Hơn 13 năm ngồi xe lăn, anh Thu (5D Hoàng Hoa Thám) bảo, cuộc sống trên chiếc xe lăn tưởng là bất hạnh nhưng giờ lại trở nên đầy cảm xúc.
Sải đôi tay khoẻ mạnh trên vô lăng của chiếc xe lăn, anh Thu lắc chiếc xe thẳng ra cổng. Sương vẫn phủ trên những đoá dã quỳ vàng ven đường. Dừng lại, hít lấy cái không khí trong lành của buổi sớm mai nơi con hẻm nhỏ, những tia nắng đầu tiên bắt đầu xuyên qua ngọn thông đầu ngõ, nhanh tay hơn, anh lắc mạnh cho chiếc xe lăn thẳng ra đường, bắt đầu một ngày mới với công việc thường nhật: Bán vé số!
Anh Nguyễn Văn Thu, 50 tuổi, thường trú 5D Hoàng Hoa Thám (Đà Lạt) bắt đầu sống cuộc sống của một người bị khuyết tật vào năm 1997. Hơn 13 năm ngồi xe lăn, anh bảo, cuộc sống trên chiếc xe lăn tưởng là bất hạnh nhưng giờ lại trở nên đầy cảm xúc.
Mỗi ngày, anh thức dậy vào lúc 5 giờ 30 sáng, tập thể dục tại giường bằng cách vươn vai, xoa bóp đôi chân đã hoàn toàn mất cảm giác trong một vụ tai nạn cách nay hơn 13 năm để chống lở loét, ăn sáng rồi rời nhà đi bán vé số vào 6 giờ 15 phút sáng. Trở về nhà khoảng 10 giờ sáng, anh lại bắt đầu công việc của một người chăn nuôi thực thụ. Những công việc lặp đi lặp lại ấy sẽ chẳng có gì đáng nói nếu không được nghe những người cùng cảnh ngộ với anh trong Hội Người khuyết tật kể, để rồi nhận ra rằng, câu chuyện của anh là một câu chuyện của ý chí, tình yêu thương và thái độ sống đẹp với chính bản thân mình, với cộng đồng và xã hội.
|
Anh Thu bên trại heo nái của gia đình. |
Trở về khoảng thời gian đầu những năm 90, là một người lính giải ngũ mạnh khoẻ, nhiều hoài bão, anh Thu cùng vợ và hai con nhỏ quyết tâm rời quê nghèo ở một huyện vùng núi Bắc Giang chuyển vào miền Nam lập nghiệp. Với mong ước tạo dựng điều kiện kinh tế tốt nhất cho các con, vợ chồng anh đã không từ nan bất cứ một công việc gì, từ đi nhặt củi để nấu cám nuôi heo, đến đi làm thêm để tích cóp với hy vọng lo cho hai con ăn học và tạo dựng một cuộc sống khấm khá hơn ở mảnh đất phương nam đầy hứa hẹn này. Nhưng bất ngờ, năm 1997, trên đường đi làm về, tai nạn giao thông xảy đến với anh đã đẩy anh vào một cuộc sống gần như tuyệt vọng. Đằng đẵng gần 2 năm trời gom hết tiền của dành dụm trong gia đình, đi hết bệnh viện nhỏ đến lớn, cuối cùng anh và gia đình phải chấp nhận sự thật, phần cơ thể từ rốn trở xuống của anh hoàn toàn mất cảm giác, ngay cả những sinh hoạt vệ sinh cá nhân anh cũng phải nhờ đến thiết bị hỗ trợ gắn ngoài. Trong cuộc đấu tranh giành lấy thân thể lành lặn, anh đã thua. Nhưng phía trước anh vẫn còn một cuộc đấu tranh cam go hơn nhiều - đấu tranh cho bản thân một tinh thần khoẻ mạnh. “Thời gian đầu, tôi gần như không muốn sống, nhưng còn vợ, còn con biết làm sao? Không thể để họ mất niềm tin vào cuộc sống vì mình được, thế là tôi quyết tâm ngồi dậy. Lúc đầu không biết làm gì, vốn biết nghề mộc, tôi kiếm gỗ đóng những chiếc ghế nhỏ, tủ chén, rồi đến cái bàn để dùng trong gia đình… Làm việc, thân thể thấy khoẻ mạnh hơn.” Chính từ đây, ánh sáng mới đã mở ra với anh, thái độ sống của anh bắt đầu thay đổi hoàn toàn.
