Xoa dịu nỗi đau da cam

02:12, 28/12/2010

Chiến tranh đã kết thúc hơn ba thập kỷ, nhưng hậu quả bởi chất độc hóa học do Mỹ rải xuống trên dải đất Việt Nam đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và tác hại nặng nề đến môi trường, sinh thái.

Chiến tranh đã kết thúc hơn ba thập kỷ, nhưng hậu quả bởi chất độc hóa học do Mỹ rải xuống trên dải đất Việt Nam đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và tác hại nặng nề đến môi trường, sinh thái. Đối với nạn nhân da cam (NNDC), nhiều căn bệnh do chất độc da cam/dioxin đang tiềm ẩn. Những căn bệnh có tính di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác gây ra nhiều dị dạng, dị tật, làm đau đớn triền miên về thể xác, tổn thương nghiêm trọng về tinh thần cùng hậu quả sâu sắc và lâu dài cho nhiều gia đình và một bộ phận trong xã hội.

Từ nhiều năm qua, NNCĐDC là một trong những đối tượng được Hội CTĐ thành phố Đà Lạt quan tâm, chăm sóc. Hàng năm, Thành Hội CTĐ Đà Lạt đã triển khai đến các cấp Hội cơ sở chương trình “Tháng hành động vì NNCĐDC” nhân ngày Quốc tế CTĐ 8/5 để các cấp Hội quan tâm, chăm lo đến sức khỏe và cuộc sống của NNDC và gia đình họ. Thông qua việc tuyên truyền, vận động các cá nhân, tập thể hỗ trợ về cả vật chất và tinh thần để giúp đỡ NNCĐDC sớm hòa nhập cộng đồng, giúp đỡ các gia đình NNDC nghèo được điều trị bệnh và được chăm sóc tốt. Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, chương trình “Tết vì người nghèo và NNDC” được các cấp Hội triển khai để hướng đến mục tiêu tất cả NNDC và gia đình NNCĐDC đều có cái Tết trọn vẹn như bao gia đình khác. Hiện nay, toàn thành phố có 124 người bị nhiễm CĐDC, thuộc 78 gia đình. Có những gia đình cả hai vợ chồng đều bị nhiễm, có gia đình 2 hoặc 3 cha con đều bị nhiễm CĐDC. Những năm qua, ngoài việc vận động những nhà hảo tâm, các ban ngành, các trường học, các tôn giáo đóng góp công sức, tiền của để giúp đỡ NNDC, cán bộ hội viên các cấp Hội còn đến thăm nom chia sẻ, an ủi NNDC chịu đựng những cơn đau đớn, động viên các gia đình NNCĐDC khắc phục khó khăn, phát hiện và nắm bắt các đối tượng da cam tại địa phương để có cách quan tâm, giúp đỡ và không bỏ sót ai.

Được tiếp nhận dự án Da cam, Thành Hội đã tổ chức hướng dẫn học nghề cho các NNDC để giúp họ hòa nhập cộng đồng, đưa NNDC đi phục hồi chức năng, cho vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao cuộc sống… Từ khi Hội NNCĐDC và bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố được thành lập vào cuối năm 2006, Thành Hội CTĐ đã phối hợp trong nhiều hoạt động với Hội NNCĐDC và tiếp tục chăm sóc các đối tượng da cam và gia đình NNCĐDC. Thành Hội đã vận động báo Tuổi Trẻ tặng 5 suất học bổng và 20 phần quà trị giá 8 triệu đồng, vận động Công ty Dầu nhờn BP tặng quà cho 32 hộ gia đình NNDC trị giá hơn 6 triệu đồng, Công ty du lịch dịch vụ Thanh niên Đà Lạt tặng cho 2 đối tượng  da cam khó khăn mỗi suất 500.000 đồng, trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh trợ cấp 2 suất học bổng cho hai học sinh da cam nghèo, trao 23 xe lăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng do di chứng CĐDC và khuyết tật trị giá 27 triệu đồng… Nhiều trường hợp được Thành Hội giúp đỡ như bà Nguyễn Thị Mão (xã Tà Nung) gia đình nghèo, neo đơn, có hai con trai bị di chứng do CĐDC, 3 mẹ con từ miền Bắc di dân vào Tà Nung sinh sống. Từ sự quan tâm, giúp đỡ của Thành Hội và các tổ chức xã hội, mẹ con bà Mão đã có căn nhà tình thương để ở, với một con bò được cấp, đến nay, gia đình bà Mão đã có cả đàn bò với 3 bò 5 bê, con trai tật nguyền của bà đã được giúp đỡ tìm việc làm và gia đình bà Mão đã ổn định cuộc sống. Ông Nguyễn Ngọc Sáng (xã Tà Nung) do di chứng CĐDC nên cơ thể ông bị lở loét phải nằm viện tốn nhiều tiền, Thành Hội đã có mặt kịp thời để hỗ trợ kinh phí chữa bệnh, giúp đỡ gia đình ông trong cuộc sống, cho vay vốn để chăn nuôi gà. Gia đình ông Nguyễn Văn Hường (phường 3) có hai con đều bị di chứng da cam nặng, Hội đã thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ kinh phí chữa bệnh cho hai cháu, cho vay vốn để làm ăn và nay đời sống gia đình ông đã ổn định.

Ông Lê Thanh Bảo – Phó Chủ tịch Hội CTĐ thành phố Đà Lạt nhấn mạnh: “NNCĐDC là đối tượng bị tổn thương, là đối tượng chính sách thứ 11 cần được xã hội quan tâm, giúp đỡ thường xuyên để xoa dịu nỗi đau chiến tranh với những người đang mang trong mình những căn bệnh do chất độc hóa học gây ra. Đó cũng là tính nhân văn, lòng nhân đạo của mỗi con người đối với những NNDC. Làm sao giúp họ vượt qua mặc cảm, khó khăn để vươn lên trong cuộc sống là trách nhiệm của toàn xã hội”.
Tuấn Hương