Nơi đầu nguồn Krông Nô

03:01, 02/01/2011

Con thuyền độc mộc trên bến sông Dăk Mrăng nối hai bờ Lâm Đồng với Đắc Nông qua dòng Krông Nô vẫn miệt mài tháng ngày đưa khách sang sông. Con thuyền và cả dòng sông dường như không để ý đến xuân sang hay hạ về, thu qua hay đông đến.

Con thuyền độc mộc trên bến sông Dăk Mrăng nối hai bờ Lâm Đồng với Đắc Nông qua dòng Krông Nô vẫn miệt mài tháng ngày đưa khách sang sông. Con thuyền và cả dòng sông dường như không để ý đến xuân sang hay hạ về, thu qua hay đông đến.
 
Một góc thị trấn Bằng Lăng.
Một góc thị trấn Bằng Lăng.

Trên bến sông phía thượng nguồn Krông Nô ấy, con thuyền độc mộc không mệt mỏi; và cũng như vậy, con sông chẳng hề trễ nãi dòng trôi. Nhưng, ở nơi ấy, nơi thượng nguồn Krông Nô, con thuyền lại chính là chiếc gạch nối có giá trị kết nối thời gian của hôm qua với hôm nay, nối quá khứ với hiện tại – một quá khứ dày trầm tích và một hiện tại giàu tiềm năng – của một vùng đất. Nơi thượng nguồn Krông Nô ấy là vùng đất xa xôi nhất của tỉnh Lâm Đồng: Đam Rông – nơi tụ cư của nhiều dân tộc với nhiều dòng văn hóa thống nhất trong sự đa dạng.
 
Hồ tắm trên suối nước nóng Đạ Long.
Hồ tắm trên suối nước nóng Đạ Long.

TRẦM TÍCH NƠI THƯỢNG NGUỒN

Tôi đứng bên dòng Krông Nô trong buổi chiều muộn. Già làng Ha Siêng chậm rãi châm tẩu thuốc và nhả khói mịt cả một góc rừng. Mùi thuốc lá ngai ngái như mùi sông mùa phù sa, như mùi rừng mùa làm nương. Như vậy là, vào một ngày gần tết, tôi đã vượt hơn một trăm cây số từ Đà Lạt trung tâm phố thị để đến với Đam Rông đại ngàn, đến với thượng nguồn Krông Nô, như tôi đã từng đến nơi này hai mươi năm về trước.

Già làng Ha Siêng năm nay càng già đi nhiều lắm rồi. Nhưng còn dòng sông thì vẫn thế, vẫn miệt mài dòng chảy không thời gian. Và cả con thuyền độc mộc nữa, nó vẫn thế như tự thuở nào và vẫn miệt mài kết nối đôi bờ đưa khách sang sông từ lúc khách còn là đứa bé con cho tới lúc già nua. Hai mươi năm trước, Ha Siêng đón tôi bằng men rừng chếnh choáng trong bếp lửa nhà sàn người Mnông bên dòng Krông Nô. Người đàn ông trung niên ấy đã từng nói với tôi rằng hãy uống đi, đừng sợ hũ rượu cần này cạn nước như đừng sợ dòng sông Krông Nô cạn nước. Nước của dòng Krông Nô được sinh ra từ mạch nguồn suối cha và suối mẹ nên muôn đời vẫn chảy. Rượu cần của người Mnông được làm bằng nước của dòng Krông Nô nên mãi muôn đời sau vẫn nồng nàn. Trong chếnh choáng men rừng bên dòng Krông Nô ngày ấy, tôi đã “say” bởi những câu chuyện kể của Ha Siêng về vùng đất Đam Rông huyền tích với bộ đàn đá Ndut Lieng Krak đầu tiên của loài người, với nhân vật thần tiên Hơ Lia làm nên con thuyền độc mộc và dòng suối nóng Đạ Long kỳ bí… Ha Siêng nói rằng, người Mnông, người Chil, người Cơho… nơi thượng nguồn Krông Nô này chính là chủ nhân của bộ đàn đá Ndut Lieng Krak do nhà dân tộc học người Pháp Condominas phát hiện năm 1949 và hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Dân tộc học Pháp (Musée de l’Hommo Paris). Điều quan trọng, đây không chỉ là bộ đàn đá lần đầu tiên được phát hiện trên thế giới mà theo khẳng định của các nhà khoa học qua xác định niên đại thì nó còn là bộ đàn đá cổ xưa nhất của loài người. Bởi vậy, cho đến lúc này, cho dù trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (và nhiều địa phương khác trong khu vực), các nhà khoa học đã phát hiện cả chục bộ đàn đá (và nhiều hơn thế) nhưng chắn chắn không thể có bộ đàn đá nào sánh ngang về giá trị của bộ đàn đá Ndut Lieng Krak của các tộc người thiểu số sinh sống bên dòng sông Krông Nô này. Đứng bên này sông trong buổi chiều muộn với khói thuốc ngai ngái mịt cả một góc rừng, già làng Ha Siêng chỉ tay qua bên kia sông: “Xưa, đất bên ấy thuộc tỉnh bên này (Lâm Đồng), là nơi phát hiện bộ đàn đá cổ nhất loài người. Nay, đất ấy thuộc tỉnh Đắc Nông. Nhưng cả hai, người thiểu số bên này và người thiểu số bên ấy, đều có quyền tự hào về bộ đàn đá Ndut Lieng Krak!”.

