Hiện nay toàn tỉnh đã có 12 đội thông tin lưu động của 12 huyện thành, 1 đội thông tin lưu động của trung tâm văn hoá tỉnh, 1 Đoàn ca múa nhạc và 3 đội chiếu bóng dân tộc miền núi cùng có chung nhiệm vụ phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Theo thống kê của ngành văn hoá, hiện nay toàn tỉnh đã có 12 đội thông tin lưu động của 12 huyện thành, 1 đội thông tin lưu động của trung tâm văn hoá tỉnh, 1 Đoàn ca múa nhạc và 3 đội chiếu bóng dân tộc miền núi cùng có chung nhiệm vụ phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Người dân phố thị được hưởng thụ văn hóa tinh thần từ nhiều lễ hội lớn. |
Ngoài ra, 12 thư viện cấp huyện và 389 tủ sách nông thôn phục vụ văn hóa đọc, một hệ thống 75 nhà văn hóa xã, 710 nhà sinh hoạt cộng đồng phục vụ nhu cầu gặp gỡ, nhóm họp giao lưu văn hóa tinh thần. Hàng năm Đoàn ca múa nhạc dàn dựng khoảng 2 chương trình mới, gồm khoảng hơn 30 tiết mục biểu diễn 60 buổi phục vụ đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa; các đội thông tin lưu động của huyện, của tỉnh đẩy mạnh phong trào văn nghệ quần chúng phục vụ tuyên truyền các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại và đáp ứng với nhu cầu hưởng thụ văn hóa, giải trí của nhân dân; hoạt động chiếu bóng lưu động phục vụ vùng sâu vùng xa luôn được duy trì, với 450 buổi chiếu/năm. Thêm vào đó, gần 100% hộ đều có phương tiện nghe nhìn (tivi, radio)… Nhìn số liệu thống kê sẽ thấy, đời sống hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân ở nông thôn Lâm Đồng có thể nói đã được no đủ.
Có dịp theo Đoàn ca múa nhạc Lâm Đồng đi biểu diễn ở xã Lưu Hoàng - Cát Tiên mới thấy vùng sâu, vùng xa vẫn đang rất cần món ăn tinh thần. Khi chiếc xe chở đoàn đỗ ở bãi đất trống trước cửa UBND xã đã khuấy động một vùng nông thôn vốn yên tĩnh. Đoàn đã đem thứ ánh sáng văn hóa đến và thu hút mọi ánh mắt háo hức của người dân nơi đây. Từ chiều, rất nhiều trẻ em vây quanh quan sát từng động tác của những bác làm hậu đài. Trời chưa tối hẳn, trong khi đoàn đang nghỉ ngơi tại nhà một cán bộ xã thì khoảng đất trống đã có nhiều người già em nhỏ mang ghế đến “chiếm chỗ”, có nhiều người dân mang theo con từ các thôn cách xa trung tâm xã 3 - 5 cây số đến để đón xem đoàn biểu diễn. Niềm vui hiện lên trong từng ánh mắt hướng lên sân khấu chờ đợi tấm màn được mở ra. Những gương mặt chăm chú dõi theo từng điệu nhạc, từng lời hát… Cảnh đó cứ lặp đi lặp lại khi chúng tôi có những dịp xem các đội thông tin lưu động của tỉnh, của huyện, đội chiếu bóng dân tộc miền núi về phục vụ đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa Phước Lộc (Đạ Huoai), Mỹ Đức, Triệu Hải (Đạ Tẻh), Mỹ Lâm, Tư Nghĩa (Cát Tiên), Sơn Điền (Di Linh)… Nếu như văn nghệ quần chúng không được công chúng thành thị quan tâm đón nhận, thậm chí thờ ơ, thì đồng bào vùng sâu vùng xa lại mong đợi, đón chờ cổ vũ nồng nhiệt. Điều đó cho thấy khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn còn chênh lệch rất lớn. Có dịp chứng kiến nhiều hội diễn, liên hoan văn nghệ cấp tỉnh, các tiết mục được dàn dựng công phu, tốn nhiều tiền bạc, sân khấu hoành tráng, nhưng hội trường chỉ lèo tèo vài người đa số là diễn viên đợi đến lượt đơn vị mình để biểu diễn cho... ban giám khảo xem và chấm điểm. Nghĩ đến những ánh mắt háo hức chờ đợi của những đứa trẻ vùng sâu, vùng xa, chúng tôi lại ước gì những hội diễn này được luân phiên tổ chức ở cơ sở thì sẽ ý nghĩa biết bao.
