Những "gia đình trẻ con" ở Lạc Dương

03:01, 05/01/2011

Các “gia đình trẻ con” ấy xuất hiện ngày càng nhiều tại thôn Đăngkia (xã Lát, Lạc Dương) kéo theo bao câu chuyện buồn vui của những ông bố, bà mẹ tuổi chưa "độ trăng tròn" nhưng mặt thì già trước tuổi.

“Lấy chồng từ thuở 13…” là chuyện khá phổ biến ở những thế kỷ trước. Thế nhưng, hiện nay , tại một buôn làng cách trung tâm huyện chưa tới 5 km, cách thành phố Đà Lạt chừng hơn chục km lại có những cô dâu tuổi chưa đầy trăng tròn. Các “gia đình trẻ con” ấy xuất hiện ngày càng nhiều tại thôn Đăngkia (xã Lát, Lạc Dương) kéo theo bao câu chuyện buồn vui của những ông bố, bà mẹ tuổi thơ ngây nhưng mặt đều già trước tuổi.

BẮT CHỒNG SỚM ĐỂ CÓ THÊM LAO ĐỘNG

Bà mẹ trẻ Cil Ddel 23 tuổi đã có hai con, đứa lớn năm nay đã 6 tuổi.
Bà mẹ trẻ Cil Ddel 23 tuổi đã có hai con, đứa lớn năm nay đã 6 tuổi.

Tôi biết gia đình bà Cil K’Bền (dân làng vẫn quen gọi là Me Uyn) vì hồi trước học cùng lớp với cậu con trai đầu. Chưa hết lớp 9, Cil Uyn về nhà vợ nên gia đình bà K’Bền chỉ có hai ông bà già và cô con gái mới xong tiểu học. Cuộc sống xoay quanh hai sào cà phê và mấy mẫu ruộng, lại không có người làm nên gia đình bà luôn không đủ ăn. Nhìn cô con gái út Cil K’Bền Cham nhỏ nhắn nhưng thông minh, nhanh nhẹn, học giỏi, bà con trong buôn ai cũng khen và nghĩ Bền Cham sẽ cố gắng học để sau này có nghề mà giúp cha mẹ. Tôi cũng vậy, mến Cham và hy vọng cô bé sẽ có tương lai tươi sáng. Thế rồi, tôi sửng sốt khi Cil Uyn mang thiệp mời đến bảo sắp cưới Bền Cham. “Nhưng con bé đang đi học, lại mới 14 tuổi?”, “Nhà mình không có người làm việc, cha mẹ bảo nó bắt chồng để có thêm lao động”, Cil Uyn cười. Vậy là Bền Chăm nghỉ học để “bắt chồng”. Ngày cưới, cô dâu bé nhỏ trong bộ váy cưới thùng thình đi chúc rượu trong cái nhìn ái ngại của nhiều người. Bền Cham bảo phải đi hơn bốn tiệm áo cưới mới thuê được cái váy này “hơi vừa” với cô.

Tương tự, nhà chị K’Nga chỉ có ba mẹ con đàn bà, mọi công việc nặng nhọc đều phải thuê hoặc nhờ người quen rất bất tiện. Con gái đầu K’Vom đang học lớp 8 cũng phải thường xuyên nghỉ học giúp mẹ việc nương rẫy. Được một người bà con ở Lâm Hà mai mối, chị K’Nga liền đi “bắt chồng” cho con để nhà có thêm người giúp việc. K’Vom nghỉ học, ngày ngày hai vợ chồng cùng mẹ vào vườn chăm sóc cà phê. Chị K’Nga khoe năm nay thu được nhiều cà phê vì có thêm người làm.