Dòng Krông Nô nơi thượng nguồn với chiếc thuyền độc mộc nối đôi bờ vẫn đang trôi về xuôi và vẫn không có dấu hiệu của sự già nua giống như sự “xưa cũ” của già làng Ha Siêng. Tuy nhiên, bỗng dưng tôi lại chợt nhận ra, vết hằn trên gương mặt già làng Ha Siêng đang tạc và dáng núi nơi thượng nguồn này vết thời gian vĩnh cửu của những trầm tích.

DÒNG THỜI GIAN VẪN CHẢY

Tôi trở lại trung tâm thị trấn Bằng Lăng của huyện Đam Rông vào lúc trời đã sập tối. Quả thật là rất khó xác định được rằng từ Krông Nô xe đang quay trở lại để về Bằng Lăng của Đam Rông hay đang tiếp tục bon sang hướng Đắc Lắc trên đường 27. Bởi, bốn bên là rừng thẳm. Nhưng rồi cuối cùng, sau gần một tiếng đồng hồ, trươc mắt tôi là thị trấn nhỏ Bằng Lăng lấp lánh ánh đèn lọt thỏm giữa đại ngàn thâm u.

Bí thư Huyện ủy Vũ Kim Sinh đón chúng tôi trong một ngôi nhà công vụ khá khang trang giữa lòng thị trấn. Với anh, cũng là chỗ quen biết nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau giữa đại ngàn Đam Rông cách Đà Lạt hơn trăm cây số. Bước vào ngôi nhà công vụ, sự thâm u của đại ngàn như vụt biến mất. Anh Sinh bảo: “Đam Rông vẫn đang là huyện nghèo nhất của cả nước đấy!”. Tôi không nghĩ lời “thú nhận” của vị Bí thư Huyện ủy là sự than vãn mà ngược lại, chí ít tôi cũng đủ cơ sở để so sánh về sự phát triển của vùng đất này bằng những gì mắt thấy tai nghe qua hai chuyến đi cách nhau hai mươi năm. Ngày ấy, để đến được Đam Rông, chúng tôi phải đến “nơi tận cùng” cầu Krông Nô, sang bên đất Đắc Lắc, rồi quay trở lại đất Lâm Đồng bằng chiếc thuyền độc mộc dây kéo, lại phải đi bộ ròng rã hơn hai tiếng đồng hồ mới đến được trung tâm Đam Rông. Còn bây giờ, tuy quãng đường khá xa nhưng ô tô đưa chúng tôi đến tận nơi. Ngày ấy, để đến được suối nước nóng Đạ Long nghe câu chuyện về nhân vật thần tiên Hơ Lia làm nên con thuyền độc mộc và dòng suối nóng Đạ Long kỳ bí, tôi đã tự thân vượt rừng hơn chục cây số từ trung tâm Đam Rông để đến xã Đạ Long (lúc bấy giờ còn thuộc huyện Lạc Dương). Còn bây giờ, đến đây, lại là… xe, và dĩ nhiên là xe bốn bánh chạy bon bon trên đường nhựa phẳng phiu. 

