Xung quanh vấn đề "nói không" với người có bằng tốt nghiệp hệ tại chức tại Đà Nẵng

10:12, 16/12/2010

Gần đây, thông tin việc TP. Đà Nẵng "nói không" với người có bằng tốt nghiệp hệ tại chức khi tuyển dụng đã làm cho dư luận đặt ra nhiều luồng ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, lãnh đạo TP thì cho rằng, đây là việc làm cần thiết để Đà Nẵng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trên địa bàn trong thời gian sắp tới. Điều này là phù hợp với thực tế và yêu cầu công tác cán bộ của địa phương hiện nay và trong tương lai.

[links()]Gần đây, thông tin việc TP. Đà Nẵng "nói không" với người có bằng tốt nghiệp hệ tại chức khi tuyển dụng đã làm cho dư luận đặt ra nhiều luồng ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, lãnh đạo TP thì cho rằng, đây là việc làm cần thiết để Đà Nẵng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trên địa bàn trong thời gian sắp tới. Điều này là phù hợp với thực tế và yêu cầu công tác cán bộ của địa phương hiện nay và trong tương lai.

Vẫn không đóng khung "Chỉ những người tốt nghiệp hệ chính quy"

Ngày hội việc làm tại Đà Nẵng thu hút nhiều bạn trẻ mới tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học .
Ngày hội việc làm tại Đà Nẵng thu hút nhiều bạn trẻ mới tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học .
Theo ông Đặng Công Ngữ- Giám đốc Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng thì: Sở dĩ TP có quyết định không tuyển sinh viên hệ tại chức vào các cơ quan nhà nước là nhằm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương. Ông Ngữ cũng khẳng định: Quyết định trên là hoàn toàn phù hợp với nhu cầu thực tế về nguồn cán bộ hiện nay của TP. Việc TP có quyết định trên không vi phạm về luật và các quy định hiện hành. Mặt khác, hiện TP đang triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao từ nguồn kinh phí của địa phương. Số sinh viên có trình độ chuyên môn cao này sau khi ra trường sẽ được bổ sung, tiếp nhận vào các cơ quan nhà nước. Vì vậy, thực tế tại Đà Nẵng thời gian qua và sắp tới vẫn rất công bằng, chặt chẽ để lựa chọn được những người thật sự có tài nhằm tạo nguồn lãnh đạo kế cận cho địa phương.

Nói về quyết định trên của TP, ông Bùi Văn Tiếng– Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cũng cho rằng: Đà Nẵng đang rất cần một đội ngũ công chức giỏi. Chỉ chọn bằng chính quy cũng là một trong nhiều cách tuyển dụng. Thực tế mỗi đợt thi tuyển cán bộ, công chức TP tiếp nhận hàng trăm ứng viên, nếu phải rà soát, kiểm tra từng người một để lấy vài ba người thì rất tốn thời gian. Vì thế, yêu cầu trước hết, để vào làm công chức, ứng viên phải đáp ứng được các tiêu chí quy định, không đủ thì bị loại. Điều này rất nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị khác cũng làm như thế, chỉ có điều họ không nói ra nên không có nhiều luồng dư luận. Trước một cách làm sẽ có nhiều ý kiến bàn tán nhưng mục tiêu cuối cùng của Đà Nẵng là muốn có đội ngũ công chức chất lượng hơn.

Cũng theo ông Tiếng: Đây chỉ là một cách, một bước đi, trong quá trình thực hiện, TP sẽ thay đổi và tiếp tục có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp chứ không đóng khung "Chỉ là người tốt nghiệp chính quy". Trước hết, Đà Nẵng sẽ có cơ chế riêng để những người học tại chức nhưng có năng lực vẫn có thể làm công chức, thậm chí được tuyển trực tiếp làm lãnh đạo; ngược lại, không phải cứ có bằng chính quy, được vào làm công chức rồi là chắc ăn. Công chức vẫn có thể bị đào thải nếu không đáp ứng được yêu cầu công việc.

"Đây là cơ chế mở, đảm bảo bình đẳng, ai cũng có quyền cống hiến, phấn đấu, được trọng dụng. Mục đích cuối cùng nhất là để có đội ngũ công chức giỏi, làm việc hiệu quả, được nhân dân hài lòng. Vì vậy, có thể khẳng định rằng: Không phải Đà Nẵng nói không hoàn toàn với bằng tại chức. Bằng tại chức vẫn tiếp tục được Đà Nẵng trọng dụng ở hai khía cạnh là: những người đã có bằng tại chức đang làm việc trong cơ quan Nhà nước và những người có bằng chính quy nhưng không làm đúng chuyên môn được khuyến khích học tại chức để phục vụ công việc của mình tốt hơn"- ông Bùi Văn Tiếng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Tiếng cũng lưu ý: Có những người bằng tại chức nhưng họ giỏi thật, năng lực tốt hơn người có bằng chính quy. Nhưng ở đây, ta phải lấy số nhiều. Phải thừa nhận một thực tế rằng chất lượng đầu ra chung của bằng tại chức chưa thể bằng chính quy xét từ chương trình học, thời gian, đầu vào... Đấy là chưa nói nhiều người ghi danh để học cho có bằng cấp, năng lực thì yếu nhưng nhờ cậy quan hệ xin cho đưa vào làm công chức. Kết quả là bộ máy công chức Nhà nước chất lượng lại kém hơn bên ngoài. Theo ông Tiếng, qua cách làm của mình, Đà Nẵng cũng mong muốn các nhà đào tạo phải nhìn lại chất lượng đào tạo của mình, nhất là loại hình đào tạo tại chức, không nên chạy theo bằng cấp mà quên đi chất lượng đầu ra, phải làm sao để chất lượng đào tạo tương xứng với tấm bằng trên tay của người học. Còn với những người có bằng tại chức không được tuyển vào cơ quan Nhà nước nhưng vẫn có thể làm bên ngoài nếu người đó thực sự có năng lực.

