Mười năm ra mắt là bấy nhiêu thời gian “truyền lửa” cho nhau vươn lên trên con đường tìm kiếm kiến thức, hoàn thiện chuyên môn để rồi thực hiện ước mơ phục vụ buôn làng.
Ngày càng có nhiều cán bộ DTTS tham gia sinh hoạt địa phương. |
Đánh giá của Trung tâm Y tế huyện trong suốt một thập kỷ qua, chất lượng công tác cấp cứu, khám chữa bệnh từ Bệnh viện huyện, Phòng Khám đa khoa khu vực đến các Trạm y tế xã ngày càng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Có được điều đó chính là nhờ chú trọng công tác đào tạo và đào tạo lại nhằm nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ chẩn đoán và điều trị nên hạn chế việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Kỳ thực, bất cứ lĩnh vực nào cũng đòi hỏi phải có chuyên môn mà chuyên môn chỉ tìm kiếm được từ việc không ngừng học tập. Đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người dân tốt hay không phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố tay nghề và đạo đức của người thầy thuốc. Một bác sĩ mà không thường xuyên cập nhận kiến thức, trau dồi tay nghề lâu ngày sẽ trở thành “thợ” chữa bệnh, do đó đòi hỏi thường xuyên nâng cao khả năng chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ, nhất là đối với cán bộ nhân viên người dân tộc thiểu số. “Vẫn biết rằng mọi quyền lợi, thu nhập, sinh hoạt và trình độ bằng cấp của các y, bác sĩ dân tộc trong ngành y tế huyện đều giống các cán bộ, nhân viên khác, nhưng về chuyên môn ít nhiều có mức độ chênh lệnh nhất định. Hơn nữa đời sống kinh tế gia đình các y, bác sĩ người dân tộc còn nhiều khó khăn so với các đồng nghiệp khác nên trung tâm mới thành lập “Tổ trí thức dân tộc” từ 10 năm nay để tập hợp các y bác sĩ là người dân tộc thiểu số lại nhằm thông qua các hoạt động sinh hoạt chuyên môn, động viên khuyến khích, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ trên bước đường nghề nghiệp ” – Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện, Bác sĩ Nhật bộc bạch. Từ hơn mười thành viên khi mới thành lập, đến nay “Tổ trí thức dân tộc” đã gia tăng số lượng lên đến 27 y, bác sĩ thuốc các dân tộc: Cill, K’Ho, Churu, Tày và Thái. Các thành viên công tác ở nhiều khoa, phòng như: Cận lâm sáng, khoa nội, đội y tế dự phòng đến các phòng khám khu vực. Đặc biệt có mặt ở hầu hết y, bác sĩ của các trạm y tế xã, đây là một lợi thế không nhỏ bởi các y bác sĩ người dân tộc không ngại khó, luôn sẵn sàng bám buôn làng phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa. Sao Ha Dung - cho hay: “Trước khi thành lập tổ, trình độ đa số anh em chỉ mới tốt nghiệp trung cấp, sơ cấp. Thầy thuốc sau quá trình hoạt động, tạo lập khối đoàn kết, giúp đỡ động viên nhau học tập nâng cao trình độ, lâu ngày trở thành động lực vươn lên trong mỗi thành viên. Bởi trong các thành viên khi ấy suy nghĩ bản thân của mỗi người còn hạn chế, lại hay tự ti trong khi công việc của y, bác sĩ đòi hỏi nhất định phải có chuyên môn mà điều này luôn được trung tâm quan tâm, khuyến khích”. Ngay chính bản thân Sao Ha Dung khi về công tác tại trung tâm cũng mới tốt nghiệp trung cấp, sau đó mới đi học lớp cử nhân xét nghiệm và hiện nay đảm nhiệm vị trí Trưởng khoa Cận lâm sáng của bệnh viện huyện. Từ khuyến khích, động viên đến “tiếp lửa” cho nhau trên con đường không ngừng học hỏi, nâng cao tay nghề, rèn luyện y đức của các thành viên, “Tổ trí thức dân tộc” đã đóng góp một phần vào việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại tuyến y tế cơ sở. “Đến nay trong tổ không còn ai có trình độ sơ cấp. Tất cả đều có bằng trung cấp trở nên, trong đó có 11 người tốt nghiệp đại học.Thậm chí có thành viên hiện nay là bác sĩ chuyên khoa I, đó là thành tựu đáng kể mà Đảng bộ và lãnh đạo trung tâm vun vén cho “Tổ trí thức dân tộc” – Sao Ha Dung cho hay.
Trong 10 trạm y tế xã và Phòng Khám khu vực trên địa bàn huyện, có tới 18 y, bác sĩ và nữ hộ sinh là thành viên “Tổ trí thức dân tộc” đang công tác. Đối với Đơn Dương với hơn 30% dân số là người dân tộc thiểu số, chủ yếu sống ở các xã vùng sâu, vùng xa nên có những người con của buôn làng khoác lên mình chiếc áo blu trắng ngày đêm chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đó cũng là niềm tự hào của đồng bào và cũng là ước nguyện của người cán bộ y tế “Tổ trí thức dân tộc” được phục vụ đồng bào trên quê hương mình. Có lẽ vì thế mà hàng năm các thành viên trong tổ đều đạt lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, có người đạt cấp tỉnh. Đáng nói hơn, nối gót cha mẹ, con cái các thành viên đều ăn học tới nơi tới chôn. Nhiều cháu đang ngồi trên ghế giảng đường đại học, có cháu ra trường hiện công tác ở huyện. Vì vậy, cái ý nghĩa sâu xa của “Tổ trí thức dân tộc”, ngoài việc tạo môi trường sinh hoạt, thúc đẩy các thành viên phấn đấu vươn lên học tập, nâng cao chuyên môn và y đức của người thầy thuốc, ít nhiều cũng là tấm gương cho các thế hệ con em người dân tộc thiểu số ở Đơn Dương noi theo.