Huyền thoại từ ngôi nhà sàn

03:01, 02/01/2011

Một gia đình dân tộc Kơ Ho có 10 người là cử nhân, thạc sĩ; họ là những giáo viên, bác sĩ, kỹ sư, luật sư, chuyên viên kinh tế… và có cả hoa hậu. Họ đều được sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà sàn huyền thoại.

Ảnh minh họa.
Vợ chồng ông bà K' Brèo.
Một gia đình dân tộc Kơ Ho có 10 người là cử nhân, thạc sĩ; họ là những giáo viên, bác sĩ, kỹ sư, luật sư, chuyên viên kinh tế… và có cả hoa hậu nữa. Họ đều được sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà sàn huyền thoại ở làng K’ Ming, thuộc xã Gung Ré, huyện Di Linh.

Hành trình gieo mầm tri thức

Bên ánh lửa bập bùng trong ngôi nhà sàn được dựng cách đây ngót 50 năm, ông K’ Brèo vui mừng thổ lộ “Con gái út Ka Hor của già vừa đi TPHCM nhận bằng thạc sĩ về, nó là bác sĩ ở Trung tâm Y tế huyện Di Linh đấy!”. Ông K’ Brèo kể cho chúng tôi hành trình gieo cái chữ cho con cái: Trước ông là y tá, còn vợ ông, bà Ka Đuôi dạy học ở trường làng. Đôi vợ chồng không có ruộng vườn, cuộc sống thiếu thốn vật chất nhưng sống thanh cao và quí cái chữ nên quyết tâm cho con học hành. Để lo cho 7 người con lần lượt theo học Đại học, Cao Đẳng, bà Ka Đuôi (nay 69 tuổi) sau 16 năm dạy học quyết định nghỉ dạy để…đi buôn kiếm tiền chu cấp cho con ăn học. Cô Thạc sĩ Ka Hor nhìn người mẹ già, xúc động tâm sự: “Từ khi tôi học lớp 6 cho đến những năm học Đại học, ngày ngày mẹ thức dậy từ 2 giờ sáng để mang hàng thổ cẩm, gạo thóc, gà heo…lặn lội từ buôn làng này sang buôn làng để kịp bán phiên chợ sớm, lo cho chị em chúng tôi ăn học, hình ảnh ấy đến nay vẫn in sâu trong tim óc tôi… ”.

Dù tuổi cao sức yếu nhưng hơn 2 năm qua khi Ka Hor về TP HCM học thạc sĩ (Bác sĩ nhi chuyên khoa I), bà Ka Đuôi lại nhận nuôi giúp đứa cháu lên 5 để mẹ nó yên tâm học hành.  Chút ít vốn liếng góp được bà đưa cho con gái đi học thạc sĩ. Còn ông K’ Brèo, nay đã sấp sỉ 80 tuổi nhưng mỗi sớm vẫn vác cuốc ra ruộng hoặc đạp xe lên rẫy cà phê cách nhà hơn 7km. Những ngày mưa không ra đồng được ông ngồi trong nhà sàn cặm cụi đan những chiếc gui xinh xắn để tặng con, tặng cháu khi chúng lập gia đình, những chiếc gui lớn hơn dùng để gui bắp, lúa và cà phê. “Lao động cho khỏe, vừa có lúa ăn, lại có tiền giúp con cái”- ông K’ Bréo cười vang và lý giải cho cái sự chăm chỉ của mình như thế. Sự lao động chăm chỉ của đôi vợ chồng già đã làm nên huyền thoại, khơi dậy tinh thần ham học hỏi của cả thôn K’ Ming. Không tự hào sao được, gia đình ông bà có hơn 10 người gồm con, dâu, rể, cháu đều là cử nhân. Con gái đầu của ông bà là Ka Đốp hiện là giáo viên. Con gái thứ Ka Đổi là một y sĩ, chồng của cô là Molom Bôsm- Trưởng trạm y tế xã Gung Ré; Mi La, con gái đầu của Ka Đổi vừa lấy bằng cử nhân Luật. Cậu con trai thứ ba là K’ Tìm, cử nhân Luật, nhiều năm công tác tại Tòa án huyện Di Linh. K’ Hor vừa lấy bằng thạc sĩ, là đại biểu HĐND huyện Di Linh; chồng cô là K’ Brìm, cử nhân Kinh tế đang công tác ở Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Lâm Đồng. Hai cậu song sinh K’ Tịp cử nhân Đại học Ngân Hàng nay làm ở Ban Dân tộc của tỉnh, còn K’ Tài cử nhân Lâm nghiệp, hiện làm trong ngành kiểm lâm.