Tăng mức hưởng thụ văn hoá ở nông thôn bằng việc phát triển phong trào cơ sở để phục vụ cơ sở là một cách làm cần được duy trì thường xuyên, rộng khắp. Nói đến vấn đề này, nhiều câu hỏi đặt ra: Cơ sở có gì mà nuôi được cơ sở trong khi cán bộ văn hóa cấp dưới thiếu, phụ cấp ít ỏi, năng lực hạn chế, cán bộ văn hóa cấp trên nhiều, ăn lương chuyên nghiệp để làm nhiệm vụ phục vụ cơ sở... Trả lời câu hỏi này, ông Ngọc Lý Hiển - một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian trẻ có nhiều năm gắn bó với di sản đã nói về một di sản văn hóa truyền thống mà cha ông truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác đang nằm trong nhân dân, biết khơi dậy nó để vừa bảo tồn gìn giữ, vừa mang lại giá trị tinh thần cũng là một việc cần làm. Anh Hiển kể về những lễ hội ăn trâu của người dân ở Bảo Thuận - Di Linh. Hàng năm, sau mỗi mùa thu hoạch cà phê, khi tết đến xuân về, từng dòng họ, từng xóm làng cùng làm lễ ăn trâu. Không khí lễ hội với cồng chiêng, lửa trại thật rộn ràng, đồng bào tự làm sống dậy một không gian văn hóa của cha ông truyền lại, mà cũng chính họ là người hưởng thụ. Hoặc ở Lạc Dương, 11 đội nhóm cồng chiêng thường xuyên luyện tập biểu diễn phục vụ khách du lịch. Không chỉ có doanh thu, mà đồng bào còn gìn giữ giá trị văn hoá, làm tăng hưởng thụ văn hoá, truyền cho thế hệ trẻ tiếng cồng chiêng của dân tộc mình. Có mặt trong Những ngày văn hoá Hà Nội tại Lâm Hà, chúng tôi thật sự bị cuốn hút bởi tiếng đàn, tiếng phách, tiếng hát, tiếng gõ nhịp réo rắt của CLB đàn hát dân ca Lâm Hà. Các nghệ sĩ không chuyên là những người nông dân, tập luyện tự nguyện, phục vụ bà con... Thế hệ trẻ sống trong không gian văn hóa đó có cơ hội để tiếp thu và hình thành nên thế hệ tiếp nối. Là một vùng đất đa dạng về văn hoá, vì người dân từ mọi miền về đây lập nghiệp, ngoài 607 đội văn nghệ quần chúng đã được xây dựng (chủ yếu để luyện tập đi thi hội diễn theo mùa vụ) , Lâm Đồng đã có rất nhiều CLB đàn hát dân ca, CLB chèo, CLB dân ca quan họ, CLB hát then. Để các CLB, các đội văn nghệ hoạt động thường xuyên rất cần sự hỗ trợ dẫn đắt, tiếp sức của cán bộ văn hoá cơ sở (có đủ năng lực làm phong trào quần chúng) sẽ làm ấm lên các nhà văn hóa xã đang trong tình trạng hoạt động kém như hiện nay; đồng thời phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa ở nông thôn hiện nay.
UBND tỉnh vừa có Đề án phát triển văn hoá nông thôn Lâm Đồng đến năm 2015 định hướng đến năm 2020 với 4 giải pháp: tăng cường lãnh đạo, tăng cường nguồn lực (nhân lực và vật lực), phát triển thiết chế văn hóa, tăng cường kiểm tra giám sát. Trong đó, đề án đã khẳng định: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, là cơ sở và lực lượng trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh - quốc phòng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái ở nông thôn. Xây dựng và phát triển văn hóa nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại trên cơ sở bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình thực hiện CNH-HĐH đất nước”.