Xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, Lâm Đồng về đích trước thời hạn

02:01, 02/01/2011

Sau hai năm triển khai chương trình nhà ở cho các hộ nghèo, Lâm Đồng đã cơ bản hoàn thành trước một năm so với mục tiêu chung của cả nước, là tỉnh đứng thứ 6 trong toàn quốc về đích trước thời hạn.

Đồng chí Huỳnh Đức Hoà - Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Đồng chí Huỳnh Đức Hoà - Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Sau hai năm triển khai chương trình nhà ở 167 cho các hộ nghèo, Lâm Đồng đã cơ bản hoàn thành chương trình trước một năm so với mục tiêu chung của cả nước, trở thành tỉnh đứng thứ 6 trong toàn quốc về đích trước thời hạn. Chính vì vậy, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Lâm Đồng đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Nhân dịp này, phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc trao đổi với đồng chí Huỳnh Đức Hoà - Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh xoay quanh những kết quả đạt được trong thời gian qua. 

PV: Thưa đồng chí Chủ tịch UBND, xin đồng chí cho biết những kết quả cơ bản về công tác triển khai chương trình nhà ở 167 của Lâm Đồng đến thời điểm hiện nay?

Đồng chí Huỳnh Đức Hoà: Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 167/2008/QĐ - TTg, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương khẩn trương tổ chức điều tra, khảo sát, thống kê lập danh sách số hộ nghèo thuộc đối tượng được hỗ trợ làm nhà ở theo qui định; báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cho ý kiến, sau đó UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt đề án hồ trợ hộ nghèo làm nhà ở. Theo đó, mỗi căn nhà có tổng diện tích từ 35 - 40m2 với giá trị tối thiểu đạt từ 25 triệu đồng trở lên. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ mỗi hộ 10 triệu đồng (Trung ương hỗ trợ 7,7 triệu đồng, tỉnh hỗ trợ 2,3 triệu đồng/căn/hộ), ngoài ra các hộ còn được vay vốn ngân hàng chính sách xã hội 8 triệu đồng/hộ.

Lâm Đồng có 7.372 hộ được hỗ trợ làm nhà ở theo chương trình này, tính đến ngày 15/12/2010, tỉnh đã thực hiện xong 7.052 căn nhà, đạt tỷ lệ 95,66%. Còn lại 320 căn sẽ hoàn thành trước 30/12/2010. Có thể nhận định, về cơ bản Lâm Đồng đã hoàn thành chương trình hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở theo Quyết định 167, hoàn thành trước một năm so với mục tiêu chung của cả nước.

PV: Được biết, Lâm Đồng đã có nhiều chính sách ưu đãi khác ngoài chương trình 167, vậy đồng chí có thể cho biết sơ bộ một vài nét về vấn đề này?

Đồng Chí Huỳnh Đức Hoà: Ngoài việc thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở theo Quyết định 167, trong những năm qua, tỉnh đã thực hiện chương trình xoá nhà tạm theo các chương trình khác như: Trước năm 2005, tỉnh sử dụng nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn làm nhà ở được 3.000 căn với kinh phí 15 tỷ đồng. Từ năm 2005 - 2007, thực hiện Quyết định 134/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, Lâm Đồng xây dựng được 10.610 căn nhà với tổng kinh phí khoảng trên 64 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cuộc vận động ủng hộ xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình thương cho hộ nghèo do Uỷ ban MTTQ phát động, đã triển khai xây dựng được 4.384 căn với tổng kinh phí khoảng 29 tỷ đồng từ nguồn đóng góp, hỗ trợ của các tầng lớp nhân dân và các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Kết quả, đã góp phần nâng tổng số nhà xây dựng cho hộ nghèo và các đối tượng khác trong toàn tỉnh lên 25.366 căn với tổng kinh phí khoảng 292,36 tỷ đồng; góp phần quan trọng vào quá trình giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh xuống còn dưới 5%, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS còn dưới 15%, hoàn thành thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra trong giai đoạn 2006 - 2010.

PV: Đồng chí nhận định và đánh giá những kinh nghiệm trong quá trình triển khai chương trình 167 như thế nào?

Đồng chí Huỳnh Đức Hoà: Nét mới và nổi bật nhất so với các chương trình khác, đó là chương trình nhà 167 đã huy động được sự vào cuộc của toàn xã hội, đặc biệt là bản thân hộ nghèo đã phát huy tinh thần tích cực, chủ động, có trách nhiệm trong quá trình phối hợp với địa phương và các sở, ngành liên quan, theo phương châm: chủ nhà là người chịu trách nhiệm chính trong việc làm nhà cho chính gia đình mình, nhà nước hỗ trợ, cộng đồng xã hội giúp đỡ dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể.

Tuy nhiên, qua 2 năm triển khai cho thấy, nơi nào cả hệ thống chính trị cùng phối hợp chặt chẽ từ công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách đến việc bình xét đối tượng được hỗ trợ, đến quá trình triển khai, chỉ đạo, đôn đốc và giám sát thực hiện. Đặc biệt, nếu có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể cho từng cấp, ngành, tổ chức, cá nhân thì chắc chắn nơi đó sẽ triển khai thực hiện nhanh và có hiệu quả. Mặt khác, bản thân các hộ được sự hỗ trợ của nhà nước phải thật sự vào cuộc, ngoài việc tham gia đóng góp về vật tư, kinh phí còn phải huy động, kêu gọi được nguồn đóng góp, ngày công lao động của anh em dòng tộc, bà con lối xóm và toàn cộng đồng để làm nên chất lượng ngôi nhà cho người nghèo một cách có chất lượng, bền vững. Hy vọng, với tình cảm, trách nhiệm và sự nỗ lực cố gắng của toàn Đảng bộ, chính quyền và các ngành chức năng trong thời gian qua, với kết quả đạt được bằng con số nêu trên đã phần nào động viên, khích lệ kịp thời nhân dân, nhất là các đối tượng khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo trong tỉnh có điều kiện sớm ổn định cuộc sống, có ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đưa Lâm Đồng ngày càng phát triển nhanh và bền vững trên phạm vi toàn quốc. 

PV: Xin cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã dành thời gian trả lời phỏng vấn! 
 
Nguyệt Thu ( thực hiện)