BẮT CHỒNG TRƯỚC, ĐỢI ĐỦ TUỔI RỒI ĐI ĐĂNG KÝ

Ngoài một số “bé gái” bị gia đình ép “bắt chồng” thì đa số là tự nguyện lấy nhau. Anh Cil Quyên – cán bộ tư pháp xã Lát cho biết trong năm 2010, thôn Đăngkia đã có 3 trường hợp chưa đủ tuổi đến đăng ký kết hôn nhưng xã không giải quyết (chỉ 15, 16 tuổi). Tưởng như vậy các cô cậu này sẽ về đợi đến khi đủ tuổi mới lấy nhau, nhưng khi vào làng hỏi thì được biết cả ba trường hợp đã về sống với nhau, “nó bảo cứ ở với nhau đến khi đủ tuổi sẽ đi đăng ký”, mẹ của một trong ba trường hợp trên nói. Cũng có những gia đình ngăn cản không cho con “bắt chồng” sớm. Chị Đa Guót Bôn – giáo viên trường Mầm non xã Lát có hai đứa con gái đều lấy chồng khi chưa học xong cấp hai. Là người hiểu biết, chị hết khuyên ngăn rồi cấm cản khi con đầu Đa Guót Bét mới 15 tuổi đòi nghỉ học “bắt chồng”. Nói ngọt có, đòn roi có nhưng Bét vẫn không chịu nghe. Cô cùng Rơ Ông Liêng (17 tuổi) dắt nhau trốn vào rừng khiến hai gia đình phải đi tìm suốt một tuần và đành chấp nhận. “Nó đã ưng cái bụng thì mình phải chịu thôi”, chị Bôn thở dài.

Đến đứa thứ hai Đa Guót Đuýt cũng “theo chồng bỏ cuộc chơi” khi đang học lớp 11, Đuýt là niềm hy vọng sau này sẽ theo nghề của chị. Còn với Rơ ông Luy, 24 tuổi đã là mẹ của hai đứa con, đứa đầu đã 8 tuổi. Ngày ấy, Luy là cô bé mới 15 tuổi được cưng chiều trong gia đình chỉ mình cô là con gái. Những bữa đi chơi với người anh con bác Đa Guót Jú (theo phong tục của đồng bào DTTS nơi đây, con gái của em hay chị gái được lấy con trai của anh hoặc em trai) đã khiến cho hai anh em cảm mến nhau. Lớp 9A của tôi khi đó thường xuyên bắt gặp một cô bé ngồi ngoài cổng trường đợi Jú. Vài tháng sau, cả lớp rồng rắn kéo nhau đi đám cưới bạn. Vậy là trường tôi có thêm hai học sinh bỏ học.

HỆ LỤY CỦA TẢO HÔN

Trên đường dẫn tôi đến những “gia đình trẻ con” trong thôn Đăngkia, chị Kra Jãn San – Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ thôn kể, có đến 50% các cặp vợ chồng con nít bỏ nhau sau một thời gian chung sống, có đôi còn chưa kịp đợi đến ngày đủ tuổi để đi đăng ký kết hôn, nhiều bà mẹ trẻ con phải nuôi con một mình và đa số những đứa trẻ của các ‘gia đình trẻ con” đều bị suy dinh dưỡng.

Chúng tôi ghé nhà chị K’Doen, bà ngoại trẻ nhất làng, con gái đầu K’Thơm của chị cũng là bà mẹ trẻ nhất làng. Nhìn chị địu cháu ngoại trên lưng, nếu không được nói trước tôi cứ nghĩ đó là mẹ địu con. Khi hỏi sao K’Thơm không địu con? - chị bảo: “nó còn ham chơi lắm, có con rồi mà suốt ngày theo bọn trẻ trong làng đi chơi thôi, để con cho mình chăm”. Năm nay, K’Thơm mới 14 tuổi.

Ngồi một lát thì K’Thơm về, cô bé hồn nhiên vạch áo cho con bú khi đứa con gầy gò khóc vì đói bụng. Nhìn K’Thơm, tôi không nghĩ cô bé 14 tuổi vì trông cô có vẻ già hơn so với tuổi, mặc dù ánh mắt vẫn cười hồn nhiên.

