Xung quanh vấn đề khai thác bauxite ở Lâm Đồng (tiếp theo)

02:12, 28/12/2010

Ngày 4/10/2010, khi xảy ra sự cố vỡ hồ bùn đỏ từ việc sản xuất alumine tại thành phố Ajka - Hungary, nhiều nhân sĩ, trí thức trong nước đã bày tỏ sự quan ngại về mối hiểm họa tương tự tại Việt Nam.

[links()] II. CÓ HAY KHÔNG NHỮNG HỆ LỤY?

Ngày 4/10/2010, khi xảy ra sự cố vỡ hồ bùn đỏ từ việc sản xuất alumine tại thành phố Ajka - Hungary, nhiều nhân sĩ, trí thức trong nước đã bày tỏ sự quan ngại về mối hiểm họa tương tự tại Việt Nam. Chính phủ đã cử các bộ, ngành liên quan và đại diện hai tỉnh Lâm Đồng, Đắc Nông đi khảo sát tại Hungary. Mới đây nhất, Bộ Công - Thương trình Thủ tướng với nội dung về tính chất công nghệ, giải pháp kỹ thuật, sức chứa của hồ bùn đỏ Tân Rai (Lâm Đồng) hoàn toàn khác hồ bùn đỏ tại Hungary.
 
Tổ hợp Bauxite - Nhôm Tân Rai (Bảo Lâm) đang được khẩn trương thi công.
Tổ hợp Bauxite - Nhôm Tân Rai (Bảo Lâm) đang được khẩn trương thi công.

Trước hết, hồ bùn đỏ Tân Rai chia thành nhiều ô có dung tích nhỏ khoảng 0,5 - 1,6 triệu m3 được xây dựng trong thung lũng, được chống thấm bằng vật liệu cao phân tử HDPE với hệ số thấm cực nhỏ (1 phần 100.000 tỷ cm/giây). Trong khi hồ bị vỡ tại Ajka có dung tích tới 4,2 triệu m3, xây cao 25 - 30 m trên khu vực khá bằng phẳng, chống thấm bằng đất sét trộn với tro xỉ than, hệ số chống thấm 1/10.000 cm/giây, bao ngoài bằng một bức tường bê tông dài 7,3 km; có một vết nứt được phát hiện trước đó mấy tháng nhưng Công ty này không quan tâm sửa chữa… Về tính chất bùn đỏ tại Việt Nam được lắng rửa theo công nghệ tiến tiến 6 cấp, có độ kiềm thấp (pH khoảng 10,5 - 11) nhưng công nghệ tại Hungary đã lạc hậu, độ kiềm pH bằng 13 - 14 nên có khả năng gây bỏng mạnh khi tiếp xúc. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo TKV thuê tư vấn độc lập có kinh nghiệm để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật hồ bùn đỏ tại Tân Rai nhằm hoàn thiện và đảm bảo an toàn tuyệt đối khi đưa vào vận hành. Toàn bộ dự án Tổ hợp Bauxite - Nhôm Lâm Đồng đã được Bộ Tài nguyên - Môi trường thẩm định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (2 lần). UBND tỉnh sẽ cùng Bộ tăng cường giám sát chủ đầu tư từ giai đoạn thi công đến giai đoạn hoạt động trong công tác bảo vệ môi trường theo đúng quy định.