Rồi anh bắt đầu một cuộc sống quảng giao hơn cả trước khi bị tai nạn sau khi tham gia vào Hội khuyết tật. Hoàn cảnh của chính những hội viên trong Hội khuyết tật mà anh chứng kiến là động lực, là sức mạnh để anh vượt qua tất cả những thiệt thòi, khiếm khuyết của cơ thể. “Mình còn được hưởng mấy chục năm lành lặn, đi đứng như người bình thường. Giờ có ngồi xe lăn, nhưng mắt mình vẫn nhìn thấy được, tai vẫn nghe được, miệng vẫn nói được với vợ con mọi điều, sao lại gọi đó là bất hạnh?” – với suy nghĩ đó, sự thấu hiểu và sẻ chia chân thành đã cuốn anh Thu vào những công việc mà tưởng chừng không thể.
Anh bàn với vợ bắt đầu gầy dựng lại đàn heo. Anh nhờ người đóng những thanh gỗ lên tường nhà làm điểm tựa để hằng ngày, anh nương theo đó, đi ra chuồng heo phụ vợ con rửa chuồng, tắm heo, cho heo ăn; có ngày anh dùng xe lăn đi khắp các ngõ ngách thành phố, đến các xưởng cưa để tìm mua mùn cưa về làm chất đốt nấu cám heo... Hơn chục năm nỗ lực, đến nay, anh đang nuôi 60 con heo thịt và 4 con heo nái, kinh tế gia đình đã khá thoải mái. Với hoàn cảnh gia đình như hiện nay, có lẽ sâu trong lòng của hai cô con gái, dù không nói ra, nhưng luôn dấy lên sự tự hào về người cha của mình.
Nhận xét về anh, chị Nguyễn Thị Bích Nga, hội viên Hội Khuyết tật thành phố Đà Lạt cho hay: “Anh Thu, không chỉ là người làm ăn giỏi, mà còn là người hiểu chuyện. Anh không chỉ thường xuyên tạo điều kiện giúp đỡ anh chị em khuyết tật nghèo mà còn là chỗ dựa về tinh thần cho nhiều anh chị em trong hội những khi có chuyện buồn hay khúc mắc.”
Tôi hỏi anh về những việc làm khi anh còn ở vai trò Chủ tịch Hội người khuyết tật, anh không muốn nhắc nhiều tới thành tích, nhưng qua câu chuyện tôi góp nhặt được trong một lần ghé nhà anh và tình cờ chứng kiến buổi họp mặt mừng sinh nhật của một thành viên trong nhóm Vòng tay yêu thương, mới hiểu tại sao anh chị em “chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng gọi anh Thu”. Chị Nga kể rằng, khi còn làm Hội, anh đã một mình cùng chiếc xe lăn mua vé lên xe Thành Bưởi xuống tận Sài Gòn, rồi lăn xe đi khắp nơi để tìm mối mua khăn, mua máy dập bao ni lông về cho anh chị em trong Hội khuyết tật làm khăn lạnh bán kiếm sống. Không chỉ vậy, giờ anh đã không còn giữ chức chủ tịch hội nữa, nhưng thật bất ngờ khi biết rằng, công việc bán vé số từ sáng sớm tinh mơ hằng ngày suốt bao năm nay của anh không phải để kiếm tiền mang về cho gia đình, mà phần lớn số tiền lời kiếm được mỗi sáng từ việc bán vé số dạo trên xe lăn ấy, anh dùng tạo quỹ giúp đỡ những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Tính đến nay, từ số tiền tiết kiệm này, anh đã dùng nó mua sổ bảo hiểm cho rất nhiều người, giúp cho rất nhiều người khác tiền chữa bệnh, mua thuốc men, anh còn mua tặng máy kéo len, máy may cho những người khuyết tật nghèo để cải thiện cuộc sống như trường hợp của chị Hương (Trại Mát), Anh Diễn ( Phan Bội Châu), anh Hùng (Nguyên Tử Lực)…
Nhiều người khi nhìn thấy thân thể của anh Thu có lẽ đã nghĩ rằng việc cố gắng để tồn tại, vượt qua những cơn đau thể chất đã là một thử thách lớn rồi, nhưng ở cái tuổi 50 ấy, anh Thu vẫn đang tìm thấy sức mạnh để không chỉ vượt qua những khó khăn và thách thức về mặt thể chất mà còn tạo ra những điều kỳ diệu.
Câu chuyện của anh không chỉ chứng minh cho những người khuyết tật thấy rằng, họ hoàn toàn có thể tới trường, có việc làm và được tham gia vào các hoạt động hàng ngày trong xã hội này, mà còn chứng minh cho mọi người rằng, tất cả chúng ta đều có thể vượt qua những giới hạn của bản thân và chuyển hóa mọi giới hạn đó thành những điều kì diệu.