Đất nước đã vào Xuân. Hương Xuân đang lan tràn khắp miền xứ sở quê hương. Nhưng có lẽ với những ai dẫu chỉ một lần được đến Trường Sa – lãnh hải thiêng liêng của Tổ Quốc đúng dịp Xuân về Tết đến… cảm xúc sẽ vô cùng đặc biệt. “Tết sớm, Trường Sa” chính là một kỷ niệm đẹp và đầy ấn tượng về một chuyến đi khó quên đối với những người làm báo ở cao nguyên nói riêng, cả nước nói chung.
Từ Sinh Tồn, hải trình thuộc tuyến giữa của chúng tôi lần lượt cập các đảo Côlin, Len Đao, Sinh Tồn Đông, Tiên Nữ , Núi Le A và B, Phan Vinh A và B, Tốc Tan A – B - C, sau cùng là Nam Ỵết. Một chuyến đi gần trọn tháng trời nhưng đúng là chuyến đi nhớ đời, bởi lẽ tàu ra khơi giữa muôn trùng sóng gió lại ngay đúng dịp cận Tết cổ truyền…
Tết dân tộc bao giờ cũng ắp đầy phong vị mặn mòi riêng nhưng được đón Tết sớm cùng quân và dân quần đảo Trường Sa quả là một kỷ niệm không quên. Ở giữa muôn trùng sóng vỗ dập dềnh là hình ảnh của những cây bàng vuông nở hoa trắng hồng, là những hàng phong ba sừng sững thân hình cháy sém bởi vết tích còn để lại của những trận cuồng phong bão lốc. Bầy trẻ nhỏ trên đảo Sinh Tồn vẫn tung tăng chạy nhảy hát ca, bên cạnh lớp học xinh xắn chỉ có dăm ba bóng thầy và trò. Sau bữa cơm trưa, chưa tới đầu giờ chiều không khí rục rịch chộn rộn đón mừng xuân mới đã lan khắp cả đảo… Các bà các chị cùng cánh lính hậu cần xúm xít bên mớ dây lạt, gạo nếp tẻ, lá gói, thịt mỡ. Một góc khác, vài ba em nhỏ đang nhảy dây chơi đùa trong những bộ quần áo tinh tươm nhất. Cạnh cột mốc chủ quyền hay trên bàn thờ Tổ Quốc, mấy cậu lính trẻ đang cài đặt lại mấy đóa mai vàng – mai đào tươi thắm… Trên loa phóng thanh đang phát đi lịch sinh hoạt của các đơn vị trong ngày và của toàn đảo vào đêm nay tại hội trường lớn. Ngoài bến nước hay ngay cầu cảng – hàng quà gửi ra từ đất liến lần lượt được chuyển lên theo những cánh tay chuyền: quà ăn Tết, heo, gà vịt, mấy chú cún nhỏ, những thùng hàng của Bộ tư lệnh Hải quân – Quân chủng Hải quân – Hội LHPN Tp Hồ Chí Minh… Có cả mấy chậu quất hay cành đào nguyên gốc được bó buộc kỹ lưỡng... Cánh nhà bếp mải miết quăng chài mấy mẻ cá, hải sản tươi rói để góp vào tiệc vui chung đêm nay. Trong ánh nắng chiều vàng rực in soi trên mặt cát, các toán công binh tiếp tục hoàn thiện nốt công trình dân sự mới để nay mai điện gió – điện mặt trời sẽ chính thức thắp sáng cho cả vùng đảo. Trên vọng gác nhỏ hay ở các vị trí tuần tra, màu áo trắng của lính đảo xen lẫn màu áo xanh của mấy anh dân quân tự vệ… Tiếng sóng vỗ ngoạm bờ vẫn văng vẳng ở chung quanh cứ như một điệp khúc hay điệu ru yên bình. Tất cả như cùng rộn lên một hợp âm đầy sinh sắc.
