Thời gian qua, dư luận xã hội có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề khai thác bauxite, sản xuất alumine tại Tây Nguyên; trong đó có tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng do Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư đang triển khai ở huyện Bảo Lâm.
Khẩn trương thi công đưa tổ hợp bauxite nhôm Tân Rai (Bảo Lâm) đi vào hoạt động. |
I. ĐÁNH THỨC MỘT TIỀM NĂNG LỚN
Theo tài liệu của các nhà địa chất trong và ngoài nước, tiềm năng khoáng sản của Tây Nguyên, đặc biệt về quặng bauxite rất lớn. Ở đây, quặng bauxite có trên 5,4 tỷ tấn, chiếm trên 99% tổng trữ lượng và tài nguyên bauxite của cả nước. Khu vực có bauxite tập trung tại Đắc Nông và Lâm Đồng. Riêng Lâm Đồng có khoảng 975 triệu tấn quặng nguyên khai (463 triệu tấn quặng) tập trung ở Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh với 2 mỏ lớn là Tân Rai (Bảo Lâm), Bảo Lộc.
Từ năm 1985, hai mỏ bauxite ở Lâm Đồng đã được khảo sát, đánh giá chi tiết. Mỏ bauxite Bảo Lộc trên diện tích 326 km2, có trữ lượng khoảng 387 triệu tấn quặng nguyên khai. Năm 1990, Công ty TNHH một thành viên Hóa chất cơ bản miền Nam được phép khai thác trên diện tích 2,2 km2 tại đồi Thắng Lợi. Đối với mỏ Tân Rai có diện tích 220 km2 là mỏ lớn nhất tỉnh, có tổng trữ lượng trên 500 triệu tấn quặng nguyên khai. Mỏ này có ưu điểm là quặng nằm lộ thiên, tầng phủ mỏng, dễ khai thác; chi phí đầu tư khai thác thấp. Bauxite chủ yếu là gibxit có thể hòa tách ở nhiệt độ thấp, chi phí xử lý không cao do đó được ưu tiên đầu tư đưa vào khai thác. Mỏ bauxite hiện chuẩn bị đưa vào khai thác thuộc một phần phía tây Tân Rai đã được thăm dò chi tiết trên 42 km2 có trữ lượng 148,7 triệu tấn và được Bộ Tài Nguyên - Môi trường cấp giấy khai thác ngày 21/6/2010 cho TKV với diện tích 1.619,5 ha trong thời hạn 29 năm… Nhằm khai thác nguồn tiềm năng lớn của đất nước, từ năm 1996, Bộ Chính trị tại Nghị quyết 13 - NQ/TW và sau đó tại Nghị quyết 10-NQ/TW (18/1/2002) đã nêu rõ chủ trương: “Nhà nước tập trung đầu tư những công trình lớn, có ý nghĩa then chốt như thủy điện, công nghiệp giấy và chế biến nông lâm sản, công nghiệp khai thác khoáng sản, trước hết là khai thác bauxite và alumine…”. Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện như Quyết định 168/2001/QĐ-TTg (ngày 30/10/2001), Quyết định 167/2007/QĐ-TTg (ngày 1/11/2007) về phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bauxite đến năm 2025. Ngày 29/4/2009, Thủ tướng Chính phủ có công văn số 650/TTg-KTN về việc “Phát triển ngành công nghiệp khai thác bauxite, sản xuất alumine”. Gần đây đã có các chủ trương và chỉ đạo về việc triển khai các dự án khai thác bauxite, sản xuất alumine và đầu tư tuyến đường vận chuyển đường sắt Đắc Nông - Bình Thuận, cảng biển Kê Gà phục vụ cho việc xuất khẩu sản phẩm từ bauxite. Trở lại năm 1998, Chính phủ cũng đã phê duyệt dự án tiền khả thi và thông qua báo cáo khả thi vào năm 2005 của dự án Tổ hợp bauxite Nhôm Lâm Đồng với công suất 650.000 tấn alumine/năm do TKV làm chủ đầu tư. Ngày 17/7/2006, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Tổng công ty hóa chất Việt Nam liên doanh với hai đối tác của Nhật Bản là Tập đoàn Sojitz, Công ty Nippon Metal sản xuất hydroxit, oxit nhôm với công suất 550.000 tấn/năm. Ngoài ra, ngày 17/9/2008 Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có công văn đồng ý cho Tập đoàn TKV hợp tác với Công ty Itochu và Sumitomo Chemical (Nhật Bản) lập dự án đầu tư Dự án Hydrat nhôm với công suất khoảng 300.000 tấn /năm tại Lâm Đồng.
Toàn cảnh công trường xây dựng tổ hợp bauxite nhôm tại Tân Rai (Bảo Lâm). |
Với ý tưởng như vậy và khi thành hiện thực, Lâm Đồng và Tây Nguyên sẽ phát triển một ngành công nghiệp mới - công nghiệp chế biến alumine đầu tiên của Việt Nam. Những năm tới giá trị sản xuất hết công suất ngành công nghiệp Lâm Đồng có khả năng đóng góp trên 3.500 tỷ đồng/năm (trong khi toàn ngành công nghiệp của tỉnh năm 2010 chỉ đạt giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 4.900 tỷ đồng); tăng giá trị xuất khẩu hàng năm từ 200 - 220 triệu USD (năm 2010, kim ngạch xuất khẩu Lâm Đồng mới đạt 250 triệu USD). Theo đó thu ngân sách trên địa bàn cũng tăng do thuế xây dựng, thuế, phí khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng. Mỗi năm, khai thác bauxite sản xuất alumin có thể đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 700 tỷ đồng bao gồm thuế xuất khẩu khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường… Cùng với đó, tỉnh sẽ tạo việc làm và tăng thu nhập cho trên 16.000 lao động liên quan để nâng cao đời sống người dân.
Kỳ sau: CÓ HAY KHÔNG NHỮNG HỆ LỤY?