Xây dựng đời sống văn hóa ở Lâm Đồng (bài 2)

10:01, 05/01/2011

(Tiếp theo) - Hiện nay, toàn tỉnh có 148 xã, mỗi xã có một cán bộ văn hóa. Ở cấp huyện: bình quân mỗi huyện 20 cán bộ văn hóa (cả trung tâm văn hoá và phòng văn hóa), tổng cộng 12 huyện - thị - thành có 240 người.

[links()]Bài 2: Cán bộ văn hóa cơ sở thiếu và yếu 

Nhà văn hóa Làng hoa Hà Đông.
Nhà văn hóa Làng hoa Hà Đông.
Hiện nay, toàn tỉnh có 148 xã, mỗi xã có một cán bộ văn hóa. Ở cấp huyện: bình quân mỗi huyện 20 cán bộ văn hóa (cả trung tâm văn hoá và phòng văn hóa), tổng cộng 12 huyện - thị - thành có 240 người. Nói đến cán bộ văn hoá, nhiều người nghĩ, phải là người biết đàn hát, dẫn dắt dàn dựng chương trình văn nghệ quần chúng, vui tính, hài hước, có tài ăn nói, đi đến đâu thì ở đó vui nhộn...

Tôi đã được gặp nhiều cán bộ văn hóa xã, nhưng đa số họ đều ít có tố chất làm văn nghệ quần chúng, không có năng khiếu bẩm sinh. Nhiều người làm cán bộ văn hóa cơ sở còn e dè, ngại ngần khi nói trước đám đông. Và rất ít người được đào tạo cơ bản trước khi bắt tay làm công việc này. Song trong số họ, cũng có không ít người đã cố gắng nỗ lực để làm nhiệm vụ của mình một cách tốt nhất có thể. Anh Trần Tuynh - cán bộ phụ trách văn hóa xã Tân Hà (Lâm Hà) là một cán bộ văn hóa cơ sở như thế. Thật đúng, nghề dạy nghề, “làm mãi thành quen”. Anh Tuynh làm cán bộ văn hóa xã đã được 10 năm, trước đó anh làm công tác thống kê kế hoạch. Không có năng khiếu, không có sở trường ca múa hát, dàn dựng chương trình, nhưng anh Tuynh biết tập hợp quần chúng, phát hiện ra những hạt nhân văn nghệ thể dục thể thao, động viên khích lệ họ để họ làm nòng cốt khuấy động phong trào. Là người am hiểu văn hóa truyền thống, đặc biệt là vốn văn hóa tinh thần của cư dân từ Hà Tây di cư đến Tân Hà; cùng với việc cho thành lập các CLB thể thao như bóng đá, bóng chuyền, cờ tướng, cầu lông, anh Tuynh đã cho ra đời CLB võ cổ truyền và thường xuyên tổ chức các giải vật tranh tài vào dịp tết đến xuân về. Tết trung thu nào, anh Tuynh cũng tổ chức rất quy mô theo cách thức truyền thống, khi thì làm đèn ông sao khổng lồ, lúc thì làm thuyền hoa đăng dài 8m, tổ chức rước đèn, phá cỗ phát 300kg kẹo cho thiếu nhi đã làm cho tết trung thu thực sự là ngày hội đáng nhớ của con trẻ... Nhờ vậy, 4 năm qua nhà văn hóa Tân Hà do anh kiêm nhiệm phụ trách đã hoạt động đều đặn, trở thành điểm đến vui chơi giải trí, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
 