Chị của K’Thơm cũng “bắt chồng” khi mới 15 tuổi, giờ 30 nhưng cũng đã có 6 mặt con và lên chức bà ngoại. Nuôi đàn con nheo nhóc đã đủ mệt, giờ gia đình chị còn phải nuôi thêm một đứa cháu và cặp “vợ chồng con nít” suốt ngày chỉ biết đi chơi. Nhưng K’Thơm vẫn còn may mắn vì có chồng bên cạnh, Đa Guót Bét phải làm mẹ một mình khi con trai mới hơn 1 tuổi. Chồng Bét theo người khác vì cho rằng khi lấy vợ vẫn còn con nít, giờ mới thật sự là tình yêu? Tháng ngày nuôi con một mình thật vất vả đối với một cô bé như Bét, đứa con suy dinh dưỡng suốt ngày ốm đau khiến Bét cũng ốm nhom và già dặn hơn khi phải tự mình lo toan mọi thứ. Khổ hơn là K’Vom, cô bé lấy chồng khi chưa đủ nhận thức trách nhiệm của một người vợ cũng như cuộc sống gia đình. Những lần xung đột, cãi vã vì cả hai còn con nít, không ai chịu nhường ai, K’Vom bị chồng đánh đập không chịu nổi và phải chia tay nhau khi chưa kịp đi đăng ký kết hôn.

Đến thăm “gia đình trẻ con” nào, tôi cũng nhận thấy có một điểm giống nhau là những bà mẹ “trẻ” đều không còn được “trẻ”, đám con thì nheo nhóc, đầu trần chân đất, mặt mũi thì lấm lem, đứa nào cũng gầy gò và suy dinh dưỡng. Tất cả các bà mẹ “trẻ” đều cho biết “mình suốt ngày lên nương rẫy để làm việc nên không có thời gian chăm sóc con, cũng không có nhiều tiền nên mình ăn gì thì cho con ăn nấy thôi”.

dd
Lấy chồng khi 15 tuổi, giờ 25 tuổi K'An đã có 3 con, con lớn nhất 9 tuổi.

Cũng rất nhiều lần, chị Đa Guót Bền đến từng nhà vận động để bà con không cho con “bắt chồng” sớm. Trong các cuộc họp phụ nữ thôn, chị thường xuyên tuyên truyền tác hại của việc tảo hôn. Chị lấy bản thân mình để các chị em hiểu, ngày xưa, chị cũng “bắt chồng” khi mới 15 tuổi, sau bốn lần sinh con, giờ chị hay bị đau ốm, sức khỏe yếu vì phải làm mẹ sớm. Với hai đứa con gái, chị luôn nhắc nhở các cháu không được “bắt chồng” khi chưa đủ tuổi.

Theo thống kê của phòng tư pháp xã Lát, vài năm gần đây, ở xã có 12 trường hợp tảo hôn, tập trung nhiều nhất là thôn Đăngkia. Với nhiều biện pháp như không cho đăng ký kết hôn, tuyên truyền, vận động… nhưng tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra ngày càng nhiều và có xu hướng độ tuổi thấp dần xuống.

Rời nhà Cil K’Đoen, 13 tuổi, cô dâu trẻ nhất làng vừa mới “bắt chồng” mấy ngày, tôi bỗng nghe từ đâu đó câu hát “lấy chồng sớm làm gì/để lời ru thêm buồn” mà thấy lòng man mác. Đó không chỉ là “lời ru buồn” mà còn cả tương lai của thế hệ trẻ sau này. Thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm để rồi những cô bé phải trở thành vợ, thành mẹ già trước tuổi, những đứa trẻ suy dinh dưỡng, đói nghèo luôn đeo bám. Trong khi xã hội ngày càng phát triển, bộ mặt vùng đồng bào DTTS đang dần được cải thiện thì vấn nạn tảo hôn vẫn là một trở ngại cho sự thay đổi của “bộ mặt” ấy.

Tuấn Hương