Đêm trên đảo Sinh Tồn thật nhiều cảm xúc. Lính già lính trẻ, lính mới lính cũ cùng đoàn dân quân - nhà báo quần tụ lại trong đêm liên hoan văn nghệ đón mừng xuân mới. Khói hương, mâm ngũ quả, hoa trái thắp lên bên những lời chào mời chúc tụng xôn xao cùng giọng hát tiếng ca kéo dài mãi tới gần nửa đêm mà như chưa muốn dứt. Chị Thanh Nga (người có bà con đang sinh sống tại cây số 4 Đà Lạt), chị Kim Anh cùng mấy cháu nhỏ chạy lên sân khấu vừa hát vừa vỗ tay trong sự cổ động reo hò của cả hội trường khiến cánh nhà báo buộc phải đáp tạ bằng một bài ca quen thuộc của Trịnh Công Sơn. “Rừng núi dang tay nối lại biển xa, ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà…”. Mới hát được vài câu thì cả tốp đã sực im bặt vì quên mất lời – không có cách nào khác tôi buộc phải tiếp tục hát to lên … Kể từ lần đó, anh em trong đoàn công tác và đoàn nhà báo bắt tôi phải làm nhiệm vụ hát phục vụ bộ đội chỉ vì cái tội… “ai bảo dấu nghề”… Đêm Trường Sa mãi vọng về tiếng ầm ào sóng vỗ giữa nền trời vằng vặc ánh trăng sao huyền diệu…
Mấy ngày sau, tàu lại luớt sóng ra khơi xa. Trời bất ngờ chuyển giông và đầy gió nổi. Chuyện lên xuống tàu, cập xuồng nhỏ vào các điểm đảo chìm đảo nổi thật không hề đơn giản. Nhưng chuyện nhớ nhất ở Trường Sa vẫn là cảnh đón đợi, tiễn đưa người đến kẻ đi ngay trên cầu cảng. Những ánh mắt rộn rã niềm vui, mừng mừng tủi tủi khi gặp lại đồng đội cũ hay khi đón nhận trên tay cánh thư hoặc món quà ăm ắp tình nghĩa thân thương của đất liền gửi đến; những cái bắt tay ôm ghì mừng rỡ trong phút hội ngộ cho đến những bữa cơm quây quần đầm ấm và cả những giờ ngồi hát ca bên máy karaoke hoặc chỉ hát khan cùng nhau cho đỡ nhớ nhà, nhớ người thân… Tiếng đọc thư của mấy anh lính hòa lẫn trong tiếng vọng rì rầm của sóng biển cuộn vào bờ… Rồi cũng những ánh mắt ấy lúc tiễn đưa sao lại nằng nặng, luyến lưu cùng hàng hàng cánh tay đứng vẫy gọi mãi ở trên bờ. Ở tuyến giữa của quần đảo Trường Sa, tôi gặp rất nhiều người lính đã mấy xuân chưa về ăn Tết. Bất cứ điểm đến nào đòan cũng tổ chức đón Tết sớm cho bộ đội cùng vui, dăm ba thủ tục đầu Xuân vẫn không được thiếu: bánh mứt, lọ hoa, chai rượu khai vị, các vật dụng trang trí cành mai hay phòng ốc… kèm theo những sản vật của biển khơi do anh em đã chuẩn bị dành dụm từ trước. Những lời chúc chẳng có gì hoa mỹ bay bổng mà lại rất lành, rất thực – tất cả đều dõi về phía đất liền thiêng liêng bằng sự tin yêu và sẵn sáng…
Chúng tôi may mắn được cử đi chúc Tết ở vài tàu trực chốt và nhiều điểm đảo chìm nằm xa tàu công tác. Ở đâu cũng bắt gặp nụ cười thân thiện, chân tình của những người lính hải quân. Họ sống ngăn nắp, chỉnh chu và rất tình cảm, sẵn sàng nhường nhịn từng miếng ăn chỗ ở cho khách, bất chấp sóng gió hiểm nguy trập trùng đang rình rập chung quanh để lao ra các mép nước sâu, kịp thời cấp cứu cho bà con ngư dân đánh bắt xa bờ gặp nạn… Ở Trường Sa gần một tháng trời, đầu óc không phải vướng bận gì tới chuyện sắm sửa, tiền nong, danh lợi… mà chỉ thấy chỉ nghe chuyện tình chuyện nghĩa. Đứng trước biển, đối diện với muôn ngàn cơn sóng dữ dập dồn cuốn tới, điều mà người ta nghĩ đến chính là tinh thần tương trợ, tình đồng đội, tất cả vì nghĩa vụ, vì cái chung cao cả thiêng liêng hơn bản thân cái tôi quá nhỏ bé của riêng mình. Nhớ hoài chuyện tổ chức Lễ truy điệu anh hùng liệt sỹ hy sinh trên cụm đảo Côlin – Len Đao – Gạc Ma. Nội chuyện chằng buộc và thả vòng hoa xuống mặt nước an toàn đã là một thử thách lớn bởi sóng dồi dữ dội, bất chấp cảnh mưa gió sa sầm vây kín xung quanh điểm neo – đoàn người vẫn bồng súng, quân phục chỉnh tề, hương đèn nghi ngút vẫn cứ thắp lên trong lời truy điệu hùng hồn vang vọng. Nhớ cả lần tình cờ gặp được mấy ngư dân của đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi bị nạn, chèo thúng vào đảo Len Đao nhờ hỗ trợ, hơn một tuần sau đó đoàn đại diện của hải quân Vùng D lại gặp lại họ trên biển Đông, cầm trong tay thùng quà Tết do các anh trao tặng, giọng anh tàu trưởng cứ nghẹn cứng với dòng nước mắt chực trào ra… Ăn Tết với dân, với bộ đội Trường Sa, được lắng nghe những câu chuyện đời của họ đối với chúng tôi đã trở thành một phận sự. Tết muộn nơi đất liền làm sao so bì được với cái Tết sớm ở nơi trùng khơi xa thẳm này… Đến Trường Sa, hiểu thêm, tự hào thêm về sự rộng dài thiêng liêng của truyền thống quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền của các thế hệ cha anh và cứ thấy mình đang mắc nợ, đang cần phải chung tay tiếp nối một cái gì đó cụ thể, rõ ràng hơn…
Những kiến thức âm nhạc, về dân ca các vùng miền, nhất là các bài hát truyền thống đã giúp tôi rất nhiều trong suốt hải trình nối dài tình ân nghĩa này với anh em lính đảo Trường Sa.
