Không chỉ giảm chi từ ngân sách nhà nước, xã hội hóa dịch vụ công khi được đẩy mạnh sẽ thu hút các nguồn lực xã hội vào đầu tư, phát triển, nâng cao chất lượng phục vụ, tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Nhiều giải thể thao hiện nay đã được xã hội hóa và thu hút khá nhiều nhà tài trợ. |
Một trong những ngành huy động nguồn lực xã hội rất lớn vào việc đầu tư, phát triển là giáo dục. Nếu trong một thời gian dài trước đây chỉ có các trường công lập trong hệ thống giáo dục với ngân sách Nhà nước bao cấp, thì nay tại Lâm Đồng đã có 105 trường học ngoài công lập bao gồm 87 trường mầm non, 1 tiểu học, 1 trung học cơ sở (THCS), 12 trường vừa THCS vừa trung học phổ thông (THPT), 3 THPT, 1 trường tư thục có 3 bậc học. Bên cạnh đó còn có hàng loạt các trung tâm đào tạo tin học và ngoại ngữ, 1 trường trung học chuyên nghiệp tư thục và nhiều trung tâm học tập cộng đồng. Hiện nay, tỷ lệ học sinh ngoài công lập của khối mầm non trong tỉnh chiếm 63,5%, THPT 27%, hằng năm có khoảng 10% học sinh của tỉnh vào lớp 6 hệ ngoài công lập, 30% học sinh lớp 10 vào hệ ngoài công lập.
Chỉ tính trong năm năm gần đây, các tổ chức xã hội cùng người dân đã đóng góp khoảng 150 tỷ đồng cho việc xây dựng trường lớp. Cùng với vốn từ các nguồn khác, Lâm Đồng đã xây mới trên 1500 phòng học kiên cố ở các cấp học. Hội Khuyến học tỉnh trung bình mỗi năm cũng đã huy động được trên 3 tỷ đồng để cấp hàng trăm học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi.
Trong lĩnh vực y tế, việc đẩy mạnh xã hội hóa đã mang lại những hiệu quả tích cực. Thông qua việc huy động nguồn lực từ các dự án liên kết , các quỹ viện trợ không hoàn lại của nhiều quốc gia trên thế giới, hàng trăm lượt cán bộ y tế của tỉnh đã được đào tạo chuyên khoa, gửi đi đào tạo bậc đại học và sau đại học, đào tạo điều dưỡng, kỹ thuật viên và cán bộ y tế thôn bản; nâng cấp nhiều cơ sở y tế trong tỉnh, mua sắm các trang thiết bị hiện đại. Cùng đó, bằng các nguồn vốn vay, vốn huy động từ cán bộ công chức, liên kết với các tổ chức kinh doanh trong và ngoài tỉnh, ngành y tế đã mua sắm nhiều trang thiết bị khám chữa bệnh kỹ thuật cao với tổng vốn thông qua xã hội hóa từ năm 2007 đến nay khoảng 30 tỷ đồng. Bên cạnh hệ thống y tế nhà nước, còn có y tế tư nhân với trên 540 cơ sở hành nghề nghề y và y học cổ truyền. Điều đáng lưu ý, từ qui mô nhỏ lẻ nay nhiều cơ sở đã tập trung lại thành phòng khám đa khoa với trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ có chuyên môn khá cao. Lâm Đồng đến nay nay đã có cả bệnh viện tư nhân (Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ - Đà Lạt).
Với thể dục thể thao, tỉnh hiện có không ít các cơ sở do tư nhân bỏ tiền túi đầu tư khá tốt như Khu liên hợp Thể thao Đức Trọng, Hồ bơi Phù Đổng - Đà Lạt, CLB Bóng bàn Nguyễn Công Trứ - Đà Lạt, CLB Bóng bàn Mạc Đĩnh Chi - Đà Lạt… (Nhà thi đấu đa năng và sân vận động cỏ nhân tạo của Cty Xổ số Kiến thiết Lâm Đồng liên kết với Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt sắp hoàn thành). Những cơ sở trên hằng năm vẫn tổ chức các giải cấp tỉnh, góp phần đào tạo vận động viên cho tỉnh. Cùng đó, nhiều doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị cũng đã xây dựng cơ sở thể thao của mình (sân bóng, sân quần vợt, cầu lông…) thành lập các CLB, huy động nguồn lực tài trợ từ xã hội để liên tịch tổ chức nhiều giải thể thao, góp phần thúc đẩy phong trào thể dục thể thao phát triển.
Trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, trong 5 năm qua, nhiều tổ chức cá nhân nhà hảo tâm cùng người dân đã đóng góp trên 13,5 tỷ đồng góp sức với nhà nước duy trì hoạt động của 1 Trung tâm Bảo trợ xã hội công lập và 12 cơ sở Bảo trợ xã hội ngoài công lập. Trong dạy nghề các cơ sở ngoài công lập (19 cơ sở) đã góp phần rất lớn trong việc đào tạo nghề cho tỉnh.
Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công là một nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính hiện nay. Lâu nay trong cải cách hành chính đã đặt ra vấn đề về tách hoạt động dịch vụ công ra khỏi hoạt động quản lý hành chính, thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Để thúc đẩy dịch vụ công phát triển hơn nữa, theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, trong thời gian đến cần xác định phân loại dịch vụ công, xây dựng cơ chế phù hợp để quản lý các tổ chức phục vụ dịch vụ trong đó chú trọng đến việc nghiên cứu bổ sung chính sách nhằm khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong ngoài nước nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công phục vụ cộng đồng; mở rộng phạm vi và điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh các đơn vị ngoài công lập; quy định chính sách hỗ trợ đối với các đơn vị ngoài công lập tự nguyện hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận, chuyển một số cơ sở dịch vụ công thành công ty cổ phần , tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh bình đẳng theo pháp luật để thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập cùng phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời bên cạnh việc khuyến khích các chủ thể kinh tế tham gia vào hoạt động xã hội hóa dịch vụ công, chính quyền cũng nên tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của nó mang lại.