Nếu dòng Krông Nô phía thía thượng nguồn này là cái gạch nối giữa quá khứ với hiện tại thì Đam Rông với tư cách là đơn vị hành chính cấp huyện chính là cái gạch nối giữa Lâm Hà với Lạc Dương khi cách nay hơn năm năm, hai vùng đất Đam Rông (gồm ba xã Đầm Ròn, Đạ Long và Đạ Tông) của huyện Lạc Dương và ba xã phía bắc của huyện Lâm Hà (Phi Liêng, Liêng Srol và Rô Men) được tách ra để hoà vào làm một thành huyện Đam Rông ngày nay. Nếu trước đây, dân số của vùng này chỉ khoảng hai mươi ngàn người thì nay, con số ấy đã là gần bốn mươi ngàn. Nếu trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số bản địa chiếm gần 90% dân trong vùng thì nay, tỷ lệ này còn là 69%, bởi sự gia tăng dân số cơ học. Trong các nhóm dân đến với Đam Rông sau này, ngoài người Kinh còn có các tộc người thiểu số phía Bắc di cư tự do tìm đất sống.

Khi nghe tôi “khoe” rằng trong chuyến đi này, tôi đã trở lại thăm suối nước nóng Đạ Long và cũng đã đến làng người H’Mông lần đầu tiên ở thôn 5 xã Rô Men, giọng Bí thư Huyện ủy Đam Rông Vũ Kim Sinh phấn chấn hẳn lên: “Không chỉ có dòng chảy văn hóa của các tộc người bản địa M’Nông, Chil, Cơho… làm giàu kho tàng văn hóa cổ truyền Đam Rông mà kho tàng ấy giờ đây còn lấp lánh những viên ngọc văn hóa của các tộc người phía Bắc đóng góp vào”. Tôi nhớ lại, cũng ở nơi thượng nguồn Krông Nô huyền thoại này, bây giờ, một làng văn hóa mang đầy bản sắc và cũng rất đặc trưng của tộc người H’Mông phía Bắc được hình thành mà tôi vừa được có dịp đến và tìm hiểu. Ở làng người H’Mông xã Rô Men bên dòng Krông Nô ấy, tết này, dẫu không có hoa ban trắng rừng như trên rẻo cao miền núi phía Bắc nhưng 117 hộ dân H’Mông hiện đang sinh sống trên vùng quê mới Nam Tây Nguyên này cũng góp một “tiếng nói” văn hóa đặc trưng của dân tộc mình để “kho” văn hóa tộc người thiểu số Đam Rông thêm phong phú. Trưởng thôn 5 người H’Mông, anh Yàng Seo Long, tự hào: “Mấy năm vừa rồi, nhờ kinh tế khá hơn nên đồng bào người H’Mông mình đã tổ chức vui xuân không khác gì so với hồi còn ở Lào Cai quê hương chúng tôi”. Thôn trưởng Yàng Seo Long còn khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng, tết năm nay, thôn 5 xã Rô Men sẽ tổ chức thi làm bánh dày theo đúng phong tục của người dân tộc thiểu số H’Mông. Anh còn kể: “Tết năm trước, rồi năm trước nữa, nhiều cô gái H’Mông của làng diện những bộ váy đẹp nhất đi chơi suối nước nóng Đạ Long. Còn tại làng, dân dàng còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian đậm sắc H’Mông như ném còn, đánh đu, thi thổi khèn môi, khèn ống…”.

Đam Rông bây giờ không chỉ khang trang hơn với “điện – đường – trường – trạm” mà đời sống văn hóa cũng đã có không ít những đổi thay tích cực về văn hóa. Hay nói như anh Vũ Kim Sinh, Bí thư Huyện ủy, rằng: “Không chỉ có dòng chảy văn hóa của các tộc người bản địa M’Nông, Chil, Cơho… làm giàu kho tàng văn hóa cổ truyền Đam Rông mà kho tàng ấy giờ đây còn lấp lánh những viên ngọc văn hóa của các tộc người phía Bắc đóng góp vào”. Sáng hôm sau, tôi lên xe để trở lại Đà Lạt. Nắng ngập tràn trên những cánh rừng xanh Đam Rông đang chuẩn bị vào xuân. Dòng sông Krông Nô phía thượng nguồn ấy vẫn nhẫn nại trôi xuôi dòng nước lấp lánh ánh bạc với con thuyền độc mộc đưa khách sang sông. Và, tôi lại nhận ra nét hằn trên gương mặt già làng Ha Siêng tạc nét thời gian trên vách núi phía thượng nguồn Krông Nô.
 
Bút ký: Khắc Dũng