Ở đảo Phan Vinh A, trước giờ hành quân sang điểm B, hôm ấy trời chuyển giông nên tàu phải tranh thủ đi sớm sau giờ ăn trưa. Mấy chú lính trẻ tuổi đôi mươi tụm lại yêu cầu tôi phải hát giã biệt. Hò kéo lưới, Lý miền Trung, Giận mà thương… cho tới mấy câu ca trù hay hát về Hà Nội lần luợt được cất lên. Tôi hỏi: “Nếu mai mốt vào bờ, có điều kiện gửi quà, tụi em thích thứ gì?”. Những câu trả lời cũng thật thà và tự nhiên:
- Dạ, phim hoạt hình hay hài hước.
- Cháu thích truyện tranh Đôrêmon.
- Em chỉ muốn nhiều báo ảnh có hình phụ nữ.
…
- Dạ, còn cháu á hả? Cháu chỉ mong có mẹ cháu ra đây thăm và cho cháu được ôm một cái thật lâu thôi!...
Một khoảnh khắc lặng im không diễn tả thành lời, bởi chẳng ai thốt nổi tiếp một lời nào… Ở Trường Sa cũng thường bắt gặp những khỏanh khắc lặng im, những phút trầm mặc bất ngờ và thường tình như thế. Thì ra đối với nhiều người lính đảo, những giây phút thư giãn cuối ngày cũng thật hiếm hoi sau một lịch trình công tác, sẵn sàng chiến đấu…ước vọng về tình cảm của họ cũng thật bình dị như bao nhiêu người. Sau nhiệm vụ tấm lòng của người lính lúc nào cũng hướng vọng về đất liền, nơi có gia đình người thân đang ngày đêm ngóng đợi trông mong. Ngày cuối cùng trên tàu Trường Sa 14, chúng tôi quyết định thâm nhập cuộc sống của những người trực máy, nấu bếp, lái tàu… Khi hỏi chuyện Hoan – người Nghệ An – anh nói: “Mười cái Tết rồi em không ăn Tết ở nhà, Tết này chắc chắn là về. Em chỉ có một điều mong ước lớn nhất, về nhà chở vợ trên Honda đi sắm một cành đào ở chợ, thế thôi…”. Lại một khoảnh khắc lặng im đến nghẹn lời, thế đấy, ước vọng của người lính nào có gì cao xa hay to tát đâu, nhất là trong những giờ Xuân về Tết đến rất gần.
Đêm giao thừa, sau công việc ở Đài tôi trở về hơi muộn, dọn dẹp qua loa rồi thắp hương cúng kiếng sau đó vùi đầu vào chăn mệt lử. Vừa mới chợp mắt, điện thoại đã réo vang. Giọng một anh lính ở đảo Tốc Tan C vang lên: “Chào bác, em là “Chiến sĩ rau” mà bác đặt tên đây ạ! (ở cụm đảo chìm này, rau xanh trồng rất xanh và sáng tạo nên tôi đã gọi đùa một anh không biết tên là … chiến sĩ rau). Đề nghị bác hát tặng chúng em một bài để chúng em thu lại cho đỡ nhớ đất liền ạ…”. Tôi há hốc mồm, đầu óc cứ căng ra, cố lục tìm trong trí nhớ nhưng lại chẳng nghĩ ra được một câu hát gì (?!). “Chiến sĩ rau” giục: “Bài dân ca tự chế hôm trước nhé!”. Lần đầu tiên trong đời, tôi choàng dậy quanh giường và hát to lên trong phòng tối mấy câu cải biên lời bài dân ca Nam bộ – Hò thả lưới: “Nhấc ly này, ta cùng nhau chúc/ Lính Trường Sa vui đón Xuân sang/ Hò ơi…/ Dầu vui vui mấy chớ quên/ Cảnh giác quanh mình/ Chắc nhanh tay súng/ Ơùi ơi là hò/ Thương anh đảo chìm/ mong anh vững vàng/ mong ngày, mong ngày đoàn viên…”.
… Nửa tiếng sau, điện thoại lại réo vang, nhưng lần này lại khác: “Chào anh, tụi em vừa xong phiên trực, mới mở máy ra nghe ghi âm bác hát, giờ yêu cầu bác chịu khó nghe tụi em hát tặng lại nha…”. Chưa kịp lên tiếng thì một nhóm lính đã hát vang lên một bài ca quen thuộc của lính, tôi nghe thấy cả tiếng nấc nghẹn của một ai đó xen lẫn trong tiếng ồn ào sóng vỗ… Nước mắt chảy tràn trên mặt tôi tự lúc nào… bởi lần đầu tiên trong cuộc đời làm báo đây là món quà đầu xuân bất ngờ và xúc động nhất đối với cá nhân tôi. Phía bên ngoài cửa sổ phòng ngủ, những tia nắng sớm của một ngày đầu xuân đã chực chờ ló dậy…