Vượt qua ngưỡng khó khăn

02:12, 02/12/2010

Dự kiến đến hết năm 2010 này, huyện Đam Rông sẽ đưa được 24 người sang làm việc ở nước ngoài, nâng tổng số lao động đi xuất khẩu của Đam Rông lên hơn 100 người.

Dự kiến đến hết năm 2010 này, huyện Đam Rông sẽ đưa được 24 người sang làm việc ở nước ngoài, nâng tổng số lao động đi xuất khẩu của Đam Rông lên hơn 100 người. Ông Lưu Đại Phong – Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông – cho biết: “Tuy từ đầu năm đến nay, cả huyện chỉ mới đưa được 4 người đi XKLĐ nhưng hy vọng với những khó khăn, vướng mắc vừa được tháo gỡ, địa phương chúng tôi sẽ có những chuyển biến tích cực về công tác XKLĐ trong thời gian sắp tới”.

Trước hết, cần nêu rõ: Đam Rông là huyện vùng sâu vùng xa nghèo nhất tỉnh Lâm Đồng và là một trong 63 huyện nghèo của cả nước được chọn làm điểm trong thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững (Đề án 30a); và đây cũng là huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm phần lớn – gần 70% trong tổng số trên 38.000 dân. Vẫn theo Phó Chủ tịch UBND huyện – ông Lưu Đại Phong, cả năm 2009 vừa qua, Đam Rông chỉ đưa đi XKLĐ có 6 người, trong khi chỉ tiêu mà tỉnh giao lên đến 150 lao động. Nêu con số này để thấy rằng 24 lao động của huyện đã và sẽ được đưa đi XKLĐ trong năm nay là đáng kể. Ông Phong nói: “Năm 2010 này, cả huyện có 37 người đăng ký đi lao động ở nước ngoài. Đến đầu tháng 11, chúng tôi đã giải quyết được 4 trường hợp (đã sang Malaysia), và vừa hoàn chỉnh 20 hồ sơ để tiếp tục đưa đi XKLĐ từ nay đến cuối năm”. Theo báo cáo của Phòng LĐ-TBXH huyện Đam Rông, chỉ nói riêng 4 lao động của huyện được đưa sang làm việc tại Malaysia hồi đầu năm, vừa rồi, họ đã gửi khoản tiền 17 triệu đồng về để phụ giúp gia đình đã là một thông tin đáng chú ý.

Cũng theo Phòng LĐ-TBXH huyện Đam Rông, năm 2009 vừa qua, ngoài những khó khăn chung trong công tác XKLĐ như hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính, những tác động tiêu cực của lao động về nước trước thời hạn… thì với huyện dân tộc thiểu số và nghèo Đam Rông, những khó khăn “cố hữu” mà địa phương phải đối mặt còn là: Trình độ dân trí thấp, nhận thức của người lao động về XKLĐ vẫn còn nhiều hạn chế, trình độ tay nghề của người lao động chưa được nâng cao… Để dần tháo gỡ những khó khăn này, từ cuối năm 2009 và những tháng đầu năm 2010 vừa qua, chính quyền và cơ quan chức năng huyện Đam Rông cùng với ngành LĐ-TBXH tỉnh đã có nhiều động thái tích cực, như: Mở hội nghị tư vấn cộng tác viên XKLĐ với đối tượng tham gia là các cán bộ thôn buôn, già làng, nhân sỹ trí thức người dân tộc thiểu số…; tổ chức các lớp dạy nghề ngay tại chỗ để nâng cao tay nghề cho người lao động; liên kết với các doanh nghiệp trong việc tư vấn cho người lao động về XKLĐ… Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho biết: Trong thời gian gần đây, ở Đam Rông, nhận thức của người lao động về XKLĐ đã có những chuyển biến tích cực. Một trong những biểu hiện của sự chuyển biến này là ngày càng có nhiều lao động tự nguyện đến cơ quan chức năng đăng ký học ngoại ngữ để phục vụ cho việc đi ra nước ngoài làm việc thông qua con đường XKLĐ; trong đó, 20 lao động vừa đăng ký học tiếng Hàn mới đây là một ví dụ.  
 
Với những giải pháp đó, có thể nói, năm 2010 này, Đam Rông đã bắt đầu vượt qua được cái ngưỡng của khó khăn về XKLĐ. Và như vậy, hơn 20 con người được ra nước ngoài làm việc trong năm 2010 không phải là một con số quá lớn nhưng nó là con số hết sức quan trọng để huyện nghèo Đam Rông vượt qua ngưỡng khó khăn, phấn đấu từ 2011 trở đi, mỗi năm giải quyết được 60 – 80 lao động được đưa ra nước ngoài làm việc trong tổng số 700 lao động được giải quyết công ăn việc làm hằng năm theo chỉ tiêu phấn đấu của huyện.
 
Khắc Dũng