Gánh hàng rong vươn tới Sao Tháng Giêng

10:01, 14/01/2011

Con đường tự học luôn truân chuyên. Vì thế tôi càng ngưỡng mộ em - một cô gái mảnh mai lại có nghị lực vượt khó vô bờ! Em gợi nhớ về thời thơ ấu của biết bao học trò con nhà nghèo với cùng một ước mơ: Học để thoát khỏi đói nghèo!

Con đường tự học luôn truân chuyên. Vì thế tôi càng ngưỡng mộ em - một cô gái mảnh mai lại có nghị lực vượt khó vô bờ! Em gợi nhớ về thời thơ ấu của biết bao học trò con nhà nghèo với cùng một ước mơ: Học để thoát khỏi đói nghèo!

9 TUỔI VIẾT THƯ TỰ ĐỘNG VIÊN MÌNH

Với Nguyễn Thị Thu Vân học để thoát nghèo, chứ không phải để “hái sao trên trời”! Vì mục đích mà em vươn tới là không phải làm một ngôi sao tỏa sáng để mọi người ngưỡng mộ. Em học từ cuộc đời nhọc nhằn của mẹ, từ sự thiệt thòi không biết chữ của cha, em học bù cho mình một tuổi thơ khó nhọc không biết đến trường mẫu giáo là gì? Em chưa bao giờ biết học mẫu giáo để hồn nhiên vui chơi, múa, hát. Từ khi lên 9 tuổi mới học lớp 4, em đã biết viết thư tự động viên mình không được nghỉ học. Những dòng chữ ngô nghê đã theo em vào đại học và chắp cánh cho ước mơ của em bay xa.

Thu Vân bên góc học tập tại phòng trọ.
Thu Vân bên góc học tập tại phòng trọ.

Hiện tại, em đã là sinh viên năm thứ 4, khoa Hóa - K31 của Trường Đại học Đà Lạt. Bề dày thành tích học tập ở phổ thông liên tục đạt loại giỏi, năm lớp 9 em đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện môn Sinh học và Địa lý, đại diện toàn trường tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Năm lớp 11 em vinh dự được cử đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng với kết quả loại giỏi. Vào đại học liên tục đạt loại giỏi, Thu Vân đã vinh dự được nhận học bổng của Trường Đại học Đà Lạt, học bổng Posco của Hàn Quốc, học bổng của GS Odon Vallet dành cho học sinh - sinh viên giỏi. Khi là sinh viên năm thứ 2, Thu Vân đã được nhận Giải thưởng Sao Tháng Giêng của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam. Trong năm 2010, có đến ba niềm vinh dự khi em được chọn là Đại biểu sinh viên tham dự Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Lâm Đồng lần thứ IV (nhiệm kỳ 2009-2014), Đại biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Lâm Đồng lần thứ IV (2005-2010), là tấm gương nữ thanh niên trong thời kỳ mới được Hội Liên Hiệp Phụ nữ Lâm Đồng mời báo cáo điển hình tại Lễ kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/2010).

Bài phát biểu trong ngày Phụ nữ Việt Nam với câu chuyện của em làm nhiều người mẹ, người chị xúc động và thán phục ý chí vươn lên của cô gái trẻ. Em không ngần ngại kể về tuổi thơ vất vả của mình: “Em được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, tự do, được vui vẻ cùng bạn bè cắp sách đến trường. Nhưng em thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa là: Gia đình em rất khó khăn, cha mắc bệnh gan ngày càng giảm khả năng lao động. 6 người trong gia đình sống dựa vào mảnh vườn nhỏ và số tiền tằn tiện từ gánh hàng rong của mẹ. Từ nhỏ, em đã thấm thía nỗi nghèo khó của gia đình mình, hiểu được sự hy sinh và vất vả lo toan của mẹ. Hình ảnh người mẹ tần tảo sớm khuya, là trụ cột của gia đình đã giúp em có điểm tựa, niềm tin vượt qua khó khăn vươn lên trong học tập”.