Biết tin anh Nguyễn Văn Tuấn về làm cán bộ văn hóa phường 2 (Đà Lạt), tôi mừng cho ngành văn hóa, vì anh Tuấn biết nhạc, biết dàn dựng chương trình, tập hát, tập múa cho các nhóm nhạc và đã từng dạy nhạc cho rất nhiều thế hệ học sinh ở Đà Lạt. Nhưng chỉ sau 3 tháng, anh Tuấn thôi không làm cán bộ văn hóa nữa mà quay về với công việc làm thầy giáo dạy nhạc của  mình, tôi lại tiếc cho ngành văn hóa đã không giữ được chân anh Tuấn. Có đòi hỏi quá lớn rằng một cán bộ văn hóa xã phải biết đủ thứ, từ âm nhạc, vũ đạo, đến dàn dựng chương trình văn nghệ, tiểu phẩm… khi mà phụ cấp của cán bộ cấp xã quá ít ỏi. Nhưng cũng hoàn toàn có thể đòi hỏi, cán bộ văn hoá phải là người hiểu các giá trị văn hóa truyền thống và mang giá trị văn hóa truyền thống truyền bá cho mọi người. Nói rõ hơn là người phải mang lối sống truyền thống, đó là có đạo đức, tâm hồn, lối ứng xử đại diện cho văn hóa Việt, để bà con nhìn vào đã bị thuyết phục: Chỉ nhìn thôi là biết cán bộ văn hóa. Bên cạnh cái gốc cơ bản đó, nếu không có năng khiếu thì cũng phải là người có khả năng biết tổ chức, khuấy động phong trào, tập hợp các hạt nhân văn nghệ quần chúng, duy trì hoạt động các đội nhóm, tạo ra các sản phẩm văn hóa văn nghệ “cây nhà lá vườn” phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa văn nghệ của nhân dân tại địa phương. Thực trạng nhà văn hóa xã xây xong không phát huy tác dụng có nguyên nhân chính là do nhân tố con người, nguồn nhân lực chưa ngang tầm. Cán bộ văn hóa quần chúng không “quần chúng”, vì dường như đa số họ đã quen số liệu thống kê, ngồi bàn giấy, không lăn lộn với phong trào đang là một thực trạng. Vì vậy, chẳng thể đòi hỏi một phong trào văn hoá văn nghệ quần chúng tưng bừng như mong ước khi mà những người “thủ lĩnh” lại không có năng khiếu làm “đầu trò”, nhất là trong điều kiện kinh phí hoạt động eo hẹp. Một cán bộ văn hóa cơ sở (xin được giấu tên) tâm sự: Đội ngũ cán bộ xã đã thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, nhưng lại gánh trên vai rất nhiều nhiệm vụ. Cơ quan văn hóa cấp tỉnh gánh trên vai một Bộ (Bộ VH - TT - DL), khi về đến huyện thì gánh trên vai 2 Bộ (Bộ VH - TT - DL và Bộ Thông tin - Truyền thông) và đến xã, chỉ có 1 cán bộ thôi nhưng không phải chỉ làm nhiệm vụ của ngành văn hóa, mà gánh trên vai nhiều công việc của 3 “bộ” khác cộng lại: Xã hội, dân số, y tế, gia đình, trẻ em...
 
Từ rất nhiều năm qua, cứ đến cuối năm, ngành văn hóa lại đề ra phương hướng đào tạo nguồn nhân lực cho cơ sở. Nhưng phải bắt đầu từ đâu, đào tạo như thế nào? thì chưa được ngành này hình thành chương trình hành động cụ thể. Tất cả chỉ dừng lại ở những đợt tập huấn, bồi dưỡng kiến thức đơn lẻ; mà chưa chú trọng đến vấn đề tuyển dụng nhân lực, đầu vào. Việc tuyển dụng hầu như giao hoàn toàn cho cơ sở (cán bộ văn hóa xã thì xã tự tuyển, cán bộ văn hóa huyện thì huyện tuyển). Việc tuyển người cho có, không cần biết đến năng khiếu sở trường có phù hợp với công việc hay không, đang là một thực trạng của cán bộ văn hóa cơ sở hiện nay. Cứ đi làm rồi sẽ được đi học, sẽ được đào tạo dần theo hướng làm cán bộ quản lý nhà nước về văn hóa, chứ không theo hướng đào tạo cán bộ làm sự nghiệp văn hóa quần chúng. Cán bộ văn hóa cấp huyện cũng vậy, nên lực lượng cán bộ cấp huyện cũng chẳng thể hỗ trợ gì nhiều cho cấp xã. Vì vậy, cứ đến hẹn lại lên, mỗi năm vài hội diễn vào các sự kiện, mỗi cơ sở vài tiết mục lặp đi lặp lại năm nọ qua năm kia để... chấm điểm, ít thu hút được sự quan tâm của quần chúng. Tôi cứ nghĩ, một cán bộ văn hóa phải mong có nhà văn hóa, và nơi đó cán bộ văn hóa là “linh hồn”, các di sản văn hóa được gìn giữ khai thác lưu truyền qua các thế hệ phục vụ đời sống hưởng thụ tinh thần của nhân dân. Nhưng nhà văn hóa xã làm ra cái thì bỏ đó, cái không hoạt động thường xuyên, chưa phát huy hiệu quả; một kho tàng di sản văn hóa trong nhân dân không được khai thác tận dụng...
 
Cùng với chỉ tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2015 có 80% xã có nhà văn hóa (119/148 xã), đã đến lúc, ngành văn hóa nên biến phương hướng đào tạo cán bộ văn hóa cơ sở thành hành động, bắt đầu từ việc tuyển dụng, gắn với chế độ phụ cấp phù hợp, xứng đáng.
 
Quỳnh Uyển