Dẫu vẫn còn đó những bộn bề khó khăn, nhưng hiện tại mảnh đất đầu nguồn của dòng Đa Nhim đã có những đổi thay đáng kể.
Đa Nhim từng ngày đổi mới. |
Nằm trên tuyến đường 723 đi Nha Trang, xã Đa Nhim nằm yên bình dưới bóng rừng Bidoup - Núi Bà. Gần như không còn khung cảnh nghèo nàn, heo hút của những năm trước đây khi đường chưa được mở.
Cùng với sự thay đổi chung, Đa Nhim trong nhiều năm qua cũng đã có sự “lột xác” đáng kinh ngạc. Sẽ rất “khó tin” những con số dưới đây: Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn gần 48 tỷ đồng, nhịp độ tăng trưởng 22%, bình quân thu nhập đầu người đạt 13,9 triệu đồng/người/năm … Nhưng đây hoàn toàn là sự thực, bởi hiện tại Đa Nhim là nơi dừng chân của rất nhiều doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trồng rừng, du lịch sinh thái, nuôi cá nước lạnh.
Đa Nhim, đang là điểm dừng chân lý tưởng của rất nhiều công ty, nhà sản xuất bởi vị trí thuận lợi cũng như điều kiện tự nhiên ở đây. Đã có 19 doanh nghiệp được phép đầu tư phát triển kinh tế trên địa bàn xã, trong đó có 16 doanh nghiệp đã tiến hành triển khai dự án và 6 doanh nghiệp đã đi vào sản xuất (rau, hoa, chế biến gỗ, nuôi cá hồi). Cùng với hoạt động của doanh nghiệp, bước đầu đã có 51 lao động tại địa phương được nhận việc làm với thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/tháng. Một con số không lớn, nhưng cho thấy những tín hiệu tích cực về một vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phồn thịnh và tấp nập tại đây trong một ngày không xa.
Cuộc sống của người dân Đa Nhim vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Nhưng chất lượng cuộc sống đã được cải thiện lên rất nhiều. Ngoài nguồn thu chính từ cây cà phê (đang rất được giá), 90% đồng bào dân tộc thiểu số đã biết gắn chăn nuôi với việc canh tác nông nghiệp. Phong trào xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững được người dân nhiệt tình hưởng ứng, không còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự cấp phát, hỗ trợ của Nhà nước. Trong tổng số 633 hộ của toàn xã chỉ còn 191 hộ nghèo theo tiêu chí mới.
Không chỉ riêng về lĩnh vực phát triển kinh tế, việc chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng như chăm lo xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo … cũng được huyện Lạc Dương, xã quan tâm một cách tích cực, thường xuyên. Tổng số học sinh các bậc học Mầm non, TH, THCS đến lớp đạt 97,7%. Bên cạnh đó, công tác phổ cập giáo dục TH đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS cũng được chính quyền xã duy trì, cơ sở trường lớp đã được kiên cố hóa, từng bước đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng là 31%, giảm 0,78% so với năm 2009, tỷ lệ sinh con thứ 3 cũng đã giảm được 5,9% so với cùng kỳ. Những con số trên có thể lớn so với các vùng phát triển. Nhưng ở một xã nghèo, vùng sâu còn nhiều khó khăn như Đa Nhim, các con số trên đã cho thấy sự thay đổi tích cực nếu như biết nơi đây của những năm trước là một vùng sinh con nhiều, nghèo đói và thất học.
Những năm trước, cũng vì đời sống khó khăn, phần lớn người dân đều phải sống dựa vào rừng. Tình trạng vào rừng chặt cây, bẫy thú … vi phạm lâm luật diễn ra thường xuyên. Với việc hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, diện tích rừng trong năm 2010 bị lấn chiếm chỉ còn trên 6000m2 giới hạn trong 7 vụ vi phạm giảm 59 vụ so với năm 2009. Tổng diện tích giao khoán bảo vệ đã được giao cho 558 hộ trên 15 ngàn 444 héc ta. Trong đó, đã có gần 8000 héc ta được giao 276 hộ giao khoán và người dân cũng đã yên tâm với số tiền nhận bảo vệ 300.000 đồng/ha.
Là 1 trong 11 xã được tỉnh chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới, diện mạo của Đa Nhim cũng đã trở nên khang trang và bề thế hơn rất nhiều. Từ nguồn kinh phí 1,130 tỷ đồng trong năm 2010 của tỉnh và các nguồn vốn lồng ghép khác, xã đã triển khai xây dựng 2 nhà sinh hoạt cộng đồng, một sân thể thao, tiến hành quy hoạch cơ sở hạ tầng, xây dựng các công trình nước sạch, nâng cấp trạm y tế, hỗ trợ giống cây trồng, thâm canh cho người dân, cải thiện hệ thống vệ sinh môi trường …
Gần như đã không còn hình ảnh một Đa Nhim xa xôi nghèo nàn của những năm trước. Mảnh đất nơi đầu nguồn Đa Nhim, giữa lòng Bidoup đã được tô điểm bằng sắc màu ấm no của ngày mới.