Từ chuyện bãi biển Nha Trang

07:12, 08/12/2010

Có một thời, chúng ta cứ ngỡ nước mình rừng vàng, biển bạc nhất thế giới. Lại có thời chúng ta mang điều đó ra để diễu cợt cho một cách nghĩ ngây thơ. Người ta rừng vàng biển bạc thật nhưng vẫn nói với con cháu rằng nước họ nghèo, phải cố lên để thành nước giàu, và họ thành giàu thật. Còn ta rừng không vàng, biển không bạc nhưng vẫn nghĩ mình vàng rừng bạc biển nên cứ nghèo mãi.

[links()] Có một thời, chúng ta cứ ngỡ nước mình rừng vàng, biển bạc nhất thế giới. Lại có thời chúng ta mang điều đó ra để diễu cợt cho một cách nghĩ ngây thơ. Người ta rừng vàng biển bạc thật nhưng vẫn nói với con cháu rằng nước họ nghèo, phải cố lên để thành nước giàu, và họ thành giàu thật. Còn ta rừng không vàng, biển không bạc nhưng vẫn nghĩ mình vàng rừng bạc biển nên cứ nghèo mãi.

Các chiến sĩ trẻ gom rác trên bãi biển Nha Trang (Ảnh: internet)
Các chiến sĩ trẻ gom rác trên bãi biển Nha Trang (Ảnh: internet)
Bây giờ thì đã bắt đầu khác. Nhìn ra khắp thế giới và sau khi khắp thế giới nhìn vào, nghe đánh giá của họ mới biết rừng biển ta không đến nỗi xấu, không đến nỗi nghèo đến mức phải tự ti, nhưng ta đang ăn, đang phá khiến chúng ngày một tàn tạ, kiệt quệ đi. Chuyện nhiều di sản thế giới sau khi được UNESCO công nhận đang bị thương mại hoá là thí dụ. Chuyện bãi biển Nha Trang, một bãi biển được một câu lạc bộ vịnh biển thế giới bầu là một trong những bãi biển đẹp nhất thế giới, nhưng rồi lại bị một tạp chí uy tín xếp vào loại tồi trong số các vịnh đẹp cũng là một thí dụ. Tồi là do không giữ gìn tốt một món quà trời cho để môi trường của nó ngày càng xấu đi, nhưng cũng là tồi. Chuyện là thế này.

Mới đây, tạp chí Địa lý Quốc gia (National  Geographic) một tạp chí có bề dày tồn tại hơn một thế kỷ của Mỹ, in bằng 32 thứ tiếng, đồng thời cũng là một trong vài tạp chí có uy tín trên thế giới về ngành địa lý đã xếp loại vịnh Nha Trang và Mũi Né của Việt Nam thuộc loại tồi nhất (đứng thứ 7 từ dưới lên) về bảo vệ môi trường, cảnh quan du lịch trong số 122  bãi biển có thiên nhiên hấp dẫn của thế giới. Ý kiến trên các mặt báo là rất đau xót nhưng nên chấp nhận cách đánh giá này để mà khá lên.

Chuyện như thế và cách nghĩ chung là như thế. Ai khen ta mà khen đúng là bạn ta. Ai chê ta mà chê đúng là thầy ta, những tưởng không cần nói đi nói lại thêm ồn ào. Nhưng gần đây, ngành du lịch Khánh Hoà lại họp báo vừa thanh minh, trách cứ vừa than phiền về những điều mà theo ngành là không chính xác, không hiểu họ của cả tạp chí nọ lẫn báo giới trong nước. Sau cuộc họp này, nhiều nhà báo tâm sự vừa thông cảm nhưng vừa lo. Lo vì cứ cách tư duy không nhìn thẳng vào sự thật này thì môi trường và du lịch nước ta còn gay, ở đây tạm khoanh vào du lịch và môi trường biển.

