Hưu nhưng chưa nghỉ

02:01, 27/01/2011

Tuy đã nghỉ hưu nhưng hơn 20 năm qua anh liên tục tham gia công tác địa phương, chưa một ngày ngơi nghỉ mặc dù môi trường công việc mới lạ; hoàn cảnh gia đình khó khăn; sức khỏe bản thân đau yếu do vết thương chiến tranh để lại.

Vâng, nếu chỉ như vậy thì chẳng có gì đáng nói. Điều đáng nói ở đây là, tuy đã nghỉ hưu nhưng hơn 20 năm qua anh liên tục tham gia công tác địa phương, chưa một ngày ngơi nghỉ mặc dù môi trường công việc mới lạ; hoàn cảnh gia đình khó khăn; sức khỏe bản thân đau yếu do vết thương chiến tranh để lại. Trong thời gian công tác địa phương anh đã bị hai lần "tai biến", có lần hôn mê cả tuần mới tỉnh. Đó là anh Lưu Đức Tuyển hiện đang là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) phường 1, thành phố Đà Lạt.

Anh sinh ra và lớn lên ở vùng quê Thái Bình - quê hương bài ca Năm tấn của thời đánh Mỹ. Năm 20 tuổi anh nhập ngũ. Khổ luyện ba tháng ở miền Bắc để rồi tháng 2 năm 1966 cùng đồng đội hành quân vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Đông Nam bộ. Mười năm công tác và chiến đấu, anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Nhà nước và quân đội tặng thưởng nhiều huân, huy chương, bằng khen, giấy khen và các danh hiệu dũng sĩ, chiến sĩ thi đua. Đặc biệt tổ chức đã kết nạp anh vào Đảng và cho đi học trường y - dược của "R" (Trung ương cục miền Nam). Tốt nghiệp bằng trung cấp dược, anh được chuyển sang công tác ngành y - dược từ đây.

Vì hoàn cảnh gia đình và sức khỏe suy giảm sau mười năm "Nếm mật nằm gai" ở chiến trường, anh Lưu Đức Tuyển được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng cho nghỉ hưu năm 1987. Về nhà, chưa lấy lại thăng bằng cuộc sống giữa quân ngũ và đời thường, còn chân ướt chân ráo anh được giao làm bí thư chi bộ khu phố, trong bối cảnh, địa bàn dân cư khi đó cực kỳ phức tạp. Có thể thấy, dân tứ xứ kéo đến để kiếm sống, có thời điểm dân tạm trú đông hơn dân thường trú, mà trong số những người đến tạm trú, không phải ai cũng đàng hoàng, lương thiện, trộn lẫn vào đó không ít thành phần bất hảo: Đâm thuê chém mướn, đĩ điếm, xì ke ma túy, trộm cắp móc túi... Với thực trạng nhức nhối đó anh băn khoăn trằn trọc, suy nghĩ rất nhiều: "Làm cách nào để xây dựng khu phố trong sạch, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cho bà con yên ổn làm ăn"? Sau những ngày thâm nhập tìm hiểu kỹ tình hình, anh đã tìm được phương án thích hợp trình bày trước chi bộ để xây dựng thành nghị quyết lãnh đạo. Khi các tổ dân phố họp dân quán triệt nghị quyết chi bộ, anh xuống tham dự, cùng bà con tìm cách tháo gỡ những khó khăn trở ngại. Tiếp đó, anh đến từng nhà, đặc biệt là các hộ chứa chấp số người không lành mạnh để vận động, thuyết phục. Sau những kế hoạch, biện pháp được anh đôn đốc, chỉ đạo có hiệu quả, khu phố dần dần bình ổn trở lại, trả lại bản sắc người Đà Lạt hiền hòa, thanh lịch từ bao đời của phố núi.

Từ người thật, việc thật rất tốt ấy, năm 1999 anh được điều lên phường công tác ở Ban Chấp hành Hội CCB. Hơn mười năm - từ Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội CCB, anh đã cùng Ban Chấp hành Hội xây dựng hội, từ ít đến nhiều hội viên, từ chất lượng chưa cao trở thành Hội CCB năm nào cũng đạt trong sạch, vững mạnh, là một trong các hội hàng đầu của Hội CCB thành phố Đà Lạt.

