Sau nhiều lần kiến nghị, mới đây UBND tỉnh đã đồng ý chuyển giao công trình nước sinh hoạt nông thôn xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương từ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường – thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho UBND xã Lạc Lâm quản lý, bảo vệ và khai thác sử dụng.
Công trình nước sinh hoạt nông thôn xã Lạc Lâm được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng cách đây gần 10 năm với nguồn vốn đầu tư 3,8 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp hơn 1,7 tỷ đồng. “Xuất phát từ thực tế nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, một phần do quá trình canh tác nông nghiệp gây ra, đặc biệt thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô nên mới hình thành dự án công trình nước sinh hoạt nông thôn này. Đây là công trình nước sinh hoạt đầu tiên do nhà nước và nhân dân cùng làm trên địa bàn huyện” - một cán bộ xã Lạc Lâm cho hay. Tận dụng nguồn nước đầu nguồn núi Lâm Viên dẫn vào bể chứa, rồi qua 3 bồn lằng thô mới phân phối đến người dân trong xã theo các đường ống hình xương cá. Ngay từ khi công trình được đưa vào khai thác, xã đã thành lập Ban quản lý công trình để vừa quản lý bảo vệ, duy tu sửa chữa, nhất là việc chống tình trạng ăn trộm nước tưới rau làm hư hỏng tuyến ống dẫn đến thiếu nước vào mùa khô nên công trình đã phát huy hiệu quả, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho dân. Tuy nhiên, từ giữa năm 2007 công trình được bàn giao cho Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường, mặc dù trung tâm đã cố gắng hết sức để đảm bảo nguồn nước cung cấp cho dân nhưng đôi lúc không kịp thời sửa chữa khi có sự cố đường ống gây bức xúc đối với người dân. Phó Chủ tịch UBND xã, Trương Quang Kiên cho hay: Mỗi lần đường ống bị bể hay nguồn nước bị đục phải chờ đợi xin phép trung tâm mới được giải quyết nên mất thời gian trong khi người dân không có nước để dùng. Đó là chưa kể vào mùa khô, công tác bảo vệ tuyến cống thiếu sự phối hợp, các hộ đầu nguồn trộm nước tưới rau vừa gây hư hỏng công trình, vừa làm thiếu hụt nguồn cung cấp nước. Bên cạnh đó hệ thống đồng hồ bị hư hỏng, không được sửa chữa, thay thế, do đó việc thu cước phí cũng gặp không ít khó khăn. Còn quy ra thu khoán thì không mang lại công bằng giữa các hộ bởi có hộ dùng nhiều, hộ dùng ít cũng đem lại những bức xúc, khiếu nại trong dân. Vì vậy mấy năm qua người dân liên tục đề nghị xã, huyện;thậm chí Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị UBND tỉnh giao công trình cho xã quản lý, bảo trì để công trình thực sự phát huy hiệu quả.
Mới đây UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo và giao Sở Nông nghiệp chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, huyện Đơn Dương cùng ngành chức năng tổ chức bàn giao hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn xã Lạc Lâm từ Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường cho xã quản lý khai thác. Qua kiểm tra đánh giá công trình, hiện tại ngoài hệ thống dẫn nước từ đầu nguồn về bể lắng lọc vẫn còn hoạt động ổn định thì có tới 70 m ống dẫn bằng sắt nằm dưới suối không được sơn lót bảo vệ có nguy cơ hư hỏng. Việc đầu tư thêm bể lắng lọc không đảm bảo dẫn đến nước đục vào mùa mưa. Đặc biệt việc thi công công trình quốc lộ 27 qua địa bàn xã làm hư hỏng dẫn khiến cho người dân hai thôn Tân Lập và Lạc Sơn bị thiếu nước sinh hoạt nếu không được sửa chữa… Theo UBND xã Lạc Lâm, do nguồn nước bị ô nhiễm nên các giếng đào trong xã không sử dụng dùng làm nước sinh hoạt từ lâu nay. Còn các giếng khoan cũng có mùi, vì vậy người dân chỉ trông vào nguồn nước sinh hoạt chính từ công trình song mới chỉ cung cấp nước cho hơn ngàn hộ trong tổng số 1.560 hộ dân toàn xã. Phó Chủ tịch xã Trương Quang Kiên cho biết, cuối tháng 12/2010, trung tâm đã bàn giao toàn bộ công trình cho xã quản lý, khai thác. Qua đó xã sẽ tiến hành kiểm tra hiện trạng đồng hồ cần thay thế, nhu cầu sử dụng nước của người dân để lập phương án cung cấp, điều tiết nước trong mùa khô này.