Một điều khá bất ngờ và thú vị khi bà Ka Đuôi hỏi tôi: “Cháu ngoại tôi có đứa từng là hoa hậu đó, nhà báo biết không?”. Tôi thực sự lúng túng, tưởng cụ bà khen cháu bà xinh đẹp thôi, nhưng sau mới vỡ lẽ Ka The (con chị Ka Đốp)- đoạt giải Hoa hậu thân thiện Báo Tiền Phong năm 2006 là cháu ngoại của hai ông bà; trước đó Ka The là Á khôi 1 cuộc thi Người đẹp Tây Nguyên. Được biết, sau khi thành Hoa hậu thân thiện, Ka The rời giảng đường Đại học để lấy chồng. Năm 2009 Ka The lại lọt vào top 6 cuộc thi Hoa hậu quí bà ở Vũng Tàu.  Dù được con cái xây tặng ngôi nhà cấp 4 cách đây vài năm, nhưng ông K’ Brèo và Ka Đuôi vẫn sinh hoạt chính trong ngôi nhà sàn đơn sơ. “Con cái tôi được sinh ra, kiếm được cái chữ cũng từ ngôi nhà sàn này. Tôi không bỏ nó được”- ông K’ Brèo thổ lộ. Chính những chiếc nong, rọ, rỗ nhiều kích cỡ bóng loáng màu nâu sẫm (nhờ hun khói bếp) đã  theo chân Ka Đổi, Ka Hor đi dọc sông suối bắt cá cùng mẹ; những chiếc Gui, chiếc xa-gạc cũ kỹ từng làm chai mòn đôi vai của K’ Tìm, K’ Tịp, K’ Tài mỗi khi theo cha lên rừng lên rẫy. Vâng, ngôi nhà sàn tuy liêu siêu lụp xụp nhưng là nơi chất chứa biết bao kỷ niệm thời thơ ấu của lũ trẻ ngày nào. Bây giờ cho dù chúng là những kỹ sư, luật sư, bác sĩ, cô giáo… thì đây là những kỷ vật chúng không thể nào quên. 

Đến thôn “cử nhân” K’Ming

Thôn K’ Ming có đến 99% là đồng bào dân tộc Kơ Ho, chỉ với 370 hộ, gần 2.000 nhân khẩu nhưng đã có gần 60 cử nhân và  2 thạc sĩ. “Từ tấm gương hiếu học của gia đình bà Ka Đuôi, nhờ có cái chữ giúp con cái đổi đời mà nay người dân thôn K’ Ming rất chú tâm lo cho con cái ăn học” Trưởng thôn K’Ming, ông K’ Sôm khẳng định. Tựa như bao buôn làng khác ở Tây Nguyên, đồng bào dân tộc Cơ-ho thôn K’Ming ngày ngày vẫn lên rẫy chăm sóc cà phê, ra ruộng để cày cấy gieo hạt lúa, nhưng họ rất quan tâm việc học hành của con cái. Thật cảm động khi thấy những người cha, người mẹ gùi thóc, cà phê nặng trĩu  trên vai nhưng vẫn chờ đón con ở cổng trường. Ông K’ Sôm tự hào: thôn K’ Ming có nhiều người giáo viên, nhà báo, luật sư, bác sĩ, y sĩ, kỹ sư nông lâm nghiệp thành đạt. K’ Sôm tiết lộ kỳ tuyển sinh Đại học- Cao đẳng (ĐH-CĐ) năm 2010 cả thôn có 35 thí sinh, kết quả có 20 em đậu vào ĐH- CĐ, tính ra K’Ming hiện có khoảng 60 người đang theo học bậc ĐH-CĐ tại nhiều trường trên toàn quốc.  Bí quyết nào để con em thôn K’Ming say mê học tập? Trưởng thôn K’Sôm nêu bí quyết “Hằng năm dịp tết đến xuân về thôn K’ Ming đều tổ chức gặp mặt các sinh viên để các già làng, lãnh đạo thôn và lớp đàn anh đàn chị đi trước trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về học tập và cuộc sống, động viên con em học tập tốt” .

Già làng K’Set Tambou rất tự hào về những người con của K’Ming, ông nhớ rõ những gương mặt cử nhân: Thằng K’Broi, Phó chánh văn phòng HĐND- UBND huyện Di Linh là con dân thôn K’Ming đấy, nó kêu bà Ka Đuôi bằng dì ruột. Nhà K’Broi có con Ka Hương đang học Đại học Nông Lâm (năm 4), có thằng K’ Vinh mới đậu vào Đại học quân sự.  Còn gia đình ông K’Broh có 2 cử nhân, thằng lớn là K’Rừm, cử nhân Báo chí, làm phóng viên Đài truyền hình tỉnh; thằng em K’ Việt là bác sĩ đang công tác ở tỉnh Đắk Nông. Thôn còn có một phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam là thằng K’ Bral con của K’ Brel… già làng K’Sen cũng nêu gương cho buôn làng khi có 2 cậu con trai thành tài là K’ Sung (bác sĩ), hiện công tác ở huyện Đa Tẻh (Lâm Đồng), và K’ Son (kỹ sư nông nghiệp), công tác tại Hội Nông dân tỉnh. Ngoài thác sĩ K’Hor, thôn K’Ming còn có K’ Brơh là thạc sĩ Xã hội học đầu tiên của thôn, hiện anh đang làm việc ở TPHCM, gia đình cho biết K’Brơh đang có ý định học tiếp để lấy bằng Tiến sĩ.

Già làng K’Set Tambou bộc bạch và tin tưởng: “Bà con buôn làng hiểu được chỉ có cái chữ và tri thức khoa học mới giúp họ vượt qua đói nghèo lạc hậu và làm giàu bằng nhiều ngành nghề khác. Trong thôn có nhiều người thành đạt rồi, sắp tới sẽ có thêm nhiều con em khác lấy bằng cử nhân trở về giúp buôn làng phát triển”.
 
Lâm Viên