Cùng với thời gian công tác đoàn thể, anh còn phải trọng trách chủ gia đình với nhiều khó khăn ràng buộc: Vợ anh đau yếu phải nghỉ mất sức lao động, ba con nhỏ đang tuổi ăn học, lại phải nuôi thêm bốn cháu (con người anh trai ruột đã qua đời) bằng đồng lương hưu ít ỏi của anh. Song, với nỗ lực phi thường, anh đã tạo dựng được gia đình ấm no, hạnh phúc. Hiện nay các con anh đã thành đạt, bốn người cháu đều có gia đình riêng, có nhà ở và việc làm ổn định. Những năm hai ngàn, anh vay Nhà nước hơn tỷ đồng để xây khách sạn. Công việc kinh doanh tốt nên anh đã trả xong nợ ngân hàng. Kinh tế gia đình đang phát triển khá vững chắc.

Chiều nay tôi lại gặp anh ở câu lạc bộ bóng bàn. Nhìn mái tóc rễ tre của anh đã trắng thêm nhiều, với vóc dáng thấp đậm chắc khỏe khá nhanh nhẹn, anh ào vào phòng với những lời chào hỏi rổn rảng khiến không khí câu lạc bộ vui hẳn lên. Anh chơi cặp với tôi. Tuy tay vợt chưa được nhuyễn lắm, nhưng với những cú giật vòng cung rất xoáy của anh, bắt đối phương phải chống đỡ khá vất vả.

Có một chi tiết mà nếu tôi không nói đến thì bài viết có vẻ như còn khiếm khuyết. Đó là đội văn nghệ của hội do chính anh đứng ra thành lập. Các diễn viên của đội có độ tuổi từ năm mươi đến trên bảy mươi, đều là hội viên CCB. Khi anh trình bày ý tưởng với mọi người, có một số anh chị ngại ngùng, băn khoăn sợ rằng già cả rồi mà còn múa mang, hát hổng thì con cháu nó chê cười. Nhưng anh vẫn quyết tâm vận động thuyết phục mọi người bằng chính bản thân mình cũng vào đội, cùng anh em tập luyện rất chăm chỉ và nghiêm túc. "Đầu xuôi, đuôi lọt", từng bước, đội phát triển mạnh lên. Đến nay, chất lượng biểu diễn của đội rất tốt. Tính nghệ thuật có dáng dấp vượt trên tầm đội văn nghệ. Bây giờ, cứ mỗi lần phường tổ chức hội nghị, đội lại biểu diễn chào mừng. Nhìn các anh chị trên sân khấu, ánh mắt long lanh, tay trong tay xiết chặt đội ngũ, với quân phục xanh - màu của non sông đất nước, và lá quân kỳ tươi đỏ phấp phới tung bay, hòa nhịp với những bài ca cách mạng: Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân, Khúc quân hành, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng... vang vọng, trầm hùng, làm sống lại khí thế "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" của quân và dân ta thời đánh Mỹ, khiến người nghe rất xúc động và tán thưởng.

Đồng đội, bạn bè đã từng khuyên anh nghỉ việc đoàn thể để an nhàn những tháng năm tuổi già cùng gia đình, con cháu. Anh chỉ cười với nụ cười đuôi mắt, rồi nói: "Mình cũng muốn vậy, nhưng suy cho cùng thì tham gia công tác cũng là một nguồn vui, được tiếp xúc giao lưu với mọi người, học được điều hay lẽ phải cũng tốt. Với lại sức khỏe mình chưa đến nỗi nào, đồng đội còn tín nhiệm, tổ chức và nhân dân còn yêu cầu, mình không nỡ từ chối.

Với phẩm chất sĩ quan quân đội nhân dân và, với tính cách hiền hòa, vui vẻ, luôn gần gũi tin yêu mọi người, ở anh như có một sức hút kỳ lạ. Có những hội viên khi xuất ngũ về địa phương, hàng chục năm sau vẫn không vào hội, vì họ nghĩ "Ở trong quân đội còn chẳng ăn ai, đến khi về vườn lo làm ăn tối mặt để có tiền nuôi sống gia đình, còn thời gian đâu? Với lại, vào hội thì được gì, chỉ tổ mất công, mất việc". Nhưng sau vài lần anh đến gặp họ, nói những gì chẳng ai biết, chỉ thấy sau đó họ làm đơn tình nguyện vào hội, thế mới đáng nể. Hai mươi ba năm liên tục công tác địa phương, dù ở cương vị nào và làm công việc gì, anh được Đảng và nhân dân tin yêu, đồng đội nhiệt tình ủng hộ nên anh đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Vâng, anh Lưu Đức Tuyển - một cựu chiến binh già đáng kính: Đã hưu hai mươi ba năm mà chưa nghỉ là như thế.

Ghi chép: ĐINH MINH ĐẢNG