Lâm Đồng có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh

03:01, 13/01/2011

Trưởng Đoàn khảo sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ tại Lâm Đồng đã nhận xét  “Tỷ lệ hộ nghèo giảm theo bình quân chung của cả nước chỉ có 2%, một số tỉnh ở phía Bắc cũng mới chỉ đạt từ 4-5%, trong khi Lâm Đồng đạt từ 5-7% là rất cao”.

Ông Mã Điền Cư, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc - Quốc hội khóa XII, trưởng Đoàn khảo sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ tại Lâm Đồng đã nhận xét như vậy tại buổi làm việc với UBND tỉnh vào chiều 11/1. Ông nói: “Tỷ lệ hộ nghèo giảm theo bình quân chung của cả nước chỉ có 2%, một số tỉnh ở phía Bắc cũng mới chỉ đạt từ 4-5%, trong khi Lâm Đồng đạt từ 5-7% là rất cao”.

Để có được kết quả này, ông Trương Văn Thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP tỉnh, cho biết: Sau hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 30a, ngoài huyện Đam Rông - một trong 62 huyện nghèo trong cả nước được đầu tư hơn 66 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương, tỉnh còn chọn và trích 116 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để đầu tư cho 16 xã và 94 thôn nghèo khác trên địa bàn (theo Nghị quyết 30a của Chính phủ). Như vậy, tổng nguồn vốn đã thực hiện đầu tư theo Nghị quyết 30a trong toàn tỉnh đã đạt con số trên 180 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là đầu tư hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giao khoán quản lý bảo vệ rừng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xây dựng hạ tầng cơ sở.

Đoàn khảo sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ làm việc với đại diện lãnh đạo UBND tỉnh
Đoàn khảo sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ làm việc với đại diện lãnh đạo UBND tỉnh
Cũng theo ông Trương Văn Thu, đối với 16 xã nghèo do tỉnh đầu tư, địa phương đã dành toàn bộ nguồn vốn đầu tư để giao khoán chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng; hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, dạy nghề. Cụ thể, năm 2009, tỉnh đã hỗ trợ cho mỗi xã nghèo là 3 tỷ đồng, số thôn nghèo do tỉnh chọn (gồm 72 thôn) là 200 - 300 triệu đồng/thôn; năm 2010, mức hỗ trợ của tỉnh cho mỗi xã nghèo là 1 tỷ đồng, còn lại cấp huyện tự cân đối ngân sách địa phương để hỗ trợ cho các thôn nghèo. Ngoài nguồn kinh phí này, mỗi xã còn được đầu tư 1.356 triệu đồng (trong đó xây dựng cơ bản 1 tỷ đồng), và mỗi thôn nghèo 266 triệu đồng (trong đó xây dựng cơ bản là 200 triệu đồng) từ nguồn vốn chương trình 135 giai đoạn II. Bên cạnh đó, các xã và thôn nghèo còn được ưu tiên đầu tư từ nhiều chương trình khác như kiên cố hóa trường học, giao thông, thủy lợi, dạy nghề… Không chỉ vậy, hàng năm Sở LĐ-TB&XH còn tổ chức nhiều lớp tập huấn cho lãnh đạo xã, trưởng thôn của huyện Đam Rông, 16 xã nghèo trong tỉnh và Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố về nội dung đầu tư, biện pháp triển khai thực hiện hỗ trợ. Nhìn chung, việc đầu tư hỗ trợ trên đã đưa mức thu nhập của phần lớn hộ nghèo tại các thôn xã nghèo tăng lên rõ rệt. Ước tính cả tỉnh, mỗi năm có khoảng 12.000 lượt hộ đã được thụ hưởng các nội dung đầu tư theo chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết 30a, trong đó có 8.000 hộ nghèo, chiếm 36% số hộ nghèo của cả tỉnh vào cuối năm 2009.

Cùng với các chính sách đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc và chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn; các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo theo chủ trương giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh đã góp phần giảm nhanh hộ nghèo trên địa bàn, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, tính đến cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn 4,97% (tính theo chuẩn nghèo giai đoạn 2006 - 2010), riêng đồng bào dân tộc thiểu số còn 14,81%, và huyện nghèo Đam Rông còn 26%.

Nhận xét về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ tại Lâm Đồng, sau khi đã kiểm tra thực tế kết quả việc triển khai chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững (theo Nghị quyết 30a của Chính phủ) tại huyện Đam Rông, ông Mã Điền Cư nhận định: “Hầu hết các chương trình đầu tư theo Nghị quyết 30a của Chính phủ tại Lâm Đồng đều thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng và đã đạt được hiệu quả cao nhất”. Cụ thể, công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật canh tác trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được tăng cường, việc đào tạo nghề, xuất khẩu lao động cũng đã được quan tâm và đã hoàn thành chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng được thụ hưởng đã giảm nhanh từ 5-7%/năm - giảm cao hơn gấp 3 lần so với mức bình chung của cả nước, kết quả này đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo ở Lâm Đồng giảm từ 12% xuống còn dưới 5%, riêng hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn dưới 15%.

Tuy nhiên, cũng tại buổi làm việc với UBND tỉnh, ông Mã Điền Cư đã lưu ý địa phương: “Để chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả ở Lâm Đồng, tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ đảng viên để triển khai thực hiện, đặc biệt là nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số phải làm thường xuyên. Đồng thời, cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện những thiếu sót trong quản lý điều hành để khắc phục, chống thất thoát, chống lãng phí; và quản lý nguồn vốn một cách có hiệu quả để nâng cao trình độ sản xuất, tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân”.

Thụy Trang