Khi tôi hỏi em vượt khó thế nào, em cảm động rớm nước mắt gợi nhớ về ký ức tuổi thơ: Hàng ngày em trông 3 đứa em nhỏ, nuôi heo, phụ mẹ bán hàng rong. Trải nghiệm của em với gánh hàng rong là công việc cực khổ nhất, dãi dầu mưa nắng, có khi tối về mẹ và em cùng khóc vì hàng ế ẩm. Một ngày của mẹ bắt đầu 4 giờ sáng gánh rau, cá đi từ nhà ở ấp Phú Sơn bán rong qua 4 ấp của xã Hòa Hiệp - một xã vùng kinh tế mới thuộc huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đến tối mịt mới trở về nhà mà tiền lời khoảng 100.000 đồng. Biến cố lớn của gia đình khi ba em bị bệnh, em phải nghỉ học 1 tháng. Đó là thử thách lớn của tuổi thơ em khi ấy là một cô bé 9 tuổi học lớp 4. Ba em bị đau mắt đỏ, ông lấy chanh nhỏ vào làm hỏng mắt phải đưa lên Bệnh viện mắt Tp.HCM chữa trị, mẹ em lo nuôi ba, em phải nghỉ học ở nhà thay mẹ trông 3 đứa em (ở độ tuổi 1-3 - 7 tuổi) và làm việc nhà. Dù nhỏ tuổi, em đã luôn suy nghĩ về hoàn cảnh của ba. Ba em mồ côi cả cha lẫn mẹ từ lúc 2 tuổi, chịu nhiều thiệt thòi, tự lập sớm. Vì ba em thiếu hiểu biết nên làm hỏng một con mắt hoàn toàn. Em đã lờ mờ hiểu rằng chỉ việc học mới thoát ra hoàn cảnh, tự dặn mình không nản lòng, học không chỉ giúp mình mà cả ba mẹ nữa. Lúc ấy, em đã nghỉ học 1 tháng rồi, có nhiều bạn lười học trong ấp rủ em cùng bỏ học. Em tự viết một bức thư cho mình động viên tiếp tục học: “Mình biết Vân rất buồn… Hãy tin vào chính mình… Mình biết Vân có thể làm được rất nhiều điều mà người khác không thể làm được… Phải học…”. Đến giờ em vẫn giữ bức thư học trò và đọc mỗi khi cảm thấy buồn, thất vọng, nản chí. Em thường xuyên viết nhật ký tâm sự những mong ước, giãi bày tâm tư suy nghĩ nhiều thứ của một cô gái trẻ với tinh thần mạnh mẽ và tâm hồn nhạy cảm.

CHIA SẺ VỚI CỘNG ĐỒNG

“Em ghét nhất là sự thờ ơ, vô cảm” - Vân bày tỏ. Hai năm đầu của thời sinh viên, với Vân ngoài thành tích học tập đáng nể là những chuyến đi tình nguyện đáng nhớ tại các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng. Nếu như năm sinh viên thứ nhất, em có hai đợt tình nguyện về xã Đạ Long (huyện Đam Rông), mỗi đợt 3-4 ngày thì sang năm thứ hai đại học, em đã tham gia chiến dịch Mùa hè xanh ở lại Quốc Oai (Đạ Tẻh), Đồng Nai Thượng (Cát Tiên), mỗi nơi này kéo dài một tháng sống trong nhà dân, chia sẻ khó khăn, hòa đồng cùng bà con dân tộc thiểu số nơi đây.  Em cùng các bạn tình nguyện cấp phát quần áo gom góp được cho bà con, hướng dẫn bà con cách trồng rau, chiếu phim tư liệu về Bác Hồ, giao lưu bóng chuyền, văn nghệ với bà con, điều tra dân số, mở lớp cảm tình Đoàn… Vân chia sẻ: “Thời gian sinh viên tình nguyện, em học nhiều điều, thấy nhiều người còn khó khăn hơn mình rất nhiều. Các hoạt động vì cộng đồng giúp em nhận ra điều quan trọng nhất, ý nghĩa nhất của cuộc sống là sự đồng cảm, chia sẻ với mọi người, điều đó giúp mình trưởng thành”.

Chuyến tình nguyện của nhóm 17 sinh viên vào Đạ Long để lại cho em kỷ niệm khó quên. Đó là khi chuyến xe rời Đạ Long những em nhỏ da nâu tóc xoăn tít còn vương mùi nắng gió chạy theo xe vừa khóc vừa gọi tên Vân và các bạn. Đó là những ngày cùng các bạn lội bộ đến từng nóc nhà bà con để điều tra dân số do Huyện đội Đam Rông giao nhiệm vụ, em cùng các bạn hỏi bà con tất tần tật từ nhân khẩu, điều kiện sống, có đề xuất kiến nghị gì về chính sách Nhà nước… Em nhớ mãi lần vào nhà một đôi vợ chồng trẻ có 9 con lít nhít mà chỉ nhớ tên được 5 đứa, còn 4 đứa tên gì hai vợ chồng cố nhớ mà vẫn nghĩ không ra, trong bếp chỉ có nồi canh rau rừng… Cuộc sống ở đây còn khó khăn lắm! Chuyến đến Quốc Oai (Đạ Tẻh) có 10 sinh viên tình nguyện và Đồng Nai Thượng (Cát Tiên) chỉ có 7 bạn tình nguyện đã làm nhiều việc cùng với các bạn trẻ địa phương: Dạy học, làm cầu, sửa đường, sửa chữa nhà cửa, làm cỏ điều, giúp đỡ gia đình chính sách…

