“Phong trào thi đua “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” như một luồng sinh khí mới thổi vào làm chuyển biến đến mọi mặt của đời sống xã hội trong toàn xã.
Ban Chấp hành Ddangr bộ xã Phi Liêng nhiệm kỳ 2010 – 2015. |
Để thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ngay từ những ngày đầu phát động, Đảng ủy xã Phi Liêng đã nhanh chóng thành lập ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch về tổ chức học tập các chuyên đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người. Qua 4 năm thực hiện Cuộc vận động, ban chỉ đạo xã Phi Liêng đã tổ chức học tập 7 chuyên đề và 5 hội nghị cho trên 2.500 lượt cán bộ, đoàn thể, ban thôn tham gia. Ngoài ra, tổ chức được 60 hội nghị ở cơ sở với trên 5.000 lượt đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân tham gia học tập. Bên cạnh đó, ban chỉ đạo xã cũng triển khai xây dựng chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên và triển khai đăng ký chuẩn mực ở các thôn. Sau 4 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động, kinh tế - xã hội của Phi Liêng đã từng bước phát triển. Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm đạt 13,5 %; thu nhập bình quân đầu người năm 2007 đạt 5,7 triệu đồng thì đến năm 2010 ước đạt 11 triệu đồng, tăng 9%; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2006 là 44,37% thì đến cuối năm 2010 giảm xuống còn 26%. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư có nhiều khởi sắc, toàn xã có 7/7 thôn đạt thôn văn hóa. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững.
Cuộc vận động đã làm xuất hiện nhiều mô hình, tập thể, cá nhân tiêu biểu “làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trong phong trào giúp nhau làm ăn, xóa đói giảm nghèo, vượt khó vươn lên trong cuộc sống, biết ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào điều kiện khí hậu, đất đai, tận dụng tốt các nguồn vốn thúc đẩy phát triển sản xuất. Từ phong trào đã có 20 mô hình ở quy mô lớn và 50 mô hình kinh tế gia đình làm ăn giỏi kết hợp giữa vườn – ao – chuồng như trồng chanh dây, nuôi heo nái, nuôi gà thả vườn… cho thu nhập bình quân từ 150 – 250 triệu đồng/năm. Ngoài ra, một số mô hình giúp nhau xóa đói giảm nghèo, tạo thêm công ăn việc làm để tăng thu nhập cho gia đình như: thành lập hội làm vườn với 9 thành viên tham gia, hội trồng rừng với 45 thành viên/90 ha rừng, tổ làm chổi đót với 12 thành viên… Hội phụ nữ đã thành lập câu lạc bộ gia đình “5 không, 3 sạch” với 40 hội viên, mô hình tổ phụ nữ không sinh con thứ ba trở lên với 65 hội viên, phong trào nuôi heo đất ở các chi hội phụ nữ thôn hoạt động có hiệu quả, giúp được nhiều hội viên khó khăn phát triển kinh tế. Khối giáo dục thực hiện tốt phong trào “Dạy tốt, học tốt”, thực hiện cuộc vận động hai không trong ngành giáo dục và xây dựng mô hình “trường học thân thiện - học sinh tích cực”. Qua 4 năm triển khai, chất lượng dạy và học tại địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh lên lớp hàng năm đạt từ 98% trở lên, nhiều thầy cô đạt cá nhân tiên tiến, giáo viên giỏi cấp trường và cấp huyện như thầy Phan Đình Hưng – Hiệu trưởng trường Tiểu học Chu Văn An, cô Nguyễn Thị Thủy – Hiệu trưởng trường Tiểu học Phi Liêng. Đặc biệt, những năm gần đây, xã Phi Liêng đều có giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh như cô Vũ Thị Nguyên – giáo viên trường Tiểu học Chu Văn An… Đối với công tác y tế, xã Phi Liêng đã có phòng khám quân dân y kết hợp. Hưởng ứng Cuộc vận động, trạm y tế xã xây dựng mô hình “lương tâm và trách nhiệm” đã tác động lớn đến đội ngũ cán bộ, công nhân viên y tế. Nhiều năm liền, trạm y tế xã Phi Liêng đã giữ vững trạm chuẩn quốc gia. Đối với khối cơ quan, UBND xã đã xây dựng mô hình “Sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật, chấp hành kỷ cương, kỷ luật quy chế cơ quan và xây dựng phong trào nếp sống văn minh nơi công sở”, xây dựng cơ quan văn hóa, cải cách hành chính, tư pháp…
Từ những kết quả trên cho thấy, Cuộc vận động đã có tác động tích cực trong toàn xã, được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình hưởng ứng, thật sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, làm chuyển biến đến mọi mặt của đời sống xã hội, cải thiện đời sống nhân dân và làm thay đổi bộ mặt xã nghèo Phi Liêng.