Khai thác bauxite và luyện alumine có làm cạn kiệt tài nguyên nước hay không? Theo Thạc sĩ Lương Văn Ngự - Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên - Môi trường tỉnh Lâm Đồng, đã cùng các chuyên gia của Trung ương sang khảo sát hồ bùn đỏ tại Ajka khẳng định: Vùng Bảo Lộc, Bảo Lâm có lượng mưa lớn nhất cả nước. Khí tượng thủy văn cho biết bình quân lượng mưa hàng năm trong 6 năm gần đây là 3625,67 mm. Tuy nhiên nếu không có hồ chứa thì không trữ được nước. Do vậy Dự án Tổ hợp đã xây dựng hồ Cai Bảng có dung tích thiết kế 17,2 triệu m3, có lượng nước vào - ra khoảng 29,8 triệu m3/năm; trong đó sử dụng khoảng 28,5 triệu m3/năm cho tuyển quặng bauxite sản xuất alumine và nhôm, 1 triệu m3 phục vụ nông nghiệp…Như vậy không lo tài nguyên nước bị xâm hại. Có ý kiến cho rằng các dự án khai thác bauxite sẽ sử dụng nhiều điện năng trong khi cả nước thiếu điện. Thực chất TKV chỉ đầu tư giai đoạn 1 là sản xuất alumine, vận hành bằng một nhà máy nhiệt điện độc lập có công suất 30 MW; chỉ sử dụng điện lưới quốc gia trong khoảng 3 tháng/năm khi bảo trì nhà máy nhiệt điện. Tập đoàn TKV cũng đang tích cực lập hồ sơ chuẩn bị đầu tư nhà máy thủy điện Đồng Nai 5 để tự sản xuất điện luyện nhôm.

Dư luận cũng đặt vấn đề triển khai các dự án bauxite sẽ ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp (chè, cà, phê, rừng…). Trên thực tế, diện tích khai thác bauxite nhỏ so với tổng số diện tích đất tự nhiên, đất nông nghiệp toàn tỉnh (chiếm 1,4%) nên không bị ảnh hưởng lớn. Mặt khác, rừng tại khu vực khai thác là rừng nghèo kiệt, năng suất và sản lượng chè, cà phê thấp do tầng đất phủ mỏng, bên dưới là lớp bauxite nên hầu hết cây trồng kém phát triển. Sau 4 - 5 năm khai thác quặng xong, việc hoàn nguyên sẽ góp phần cải tạo đất để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp.

Điều băn khoăn nữa là Dự án khai thác bauxite sản xuất alumine có phải là dự án liên doanh với Trung Quốc hay không? Xin khẳng định là không! Nhà thầu Trung Quốc chỉ trúng thầu thi công và chuyển giao công nghệ luyện bauxite trong 24 tháng, Tập đoàn TKV đầu tư 100%.
 
Dịp cuối tháng 12, đến Tân Rai, chúng tôi được biết số lượng lao động nước ngoài làm việc tại dự án biến động tùy theo tính chất công việc tại công trường bình quân khoảng 600 - 700 người. Đang trong giai đoạn cuối để hoàn thành kế hoạch tiến độ, ở Tổ hợp có 2 chuyên gia Úc, 1.207 người Trung Quốc và hơn 750 lao động Việt Nam làm việc tại công trường của nhà máy, 1.025 công nhân Việt Nam tại các đơn vị của Dự án… Lãnh đạo Dự án cho hay Tổ hợp Bauxite - Nhôm Lâm Đồng đã đầu tư xây dựng được giá trị 8.000 tỷ đồng. Dự án tuyển và đào tạo nghề cho 810 người là con em vùng dự án học trung cấp nghề (52 em thuộc các dân tộc thiểu số) và đưa 64 em sang đào tạo đại học, cao đẳng tại Côn Minh - Trung Quốc…
 
Rời Tân Rai, chúng tôi an lòng bởi sẽ không xảy ra những hệ lụy mà dư luận quan tâm và nao nức khi mường tượng một ngày không xa Bảo Lâm, TP. Bảo Lộc sẽ nhộn nhịp cảnh quan một vùng công nghiệp, một ngành công nghiệp mới của đất nước. Điều hứa hẹn chắc chắn là Dự án sẽ là một trong những yếu tố thúc đẩy kinh tế chuyển động, tạo điều kiện cho Lâm Đồng phát triển toàn diện, bền vững. Đó là nền tảng để tỉnh đẩy mạnh đầu tư cho vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
 
Nhóm phóng viên CT - XH