“Buôn xưa” không cũ...

02:01, 06/01/2011

Buôn Go vẫn ở đó từ thưở phôi thai. Vẫn nằm bình yên bên dòng Đồng Nai huyền tích, trong váng vất ký ức về một thời rực rỡ của một nền văn minh thưở xưa.

Buôn Go vẫn ở đó từ thưở phôi thai. Vẫn nằm bình yên bên dòng Đồng Nai huyền tích, trong váng vất ký ức về một thời rực rỡ của một nền văn minh thưở xưa. Buôn xưa, bây giờ nằm lọt giữa “thị trấn” bên sông, ầm ào và “ít ngủ”( TT.Đồng Nai-huyện Cát Tiên), không còn sự xơ xác, xập xệ của những ngày chạy lũ, nhịp sống hiện đại tràn về tiếp thêm sinh khí, làm thay đổi và xóa nhòa đi những nghèo nàn, lạc hậu. Trong sự đổi thay đến “chóng mặt” của đời sống hiện đại, Buôn Go cũng đã “thích nghi” để trở thành một làng kiểu mẫu biết làm du lịch bằng những giá trị văn hóa của mình.
 
Buôn Go đổi mới.
Buôn Go đổi mới.

Điểu K’Rôn cùng vợ và ba đứa con nhỏ đang ở trong một “căn hộ” đúng nghĩa, nhà gồm một phòng khách, 2 phòng ngủ, một không gian bếp khép kín cả khu vệ sinh. Đường điện và hệ thống nước cũng được mắc theo phong cách hiện đại và rất tiện nghi. Khoảnh sân nhỏ trước và sau nhà được anh trồng thêm ít rau, củ sạch để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Cả khu vực nơi Điểu K’Rôn đang ở bây giờ như một khu “đô thị mới” mà ta vẫn thường gặp ở bất kỳ thành phố nào đó. Ngôi làng xập xệ ngày nào nơi anh ở giờ đã có đường giao thông nội bộ, khuôn viên sạch đẹp, hệ thống thoát nước, có nhà văn hóa, có trường mẫu giáo … Hàng ngày, lũ trẻ đi học, anh cùng vợ đến rẫy cách nhà khoảng 10 km, tối về sum vầy bên con cái bên trong “căn hộ” khá tiện nghi của mình và hẳn nhiên anh cùng gia đình không còn phải lo những ngày mưa gió ẩm ướt.
   
Việc xây dựng Buôn Go thành làng truyền thống kiểu mẫu được những người tâm huyết với Cát Tiên ấp ủ từ lâu. Nhưng để thực hiện được lại không dễ, bởi ở nơi “rốn lũ” của mảnh đất Nam Tây Nguyên này vẫn còn đó những bộn bề sau những lần nước dòng Đồng Nai dâng nước phủ ngập xóm làng. Xác xơ rồi lại gượng dậy, khó khăn như một “vòng tuần hoàn” định mệnh. Đã rất nhiều lần, ông Bí thư huyện Nguyễn Văn Đẩu chia sẻ với chúng tôi điều đó. Mãi tới tận đầu năm 2009, Dự án “Sắp xếp lại bản Buôn Go” mới được đặt những viên gạch đầu tiên. Muộn, nhưng trong những nếp nhà vừa được dựng lên có rất nhiều điều phải suy ngẫm. Đó là sự quan tâm của cán bộ lãnh đạo huyện, mà phần lớn trong số họ đều xem Cát Tiên là quê hương thứ hai, là một phần máu thịt khi đã sinh ra và lớn lên ở đây, dẫu không phải gốc gác xứ quê. Đó còn là, sự thuận lòng của nhiều người, của nhiều dân tộc khác nhau đã cùng “đồng cam cộng khổ” kể từ ngày huyện được khai sinh. Hơn hết, đó còn là sự tương trợ, giúp nhau của người dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dẫu họ chẳng hề dư dả.
   
Sẽ rất khó để viết ra những con số, nhưng buôn mới khang trang và ấm êm nơi gia đình Điểu K’Rôn đang sống kia đã được hình thành từ kinh phí của rất nhiều nguồn đóng góp. 16.600 tỷ đồng để dựng buôn mới thì trong đó Nhà nước đầu tư 7.600 triệu đồng, vốn từ sự đóng góp, sẻ chia, tài trợ của các cơ quan đoàn thể là 5 tỷ đồng, còn lại 4 tỷ là do người dân trong buôn tự nguyện không nhận tiền đền bù khi quy hoạch dự án.

Căn nhà thứ 52 ở Buôn Go và cũng là căn cuối cùng của Cương trình xóa nhà tạm đã được hoàn thành giao tận tay cho từng hộ dân sử dụng. Nhà mới, đẹp và tiện nghi lại ở “giữa phố” có vẻ “không hợp” với đời sống tự nhiên và thói quen canh tác của những người dân Châu Mạ đã gắn bó với mảnh đất này từ bao đời. Nhưng chẳng ai muốn bỏ đất ông cha, ở đó từng gốc cây, ngọn cỏ đã trở nên quen thuộc như hơi thở, nhịp sống của họ. Chẳng sao, vẫn “ở phố”, vẫn bán buôn, vẫn có thể làm du lịch … huyện Cát Tiên đã sắp xếp đất sản xuất nông nghiệp cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong buôn ở khu 393 bên mạn Tư Nghĩa, cách đó không xa cho bà con từ trước khi dự án được khởi động.

Trong căn nhà rộng 40m2 trị giá hơn trăm triệu (anh có đóng góp thêm để dựng nhà) và được ăn bữa cơm với cá sông, rau luộc cùng Trưởng buôn - Điểu K’Dũng, mới thấy thấm thía hết những cực nhọc của bà con người Châu Mạ trong buôn vài năm trước. Buôn cũ và nghèo đến chạnh lòng, mùa mưa đường sình bết bát bùn đất dù cách đường lộ chính chỉ vài bước chân. Câu chuyện xoay quanh bữa cơm của tôi với anh chỉ gói gọn trong niềm vui của gia đình anh và người dân Buôn Go. “Tùy theo nhân khẩu, mỗi nhà đều được Nhà nước đầu tư từ 70 - 80 triệu đồng để dựng nhà từ 30-40m2. Ai cũng vui vì nhà mới, sạch sẽ và đẹp, vui vì Nhà nước rất quan tâm đến đời sống bà con, vui vì tình thương, sự giúp đỡ của rất nhiều người. Không còn phải lo những ngày mưa lũ, dột nát và ẩm ướt, bọn trẻ cũng đã có chỗ vui chơi ngay gần nhà mình”.
   
Người Châu Mạ với nhà dài, với nhịp chiêng sáu, với nghề dệt thổ cẩm, với một nền văn minh cổ xưa đã được chứng tích... vẫn còn đó những bí ẩn chưa được biểu lộ hết. Buôn nhỏ nằm “giữa phố” ấy ngày càng có nhiều bước chân của du khách phương xa tìm về. Người dân vẫn ở đó, sống miệt mài và thao thiết như dòng Đồng Nai huyền tích dâng hiến phù sa. Họ có vẻ cũng “như chưa” biết làm du lịch bằng những giá trị của mình dù vẫn thấy ai đó hỏi mua những tấm dệt thổ cẩm, vẫn ngủ lại để biết hơn về đời sống về tâm linh của buôn làng. Dự án xây dựng Buôn Go trở thành một làng DTTS kiểu mẫu, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đã được triển khai. Không xa nữa, người Buôn Go sẽ thôi không còn bỡ ngỡ với những người khách lạ thường xuyên ghé buôn.
 
Đặng Tuấn Linh