Lên vùng cao “trao con chữ’

02:01, 23/01/2011

Đó là cô giáo Cao Thị Giao – Hiệu phó Trường Tiểu học Phi Liêng (Đam Rông). Ít ai biết rằng, đằng sau dáng vẻ nhỏ bé của cô là cả một nghị lực để được đứng trên bục giảng, trao từng con chữ cho không biết bao nhiêu thế hệ học sinh.

Cô giáo ấy có dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, giọng nói ấm áp với nụ cười luôn hiện hữu trên khuôn mặt phúc hậu. Đó là cô giáo Cao Thị Giao – Hiệu phó Trường Tiểu học Phi Liêng (Đam Rông). Ít ai biết rằng, đằng sau dáng vẻ nhỏ bé ấy là cả một nghị lực để được đứng trên bục giảng, trao từng con chữ cho không biết bao nhiêu thế hệ học sinh của một ngôi trường vùng sâu còn nhiều khó khăn.

Cô giáo Cao Thị Giao.
Cô giáo Cao Thị Giao.
Gặp cô Giao trong những ngày đầu xuân vẫn thấy cô tất bật với việc trường, việc lớp. Miệng nói, tay làm và đôi chân không biết mỏi khi suốt ngày đi từ trường chính đến hai điểm trường cách nhau hơn 15 cây số. Cô đi để nhắc nhở học sinh đến lớp cho đều, một việc không dễ đối với những điểm trường vùng sâu, nơi học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm đa số. Cô đi để động viên những giáo viên trẻ mới vào nghề quên đi nỗi nhớ gia đình, nhớ quê trong những ngày xuân về tết đến, giống như cô cách đây mười mấy năm trước.

Sinh ra ở miền quê Diễn Châu (Nghệ An) quanh năm vất vả lấm lem bùn ruộng mà vẫn đói nghèo. Mong muốn sau này được trở thành giáo viên luôn thôi thúc cô cố gắng học thật giỏi, nhưng điều kiện khó khăn, nên học hết phổ thông, cô không được đi học tiếp, mà phải ở nhà để phụ giúp gia đình.

Giống như bao cô gái trong làng, cô bước chân theo chồng mà lòng vẫn còn ấp ủ ước mơ từ hồi đi học. Hai đứa con lần lượt ra đời, bao lo toan bộn bề để vun vén cuộc sống gia đình vẫn không làm cô từ bỏ giấc mơ được làm cô giáo. Suy nghĩ, đắn đo với niềm thôi thúc trong lòng, khi đứa con trai lên hai, cô để hai con nhỏ cho chồng chăm sóc để bước tiếp con đường bấy lâu nay chờ đợi. Vậy là cô trở thành sinh viên Trường Cao đẳng Đà Lạt hệ trung cấp sư phạm khi tuổi đã ba mươi. Niềm vui khi gần đạt được ước mơ khiến cô chăm chỉ học hành, và luôn là sinh viên đứng đầu lớp.

Cuộc sống càng khó khăn hơn khi cô đi học, được một học kỳ, chồng cô phải gửi lại con cho ông bà nội để vào làm thuê kiếm tiền cho vợ tiếp tục được học. Không phụ lòng những người thân yêu đã tiếp sức cho mình, cô Giao tốt nghiệp với kết quả xuất sắc và được điều về dạy tại Trường Tiểu học Phi Liêng. Thế là cô quyết định gắn bó với vùng đất mới này, vậy mà cũng đã hơn 10 năm.

Những giờ đứng trên bục giảng, cô say sưa đem những con chữ đầu tiên đến với các em học sinh DTTS còn bỡ ngỡ trong những ngày đầu đến trường. Không biết vì cô hiền hay nhiệt tình dạy dỗ mà học sinh lớp một của cô chỉ sau vài tuần là biết đọc, biết viết và biết yêu con chữ, điều rất khó đối với việc dạy tiếng việt cho học sinh DTTS mới vào lớp một của trường trước đây.

Tuy mới ra trường, nhưng cô Giao lại liên tục làm giáo viên chủ nhiệm lớp một và lớp năm, hai khối lớp quan trọng nhất ở bậc tiểu học. Năm học nào, lớp của cô Giao chủ nhiệm cũng là lớp chuẩn của trường. Cô còn bồi dưỡng rất nhiều học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện, đặc biệt là một số học sinh người Mông đạt giải vở sạch chữ đẹp như Lù Thị Pê, Giàng Thị Tấu... Bản thân cô nhiều năm liền là giáo viên giỏi.

Sau 9 năm đứng trên bục giảng, thỏa niềm khát khao “trao con chữ”, trao kiến thức cho học sinh vùng sâu, cô Giao được đề bạt làm hiệu phó Trường Tiểu học Phi Liêng. Nhận trọng trách mới, cô Giao càng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ hơn. Cô liên tục là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được bầu chọn là gương điển hình trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của trường.

Tuy đã là cán bộ quản lý, nhưng cô hiệu phó Cao Thị Giao vẫn thường xuyên đứng trên bục giảng, vẫn tiếp tục mang từng “con chữ” đến cho các em nhỏ vùng cao. “Cô Giao là một giáo viên rất nhiệt huyết với nghề, có nhiều phương pháp giảng dạy giúp học sinh, đặc biệt là học sinh DTTS dễ tiếp thu. Cô luôn quan tâm đến từng học sinh nên lớp cô rất ít khi có học sinh bỏ học và lớp cô Giao chủ nhiệm thường có nhiều học sinh đạt thành tích cao trong học tập”, cô giáo Nguyễn Thị Thủy – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phi Liêng cho biết.

Tuấn Hương