Nước ta có bờ biển dài 3.244km và thuộc diện các nước có bờ biển đẹp của thế giới: khí hậu quanh năm ấm áp, bãi biển nông, nhiều cảnh đẹp, nhiều hải sản, gần khu dân cư, thuận tiện giao thông vv… Từ Bắc vào Nam, đã có vô số bờ biển đẹp Trà Cổ, Hạ Long, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Thuận An, Mỹ Khê, Cửa Đại, Qui Nhơn, Nha Trang, Mũi Né, Vũng Tàu, Hà Tiên và hàng trăm bãi biển khác không kém thế (có khi còn hơn thế) dù chưa được khai thác

Nhưng chúng ta đã đối xử với biển nói chung và với bãi biển nói riêng như thế nào? Tình trạng rác rưởi trên bãi biển, nước thải chảy ra biển, nhà cửa xây lấn bờ biển, cảnh đẹp biển bị phá hoại, sản vật biển bị hủy diệt kể cả an ninh trên bãi biển không an toàn…không chỉ diễn ra ở Nha Trang mà ở hầu như mọi bãi biển, càng bãi biển đẹp càng bị xâm hại. Vịnh Hạ Long trước đây trong xanh, yên tĩnh, sạch sẽ giờ bẩn thỉu, lộn xộn gần đến mức không thể chịu nổi. Tình trạng chiếm bãi biển thành của riêng, chở đất, chở cây cỏ từ nơi khác đến để làm khu nghỉ dưỡng (resort) không chỉ riêng ở Mũi Né mà có ở tất cả các bãi biển đẹp của thành phố Đà Nẵng,  Nha Trang, Vũng Tàu, đảo Phú Quốc… Đi từ Hội An đến Đà Nẵng; từ Vũng Tàu đến Long Đất, bãi biển tuy hoang vu nhưng không còn nơi nào chưa bị chủ đất rào lại bằng kẽm gai. Khi xây dựng xong khu nghỉ dưỡng, mọi người đều không có quyền đến trừ một số ít người có tiền. Nếu nghi ngờ điều này, hãy đến các bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), khu Mũi Né (Bình Thuận), bãi Thuỳ Dương (Vũng Tàu), thị trấn Dương Tơ (Phú Quốc). Nếu không ra được những nơi trên thì chỉ theo dõi dư luận trên báo chí về dự án du lịch Sông Lô (đoạn từ thành phố Nha Trang đi sân bay Cam Ranh, Khánh Hoà) cũng sẽ rõ.

Nhà văn thường lười nghĩ bằng các con số, những dự án, kế hoạch nhưng lại nhớ rất lâu những gì đập vào mắt mình, âu cũng là một cái tật. Nhưng sau hôm lụt sông Cái vừa rồi, đi ra bãi biển Nha Trang, thấy trên bãi biển những bịch ni lông rác, những vỏ chai thuỷ tinh vỡ sắc lẻm, những khúc củi mục rồi vỏ dừa, mảnh lưới rách nhớp nhúa, ngổn ngang mà có đau xót thì những đau xót đó không thể nói là vô lý. Không cứ hôm lụt, ngay trên đường Trần Phú (con đường viền mép vịnh Nha Trang) lố nhố nhà cao tầng, có nhà cao 19 tầng như Hồng Công, có cái đài gì đó bằng inox xấu xí ngay quảng trường thì có lo cho Nha Trang có lẽ không sai. Và đêm đến, đi qua những hàng nhậu vứt rác bừa bãi, những điểm ghi đề kiêm ma cô, gặp những người say áo vắt vai, vừa chệnh choạng đi vừa chửi thề trên bãi biển thì nếu có kinh sợ Nha Trang, cũng không khiến ai ngạc nhiên.

Vậy nên, một  đánh giá công bằng tuy không thiện cảm của tạp chí Địa lý Quốc gia về bảo vệ môi trường, cảnh quan du lịch bãi biển Nha Trang và Mũi Né rõ ràng sẽ gây thiệt hại lớn cho ngành du lịch, cho cả đời sống người dân bấy nay sống dựa vào các bãi biển. Nhưng không có những đánh giá mang tính cảnh báo như thế, thiệt hại chắc còn lớn hơn ./.
Theo ĐCSVN