nông dân.
   
Khắc phục tình trạng trên không khó. Câu trả lời cho vấn đề này, chỉ nằm ở sự linh hoạt trong việc vận dụng chính sách của các cơ quan quản lý. Nhiều công ty nước ngoài, công ty liên doanh cũng đã tìm đến Lâm Hà, những vùng đất không có điều kiện thuận lợi bằng Phú Sơn để sản xuất, kinh doanh loại cây cho thứ nước uống đặc biệt này và cũng đã thành công bước đầu. Đã đến lúc cần phải “đánh thức” lại một vùng trà có tiếng từ thưở xưa, tránh sự lãng phí một cách đáng tiếc về sự “hợp nhau” đến kỳ lạ giữa đất đai, khí hậu của Phú Sơn với cây chè, vùng đất tưởng như chỉ giành cho cây cà phê. Nhất là ở thời điểm, “thương hiệu” trà Lâm Đồng đang ngày càng tạo dựng được chỗ đứng tin cậy trên thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Tuấn Linh