Đào tạo nghề ở Đam Rông

03:01, 25/01/2011

Là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước, việc tìm ngành nghề để đào tạo cho người dân tại Đam Rông là một nội dung được quan tâm để mục tiêu “thoát nghèo nhanh và bền vững” sớm về đích.

Là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước, việc tìm ngành nghề để đào tạo cho người dân tại Đam Rông là một nội dung được quan tâm để mục tiêu “thoát nghèo nhanh và bền vững” sớm về đích.

Giảng dạy mây tre đan tại xã Đạ Rsal - Đam Rông.
Giảng dạy mây tre đan tại xã Đạ Rsal - Đam Rông.
Chị Trần Quốc Khanh- giáo viên đứng lớp mây tre đan tại xã Đạ Rsal chưa bao giờ nghĩ rằng từ chỗ là một học viên, giờ đây chị đã có thể đứng lớp trao đổi kinh nghiệm với chị em phụ nữ. Tham gia học nghề mây tre đan để kiếm thêm thu nhập, chị Khanh dần phát hiện ra mình có năng khiếu và tâm huyết với nghề thủ công này. Là học viên xuất sắc nhất lớp, chị Khanh thành thạo các kỹ năng sản xuất và được tiếp tục bồi dưỡng khả năng sư phạm để trở thành giáo viên tại chỗ, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với chị em phụ nữ theo học các lớp về sau. Trường hợp của chị có thể coi như một hướng phát triển thành công để gây dựng nguồn giáo viên cho các lớp học nghề. Có giáo viên, khu vực hội trường xã trở thành lớp học, các phụ nữ đến học theo chương trình và nhận hàng làm kiếm thêm thu nhập. Chị Phạm Thị Tuyến (thôn 5, xã Đạ Rsal) khi thấy lớp học mở đều đặn đã tham gia học, chị phân chia các khoản thu nhập trong nhà để chi tiêu cho từng việc, riêng thu nhập từ đan lát được sử dụng cho mục đích đầu tư nuôi con đi học. Những phụ nữ sống tại địa phương vùng sâu như chị tham gia học nghề và thấy được hiệu quả thiết thực của nghề phụ đối với sinh hoạt hàng ngày.
   
Được thành lập từ tháng 9.2009, sau hơn 1 năm hoạt động, Trung tâm Dạy nghề Đam Rông đã thể hiện vai trò định hướng nghề nghiệp, tổ chức dạy nghề và có hướng tìm đầu ra cho sản phẩm của người theo các lớp học. Tính đến nay đã có 33 lớp học nghề được tổ chức với những nghề phù hợp với điều kiện tại Đam Rông như: trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng; đan lát; nuôi cá nước ngọt…Tùy vào từng địa bàn, các lớp học nghề được xây dựng phù hợp, từ nội dung học, thời gian học, cơ cấu thời lượng học… Rô Men, Phi Liêng, Đạ M’rông, Đạ Tông là những xã được tổ chức các lớp nghề lâm sinh đầu tiên. Với đặc điểm có nhiều hộ dân nuôi cá nước ngọt và có ưu thế ao hồ để nuôi cá, những lớp học nghiên cứu kỹ lưỡng về kỹ thuật chăn nuôi, làm sạch môi trường nước, nuôi các loại cá thích hợp…đã phần nào tác động để điều chỉnh cách nuôi của người dân theo hướng khoa học và hiệu quả hơn. Với những lớp mây tre đan, hiệu quả kinh tế thể hiện nhanh chóng, tùy vào tay nghề mà các học viên thực hiện các sản phẩm có kích cỡ lớn hoặc nhỏ, đơn gian hay cầu kỳ khác nhau, có đầu ra ổn định cho các sản phẩm, chị em phụ nữ có thể nhận hàng về nhà làm thêm. 
   
Hiện nay Trung tâm Dạy nghề Đam Rông đang được xây dựng với đầy đủ các phòng học lý thuyết, nhà xưởng thực hành, khối ký túc xá, trang thiết bị dạy nghề đạt chuẩn…Khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho các ngành nghề được giảng dạy chu đáo, bài bản, nâng cao tính ứng dụng của học viên. Một số ngành nghề mới dự kiến được tổ chức như nghề mộc, may mặc, dệt thổ cẩm, cơ điện lạnh, điện tử, sửa chữa máy nông nghiệp…sẽ được giảng dạy, đem lại nhiều lựa chọn cho người dân học nghề. Theo anh Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện thì việc tập trung dạy các nghề phù hợp với điều kiện người dân và nhu cầu thực tế của đời sống, nâng cao chất lượng dạy nghề…là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với trung tâm trong điều kiện đây là địa chỉ dạy nghề duy nhất của một huyện nghèo.

Hải Yến