Đà Nẵng chọn cái tốt hơn

Trước tình hình dư luận có nhiều phản ứng trái chiều về việc Đà Nẵng "nói không" người có bằng tốt nghiệp hệ tại chức khi tham gia tuyển dụng thì nhiều chuyên gia có liên quan cũng đã bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề này.

Một trong những đơn vị tại Đà Nẵng với chức năng là đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, trong đó có việc đào tạo hệ tại chức, Đại học Đà Nẵng cũng đã có những phản ứng đầu tiên. Theo PGS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc Đại học Đà Nẵng thì, yêu cầu về bằng cấp, trình độ nhân sự là tiêu chí riêng của mỗi nhà tuyển dụng. Ngay cả Đại học Đà Nẵng khi tuyển dụng giảng viên cũng có yêu cầu nguồn nhân sự phải tốt nghiệp hệ đào tạo hệ chính quy loại khá, giỏi để đáp ứng được yêu cầu của công việc tại trường.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Văn Nam cũng cho rằng, hiện nay các học viên theo học hệ tại chức đang ngày càng trẻ hóa. Trước đây, học viên hệ này chủ yếu là những người đã đi làm. Vì nhu cầu nâng cao trình độ chuyên môn, vì yêu cầu của công việc, họ đăng ký học thêm. Nhưng hiện nay, không ít học viên chọn học hệ tại chức vì chuẩn thi tuyển đầu vào “dễ thở” hơn hệ chính quy. Và thực tế cũng có không ít nơi đào tạo dễ dãi cả “đầu vào” lẫn “đầu ra”. Điều này vô tình tạo ra những đánh giá, nhìn nhận thiếu công bằng đối với sinh viên tốt nghiệp đại học hệ tại chức.

Vì vậy, PGS.TS Trần Văn Nam khẳng định: Vấn đề mấu chốt ở đây là chất lượng đào tạo phải đủ uy tín để nhà tuyển dụng chấp nhận. Ở Đại học Đà Nẵng, Trường rất quan tâm tổ chức thi tuyển đầu vào nghiêm túc và sàng lọc kỹ đầu ra, đúng với thực chất học. Sinh viên tốt nghiệp đại học hệ tại chức tại Đại học Đà Nẵng chỉ đạt tỷ lệ từ 30- 50% so tổng số sinh viên đã theo học. Thậm chí, có ngành tỷ lệ này chỉ đạt từ 10- 15% như ngành Xây dựng dân dụng tại ĐH Bách khoa Đà Nẵng, thậm chí có ngành không mở được lớp như ngành Kế toán.... Cùng với đó, số lượng sinh viên theo học hệ tại chức tại Trường Đại học Đà Nẵng ít hơn hẳn so với sinh viên hệ chính quy. Chẳng hạn, trong hơn 20 nghìn sinh viên tại Đại học Bách khoa Đà Nẵng chỉ có hơn 5 nghìn sinh viên đang học hệ tại chức. Tuy nhiên, nói như thế không phải không có người muốn học mà họ không chọn Đại học Đà Nẵng vì sợ khó đậu, khó tốt nghiệp. Số lượng học viên càng nhiều càng tạo thêm nguồn thu cho nhà trường. Nhưng để đảm bảo chất lượng đào tạo, nhà Trường phải chấp nhận “ế” sinh viên hệ tại chức. "Chúng tôi chấp nhận việc không mở được lớp chứ không thả lỏng chất lượng đào tạo. Nên khi trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên đại học hệ tại chức, chúng tôi mới thực sự “đau lòng” khi những người thực sự cầu tiến, học hành đàng hoàng, chăm chỉ, khó lắm mới lấy được tấm bằng lại bị đánh đồng với những tấm bằng đại học tại chức nhận được dễ dàng hơn"- PGS.TS Trần Văn Nam bộc bạch.

Rõ ràng, qua mô hình của Đại học Đà Nẵng cũng cho thấy, việc tuyển dụng và đặt ra các tiêu chí tuyển dụng là phụ thuộc vào yêu cầu của nhà tuyển dụng. Vấn đề đặt ra là từ việc làm của Đà Nẵng, các nhà đào tạo cần có cái nhìn thực chất về chất lượng đào tạo của mình. Còn với Đà Nẵng, đây là chỉ là bước đi mới, chắc chắn còn phải tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh nhưng ít ra cũng đang và sẽ làm được cái điều mà địa phương mong muốn- đó là cách để tìm ra đội ngũ cán bộ, công chức giỏi. Nói như đồng chí Trần Thọ- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng tại Hội nghị tổng kết ngành Tuyên giáo thành phố năm 2010 (vào sáng 7-12-2010) vừa qua: "Đà Nẵng không phân biệt bằng cấp nào tốt hơn bằng cấp nào, nhưng thực tế cho thấy, về mặt xác suất, số lượng người giỏi trong hệ chính quy nhiều hơn hệ tại chức. Đà Nẵng chọn cái tốt nhất trong những điều hợp lý nhất của xã hội"./.
Theo ĐCSVN