Thông tin trên mạng xã hội và trách nhiệm công dân

04:01, 04/01/2011

Mạng xã hội (hay mạng xã hội ảo) là khái niệm gọi chung cho những webside do các tổ chức, cá nhân lập ra nhằm mục đích kết nối cộng đồng, chia sẻ thông tin, bàn luận những vấn đề mà mọi người cùng quan tâm; bản thân nó là một webside mở được xây dựng bởi cộng đồng tham gia.

Mạng xã hội (hay mạng xã hội ảo) là khái niệm gọi chung cho những webside do các tổ chức, cá nhân lập ra nhằm mục đích kết nối cộng đồng, chia sẻ thông tin, bàn luận những vấn đề mà mọi người cùng quan tâm; bản thân nó là một webside mở được xây dựng bởi cộng đồng tham gia. Chính vì vậy, thông tin trên mạng xã hội là thông tin không chính thống, không có điều kiện ràng buộc về mặt pháp lý như các trang tin điện tử, cổng thông tin điện tử, báo điện tử… mà chỉ có những quy định lỏng lẻo, không mang tính ràng buộc của cá nhân hoặc tổ chức tạo lập website được coi như là “luật chơi” cho những thành viên tham gia. Do đó, mọi người thoải mái tham gia viết bài trao đổi, tùy theo nhóm sở thích, tâm lý mà người “quản trò” - người lập webside đặt ra; nếu người viết bài đi quá đà thì cùng lắm bị xóa tên cấm không cho tham gia cuộc chơi. Do đó, bên cạnh mặt tích cực nhất định thì các trang mạng xã hội cũng đã đưa đến những tiêu cực, tác động đến tư tưởng xã hội mà các nhà lãnh đạo, quản lý cần đề ra chế tài nghiêm khắc để loại bỏ những tiêu cực từ thông tin trên các trang mạng xã hội, phát huy được tính tích cực.

Thông thường mạng xã hội được gọi là thế giới ảo. Song, cái thế giới ảo đó được kết nối bởi những con người thực, chính vì vậy, nếu ở đây có sự gặp gỡ, kết nối của những con người giàu nhiệt tâm với cuộc đời sẽ đem đến cho cộng đồng xã hội không ít việc làm bổ ích. Những người tham gia cộng đồng mạng xã hội (blogger) đã xây dựng rất nhiều hoạt động thiện nguyện nhằm giúp đỡ cho nhân dân những vùng bị thiên tai, lũ lụt; những mảnh đời bất hạnh, bị những căn bệnh hiểm nghèo mà gia cảnh khó khăn không đủ điều kiện kinh tế để chạy chữa.

Trong nhiều năm qua, chúng ta được biết Hội Blogger Đà Nẵng với nhóm thiện nguyện ACE đã có nhiều hoạt động quyên góp tiền ủng hộ những gia đình hoàn cảnh khó khăn có con bị dị tật tim bẩm sinh chữa bệnh; quyên góp quần áo, sách vở cho các em học sinh vùng sâu vùng xa; ủng hộ tiền sửa chữa trường học ở những xã vùng khó khăn của các tỉnh miền Trung… Hội Blogger Hà Nội, ngoài những hoạt động đầy tình thân ái, kết nối cộng đồng mạng (tổ chức gặp mặt, ra tuyển tập…) còn là “địa chỉ” để lại trong cộng đồng xã hội với nhiều chuyến hoạt động từ thiện ở những vùng khó khăn của các tỉnh phía Bắc, các tỉnh miền Trung… Trên đây chỉ là hai trong hàng chục hội blogger được thành lập dựa trên tuổi tác, thành phần xã hội, sở thích cá nhân có nhiều hoạt động phong phú kết nối cộng đồng tham gia hoạt động từ thiện, bảo vệ môi trường, lên án những hành vi thiếu ý thức… Như vậy, thế giới ảo đã bước vào cuộc đời thực với nhiều việc làm bổ ích chính từ những blogger đầy nhiệt tâm với cuộc đời.

Nhiều vấn đề xã hội đã được các blogger đưa ra bàn luận một cách thấu tình, đạt lý và đầy trách nhiệm. Mạng xã hội trở thành một diễn đàn trao đổi cởi mở, nơi các thành viên tham gia có quyền nêu lên chính kiến của mình trước một vấn đề xã hội hay một chủ trương chính sách mới của Nhà nước và chính quyền các cấp. Xét dưới góc độ nhất định, vô hình chung mạng xã hội trở thành kênh phản biện xã hội không chính thức để các cấp chính quyền tham khảo, đánh giá phản ứng xã hội trước những chủ trương mới, những khiếm khuyết trong chính sách, kịp thời điều chỉnh nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Nếu biết sử dụng, phát huy được mặt tích cực này của mạng xã hội, các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách sẽ tận dụng được để nâng cao hiệu quả quản lý xã hội.
Tuy nhiên, cũng vì là thế giới ảo, khó kiểm soát và vì những mục đích khác nhau, đã và đang có một số blogger đưa “thông tin bẩn” lên mạng xã hội làm ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự, lợi ích kinh tế… của các tổ chức, cá nhân; thậm chí là lợi ích của quốc gia, dân tộc. Sự thật đã được các đối tượng này bóp méo, bôi đen và “đẩy lên” vì những mưu đồ, toan tính cá nhân. Có khi là nhằm để đánh bóng tên tuổi của mình, khoe khoang tầm trí tuệ uyên thâm của người viết hoặc hạ bệ một người nào đó mà bản thân họ không thích.

Trong thế giới hiện đại, sử dụng internet là yêu cầu cấp thiết của mọi tổ chức, cá nhân. Sự tồn tại của mạng xã hội cũng là đương nhiên, dưới một góc độ nhất định còn là nhu cầu kết nối cộng đồng, trao đổi thông tin khá bổ ích đối với mọi người; mở rộng dân chủ xã hội. Vấn đề còn lại là sự quản lý của Nhà nước, của ngành chức năng nhằm phát huy những mặt tích cực, hạn chế và khắc phục các tiêu cực mà mạng xã hội đem lại.

Thiết nghĩ, ý kiến cá nhân, một khi đã đưa lên diễn đàn rộng rãi nhiều người đều có thể truy cập được thì người đưa thông tin cần phải ý thức được trách nhiệm công dân của mình trước những vấn đề đã nêu; nhất là những thông tin có ảnh hưởng đến các cá nhân, tập thể khác; đến lợi ích đất nước. Đã đến lúc cần phải có những chế tài nghiêm khắc ràng buộc trách nhiệm công dân khi đưa thông tin trên các mạng xã hội bằng các hình phạt về tài chính, thậm chí truy tố trách nhiệm hình sự, tùy theo mức độ. Điều này cần cụ thể hóa trong Bộ Luật Hình sự và Luật Dân sự để làm cơ sở xét xử những đối tượng cố tình vi phạm.
Từ Dạ Linh