Vị thế cây chè trên phố núi B’Lao

05:12, 23/12/2010

Ở Lâm Đồng, cây chè được du nhập theo hành trình đi “mở đất" của người Pháp lên vùng miền núi Nam Tây Nguyên, và nó có mặt đầu tiên ở Cầu Đất (Đà Lạt) vào 1927.

Chế biến chè tại Công ty Chè Nam Phương (Bảo Lộc).
Chế biến chè tại Công ty Chè Nam Phương (Bảo Lộc). Ảnh Hồng Hải
Ở Lâm Đồng, cây chè được du nhập theo hành trình đi “mở đất" của người Pháp lên vùng miền núi Nam Tây Nguyên, và nó có mặt đầu tiên ở Cầu Đất (Đà Lạt) vào 1927. Sau khi thực dân Pháp đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành quốc lộ 20 từ Đà Lạt đi Sài Gòn, cây chè đã được người Pháp đưa về Cao nguyên Di Linh và bám rễ tại xứ sở B’Lao vào những năm đầu của thập niên 30 thế kỷ trước. Ngay sau khi được du nhập về B’Lao, cây chè đã sớm khẳng định được vai trò chủ đạo của mình ở vùng đất mới nhờ những điều kiện thuận lợi về khí hậu, đất đai thổ nhưỡng.

Cũng bắt đầu từ đó, trên ở phố núi B’Lao đã xuất hiện ngày càng nhiều những hộ dân chuyên sinh sống bằng nghề trồng chè và chế biến trà. Những thương hiệu gạo cội nổi tiếng cho tới tận bây giờ phải kể đến các danh trà như: Đỗ Hữu, Quốc Thái, Liên Hoa... Rồi sau này, các danh trà mới như: Tâm Châu, Trâm Anh, Rồng Vàng... cũng đã sớm khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường xuất khẩu và nội tiêu. Trải qua hơn 2/3 thế kỷ bám rễ trên mảnh đất Nam Tây Nguyên, đến nay, diện tích chè đã không ngừng phát triển theo thời gian, đặc biệt là các giống chè nhập ngoại như Kim Tuyên, Tứ Quý, Ngọc Thúy… cho năng suất, chất lượng cao để sản xuất ra các sản phẩm trà thượng hạng, được người tiêu dùng trong nước đánh giá cao về chất lượng sản phẩm. Cùng với các giống chè chất lượng cao do các danh nhân trong lĩnh vực trồng và chế biến trà Đài Loan mang đến, Lâm Đồng còn có giống chè cành cao sản - chè TB14 cũng được phát triển khá mạnh khoảng 10 năm trở lại đây. Đây là giống chè được người Pháp bình tuyển vào năm 1952 nhưng chưa nghiên cứu thành công. Và đến năm 1998, giống chè này đã được Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm chè Lâm Đồng phục tráng thành công, được nhân rộng ra sản xuất, trở thành giống chè chủ lực trong việc chuyển đổi cơ cấy cây trồng ở các huyện phía Nam, với năng suất bình quân đạt 20-22 tấn/ha, phù hợp với việc sản xuất chế biến trà hương nội tiêu và trà đen xuất khẩu.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tính đến thời điểm này, tổng diện tích chè ở Lâm Đồng khoảng 26.000 ha, trong đó, chè chất lượng cao đạt trên 4.800 ha; tổng diện tích chè ứng dụng công nghệ cao khoảng 536 ha (chủ yếu là tưới tự động, tưới tiết kiệm). Được coi là thủ phủ của ngành chè Lâm Đồng, Bảo Lộc hiện có khoảng 9.000 ha chè các loại, trong đó, tổng diện tích chè cao sản và chè chất lượng cao khoảng 2.000 ha, với khoảng 200 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất chế biến trà, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương. Nhờ bén duyên với cây chè mà đến nay ở Bảo Lộc đã xuất hiện ngày càng nhiều hộ nông dân sản xuất chè với quy mô trang trại, những hộ này chủ yếu sản xuất các giống chè chất lượng cao nên cho thu nhập bình quân đạt khoảng 150 triệu/ha. Giờ này nếu ai đến với phố núi B’Lao hãy đừng quên đến với  “phố trà” chạy dài khoảng 4km trên đường Trần Phú, dọc quốc lộ 20 để tận hưởng hương của trà. Nghề sản xuất trà ở Bảo Lộc cũng được xem là nghề cha truyền con nối. Các sản phẩm trà ở Bảo Lộc phần lớn đều  được ướp hương nhài, hương sói, hương sen… Quy trình sản xuất chế biến đều thực hiện thông qua công đoạn luộc qua chè búp tươi, đem ép bớt nước đắng rồi mới mang sao khô ướp hương, đóng gói. Do mỗi danh trà đều có những bí quyết khác nhau nên mỗi sản phẩm trà B’Lao đều mang những hương vị quyến rũ riêng của nó.

Thương hiệu Trà B’Lao sẽ thực sự bay xa, vươn xã trên thị trước trong và ngoài nước, nếu các nhà quản lý, trồng trọt, nghiên cứu kinh doanh nhanh chóng hợp tác với nhau tạo nên một quy trình sản xuất chế biến một cách toàn diện thống nhất. Đặc biệt, bản thân mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trà cũng cần nhận thức rõ tầm quan trọng của thương hiệu Trà B’lao là tài sản vô cùng quý giá của mình, từ đó không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới mẫu mã, đã dạng hóa sản phẩm để thương hiệu Trà B’Lao thật sự trở thành một đặc sản quý giá của người dân trên phố núi B’Lao.
 
Hồng Hải