Vân vén ống quần cho tôi xem vết sẹo còn bên chân vì ngã xe máy ở Đồng Nai Thượng tưởng chừng đã gãy chân, nhưng còn may chỉ để lại dấu ấn khó phai! Đau chân không làm được việc nặng, Vân lấy thùng mì tôm làm bàn học dạy chữ cho các em trong buôn, rồi cắt tóc, tắm gội cho bọn trẻ. Bà con Đồng Nai Thượng rất quý nhóm sinh viên tình nguyện. Cảm động nhất là những ngày cuối cùng sắp chia tay, một chị trong buôn đã gọi Vân ra sau nhà rồi tháo chiếc nhẫn vàng 1 chỉ khăng khăng đeo vào tay em và bảo: “Chị không có gì nên tặng em chiếc nhẫn này làm kỷ niệm”. Vân từ chối và phải mất mấy đêm hôm sau để giải thích cho chị hiểu rằng không phải mình chê món quà của chị, em sẽ giữ mãi tình cảm yêu quý của chị. Còn ông nội của Điểu K’Phúc (một thanh niên trong xã) thì xin em chiếc mũ để hàng ngày ông đội đi chăn bò cho đỡ nhớ. Cụ vừa qua đời và Vân đã kịp cùng các bạn đến tận buôn ở Đồng Nai Thượng để tiễn đưa ông… Chuyến đi tình nguyện để lại nhiều ân tình và giúp em lớn hơn, càng yêu quý gia đình hơn.

Vừa học vừa làm, không bao giờ có được học thêm, không được học mẫu giáo, Vân đã bước vào đại học mang theo gánh hàng rong của mẹ. Ba năm đầu tiên của thời sinh viên trọ học, em làm thêm và dạy thêm để trang trải cuộc sống. Em bán đồ trang sức rong ngay Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, bên đường Bùi Thị Xuân từ 5h30 đến 7 giờ tối. Một chiếc bàn học nhỏ, trải các thứ đồ trang sức đáng giá 2 triệu đồng vốn do mẹ đầu tư, bán qua 6 tháng mới hết đợt hàng thu lời được hơn 800 ngàn đồng. Em thú thật: “Công việc cũng vui, nhưng mà sợ. Bán hàng rong run lắm, em đã 3 lần bị các chú Công an đuổi chạy rớt đồ trang sức đầy đường! Giờ học năm thứ 4 rồi, mẹ em không cho bán rong nữa vì sợ ảnh hưởng việc học”.

Vân phấn chấn hẳn lên khi khoe rằng nhà em đã thoát nghèo! Mẹ em không bán hàng rong nữa, mà đã chuyển sang thu mua nông sản cách đây ba năm nhờ sự cần cù, chịu thương, chịu khó của bà. Các em của Vân đều được học hành, Vân và em gái kề đang trọ học cùng Trường Đại học Đà Lạt (em gái Vân cũng là sinh viên năm thứ 2 Khoa Đông Phương học của Trường Đại học Đà Lạt). Còn một em gái nữa đang ở trọ cách nhà 27 cây số để học lớp 10, em trai út ở với ba mẹ đang học lớp 8. Vậy là bức thư của ngày thơ bé Vân không chỉ viết cho riêng mình mà còn viết để động viên các em nhỏ tiếp tục theo đuổi con đường đến trường. Dự định tương lai của Vân thật giản đơn: “Ra trường em sẽ về quê dạy học, em mong ước được làm việc gần nhà để chăm sóc ba mẹ!”. Tôi nghĩ có lẽ em không rời được mẹ, với gánh hàng rong trở thành ký ức tuổi thơ như con đò chở bao nhọc nhằn mưu sinh cùng năm tháng cho em vào đại học và em sẽ là người đưa đò chuyên chở cho các em thơ ở vùng quê nghèo cập đến bến bờ tri thức.

Ghi chép: DIỆU HIỀN