Người tiếp “lửa” cho hồn trà B’Lao

03:01, 02/01/2011

Trong buổi vinh danh những người làm trà Lâm Đồng nhân dịp Lễ hội văn hóa Trà Lâm Đồng lần thứ 3 tại thành phố Bảo Lộc, tôi được gặp bà lão 85 tuổi: Đỗ Thị Ngọc Sâm (chủ danh trà Đỗ Hữu), Ông Lê Hùng Anh (chủ danh trà Trâm Anh), ông Phạm Đức Nguyên (chủ danh trà Phương Nam)…và rất nhiều người khác nữa.

Thanh Thảo. Ảnh: Bùi Trưởng.
Thanh Thảo. Ảnh: Bùi Trưởng.
Trong buổi vinh danh những người làm trà Lâm Đồng nhân dịp Lễ hội văn hóa Trà Lâm Đồng lần thứ 3 tại thành phố Bảo Lộc, tôi được gặp bà lão 85 tuổi: Đỗ Thị Ngọc Sâm (chủ danh trà Đỗ Hữu), Ông Lê Hùng Anh (chủ danh trà Trâm Anh), ông Phạm Đức Nguyên (chủ danh trà Phương Nam)…và rất nhiều người khác nữa. Họ là những người tiếp nối truyền thống cha ông làm rạng danh xứ trà B’Lao. Nhìn khuôn mặt họ, ai cũng rạng ngời khi được tôn vinh và đón nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp ngành trà Việt Nam”. Và tôi biết đằng sau những bằng khen ấy, có sự đóng góp không biết mệt mỏi của rất nhiều con người, họ đã tiếp lửa cho hồn trà Blao.

Nhân một chuyến tham quan, Ban tổ chức Lễ hội đã đưa chúng tôi đi thăm vùng nguyên liệu trà tại Doanh nghiệp tư nhân trà Phương Nam (phường Lộc Phát - thành phố Bảo Lộc). Thật may mắn, tôi được gặp những con người ấy.

Biết được ý định của tôi, ông Phạm Đức Nguyên - Giám đốc công ty, đã chỉ tôi xuống nhà máy sản xuất gặp em - Đó là Đặng Thị Thanh Thảo. Khi tôi đến, em đang tất bật với việc kiểm tra, giám sát và hướng dẫn kỹ thuật cho các công nhân. Nhìn dáng người em nhỏ nhắn nhưng rất nhanh nhẹn, tháo vát. Khi biết tôi muốn hỏi chuyện về công việc và cuộc sống của mình, em vui vẻ trả lời: “Em năm nay 24 tuổi. Sau khi tốt nghiệp Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, em xin làm tại Công ty này. Lúc đầu, em chưa an tâm vì chè búp tươi nhiều nên cần phải làm đêm và công việc đòi hỏi sự nghiêm ngặt, chặt chẽ trong các khâu giám sát. Nếu không, hàng xuất đi sẽ bị đối tác trả về thì mình chịu trách nhiệm cao nhất. Vì thế em rất sợ!”. Sau lời nói ấy, em đưa mắt nhìn một lượt, nơi công nhân đang làm, rồi quay lại và nở một nụ cười: “Em làm được mấy tuần, thấy công việc ở đây phù hợp với bản thân mình. Vả lại, em thấy có người gắn bó với công việc ở đây đã lâu mà họ vẫn vui vẻ, thích thú với công việc này. Cộng với đó là sự động viên của gia đình, ban Giám đốc và các anh chị công nhân, nên giờ đây em đã yên tâm công việc và yêu mến nơi này!”.

“Mặc dù nhỏ tuổi nhất ở đây, Thảo là một người rất nghiêm khắc trong công việc và rất vui vẻ, nhã nhặn với mọi người, nên ai cũng quý mến!” - Anh Nguyên Văn Sinh - 46 tuổi, công nhân hơn 10 năm ở đây đã có lời nhận xét về Thảo. Và khi trao đổi với tôi về cô nhân viên tre ûcủa mình, ông Phạm Đức Nguyên nói: “Thảo là người biết vượt qua áp lực công việc. Trong công tác em luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và có những sáng kiến hay. Em còn là người luôn tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội mà Công ty tổ chức. Trong cuộc sống, em luôn cư xử đúng mực với mọi người,nên ai cũng mến!”.

Vừa gặp em đang tất bật ở nhà máy, bỗng tôi không tin vào mắt mình nữa khi thấy em thướt tha xuất hiện trong tà áo dài lên pha trà mời khách. Và, càng thú vị hơn khi nhìn em pha trà như một “trà nô” chuyên nghiệp. Khi được hỏi về mơ ước công việc và cuộc sống, em nói: “Công việc và cuộc sống từ khi ra trường đến giờ vậy là tốt rồi anh ạ. Em sẽ luôn đứng vững và đi lên để không phụ lòng mọi người. Em chỉ mong muốn Phòng Nông nghiệp thành phố mở các lớp bồi dưỡng kiến thức trồng và chăm sóc trà để người dân nơi đây biết làm ra những búp trà ngon, chất lượng tốt nhất!”. Nói xong, Thảo rót nước mời tôi. Một ly trà ngon lại thêm người pha trà khéo léo, ngụm nước trà thật ngọt ngào của hương đất B’Lao và tấm lòng hiếu khách.

Một mùa xuân nữa lại về trên quê hương. Tôi tạm biệt em, tạm biệt mọi người để tiếp tục cuộc hành trình của mình. Tôi đi về trong nắng và gió xuân. Trước mắt tôi là những đồi trà xanh mướt, non tươi. Và từ những búp trà mơn mởn kia sẽ qua bàn tay em để đến với bạn bè trên khắp mọi miền đất nước và trên thế giới nữa.

Ngọc Anh