Là linh mục Quản xứ, thành viên Ban Đoàn kết tôn giáo huyện Đơn Dương nhưng câu chuyện giữa chúng tôi và ông Nguyễn Đức Ngọc lại chủ yếu xoay quanh chuyện đời. Ông quan tâm nhiều đến từng luống rau, khóm lúa... của đồng bào Churu nơi ông hành đạo mà ít nói chuyện giáo thuyết.
Linh mục Nguyễn Đức Ngọc quây quần cùng trẻ nhỏ người Churu. |
Linh mục Ngọc kể rằng, ông bắt đầu tiếp cận văn hoá truyền thống của đồng bào Churu từ gần bốn mươi năm trước khi mới là một chàng thanh niên được phân công làm việc đạo tại Đơn Dương. Bà con Churu ở địa phương này không nhiều như người của các tộc danh khác nhưng có một bề dày văn hoá truyền thống phong phú về lễ hội, nhạc cụ, ẩm thực, phục trang...Nhưng đáng chú ý, cùng với sự đi lên của cuộc sống hiện đại, cùng với sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước về công tác bảo tồn văn hoá truyền thống thì rất nhiều người Chru thuộc thế hệ trẻ lại có xu hướng lãng quên những giá trị truyền thống của cha ông. Nhận thấy điều đó, linh mục Nguyễn Đức Ngọc đã tự giác vào cuộc góp công cùng chính quyền địa phương bảo tồn những giá trị vật thể, phi vật thể của ký ức Churu.
Trong khuôn viên nhà thờ Thiên Chúa giáo ngay giữa cộng đồng Churu ở xã Ka Đơn, ông Nguyễn Đức Ngọc đã xây dựng một căn nhà gỗ đơn sơ làm “bảo tàng” hiện vật văn hoá, đời sống của người Churu. Trong “bảo tàng nhỏ” rộng chưa tới 40 mét vuông, linh mục Nguyễn Đức Ngọc đã đích thân sưu tầm hàng trăm hiện vật của người Churu bản địa. Trong hệ thống hiện vật ông đã trưng bày có đủ các lĩnh vực như dụng cụ nông nghiệp, săn bắn trong quá khứ, ẩm thực, trang sức, y phục, phương tiện sản xuất, sinh hoạt, nhạc cụ, hiện vật biểu trưng của lễ hội, cồng chiêng... Không gian bảo tàng của ông là nơi thường xuyên mở cửa để đón nam, nữ thanh niên, nhân dân Churu, K’Ho trong vùng lui tới tham quan, chiêm ngưỡng. Đồng thời sưu tầm hiện vật, linh mục Ngọc đang tiến hành biên soạn một cuốn sách bằng tiếng Churu để hệ thống hoá, phân tích giá trị của hệ thống vật thể văn hoá, đời sống của bà con nhằm phục vụ người dân tìm hiểu. Dẫn chúng tôi tham quan “bảo tàng nhỏ”, ông cầm lên mân mê một cái mõ đeo cổ trâu của đồng bào và thích thú nói: “Tìm kiếm hiện vật văn hoá, đời sống cổ truyền của người Churu không dễ nhưng tôi đam mê vô cùng. Trong quan niệm của người Churu từ xa xưa đã có những suy nghĩ nhân văn, thiết tha lắm!”. Niềm vui của ông Nguyễn Đức Ngọc về “vốn liếng văn hoá Churu” không chỉ dừng lại ở sự ủng hộ sưu tầm của chính bà con Churu mà còn lan toả. Nhiều sinh viên văn hoá ở thành phố Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh đã từng tìm về “bảo tàng” của ông để ghi nhận tư liệu cho những luận văn tốt nghiệp đại học về chủ để dân tộc học. Cả một tiến sỹ nghiên cứu văn hoá dân tộc ở thành phố Hồ Chí Minh cũng đã từng về đây cùng ông nghiên cứu tư liệu quá khứ của bà con Churu...
Kế bên “bảo tàng hiện vật”, ông Nguyễn Đức Ngọc còn thành lập một phòng dịch thuật các loại tài liệu về văn hoá, sản xuất nông nghiệp..., ra tiếng Churu. Ông kể, vì yêu mến văn hoá của bà con, ông đã dành thời gian nghiên cứu ngôn ngữ Churu hơn 10 năm gần đây. Hiện tại, vốn ngôn ngữ này không chỉ giúp ông rành rẽ về dịch thuật mà còn đủ để giúp linh mục khuyên nhủ bà con cải thiện đời sống, sản xuất, bảo tồn văn hoá, phát huy việc thiện.
Cộng đồng Churu bản địa ở huyện Đơn Dương không đông đúc về số lượng nhân khẩu, toàn huyện chỉ có hơn 9.750 nhân khẩu. Không ít người trong số họ đã lơ là, sao nhãng bảo tồn truyền thống của tộc danh mình. Có được một người nỗ lực như linh mục Nguyễn Đức Ngọc cùng Đảng, Nhà nước khơi dậy niềm đam mê lưu giữ nét văn hoá xưa là điều đáng quý. Noel (Nô – en) năm này vui hơn với bà con Churu khi đến nơi nhà thờ hành lễ còn được chiêm ngưỡng hệ thống hiện vật gắn liền với cha ông, với văn hoá truyền thống mà không dễ gì tìm được trong mỗi gia đình.
Chia tay chúng tôi, linh mục Nguyễn Đức Ngọc gửi lời chúc Noel: “Cầu mong cho đất nước chúng ta giàu mạnh, nhân dân ai cũng no ấm, hạnh phúc cả về tinh thần, văn hoá lẫn vật chất”. Lời chúc “rất đời” của ông khép lại cuộc chiêm ngưỡng hàng loạt hiện vật văn hoá của một tộc danh nơi miền đất Tây Nguyên.