Văn hóa - Xã hội Lâm Đồng, vài nét chấm phá

03:01, 02/01/2011

Trong 5 qua (2006  - 2010), nền kinh tế – xã hội Lâm Đồng phát triển nhanh và tương đối toàn diện. Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (tăng trưởng GDP bình quân đạt 14%/năm) và đạt mục tiêu đề ra, lĩnh vực văn hóa – xã hội đã được tỉnh chú trọng nên có nhiều khởi sắc.

Trong 5 qua (2006  - 2010), nền kinh tế – xã hội Lâm Đồng phát triển nhanh và tương đối toàn diện. Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (tăng trưởng GDP bình quân đạt 14%/năm) và đạt mục tiêu đề ra, lĩnh vực văn hóa – xã hội đã được tỉnh chú trọng nên có nhiều khởi sắc.

Xác định đầu tư phát triển toàn xã hội là nền tảng thúc đẩy văn hóa – xã hội chuyển biến tích cực, 5 năm qua, Lâm Đồng đầu tư xã hội trên địa bàn khoảng 32.328 tỷ đồng), tỷ lệ huy động bằng 40,3% so với GDP (tăng gấp 3,5 lần so với thời kỳ 2001 – 2005). Tỉnh cũng đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước khoảng 5.241 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xã hội với năng lực tăng thêm. Hạ tầng xã hội được đầu tư từ nhiều nguồn vốn nên cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, học hành, sinh hoạt văn hóa và tinh thần. Đến nay, 100% xã có điện, đường ô tô đến trung tâm xã, trường tiểu học, trạm y tế; được sử dụng viễn thông và trên 75% dân số sử dụng nước hợp vệ sinh. Đây là những tiêu chí  mà các tỉnh khác trên Tây Nguyên còn phải phấn đấu.

Thực tế trên được minh chứng rõ nét trên các lĩnh vực tiêu biểu: Về giáo dục – đào tạo, Trung ương công nhận Lâm Đồng đạt chuẩn quốc gia phổ cập bậc giáo dục trung học cơ sở vào năm 2009, 25% lao động xã hội qua đào tạo nghề. Trong 5 năm xây dựng mới và nâng cấp trên 2.000 phòng học, 900 giường bệnh, xây dựng trường Cao đẳng nghề với  năng lực đào tạo 300 học sinh tập trung cho mỗi khóa học. Thực hiện xã hội hóa giáo dục – y tế nên đã xây thêm 1 trường đại học, 1 bệnh viện đa khoa quy mô 300 giường và khối điều dưỡng nội trú. Tổng cục Du lịch quyết định thành lập Trường trung cấp Du lịch Đà Lạt quy mô đào tạo hàng năm trên 150 học sinh. Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều chuyển biến về chất. Đến 2010, 100% cụm xã có phòng khám khu vực, 100% xã có trạm y tế, 76% xã, phường, thị trấn có bác sĩ, 99% trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng các loại vắc xin, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 17,5% (đạt chỉ tiêu)… Nếu các năm trước, tỷ lệ sinh vẫn còn cao thì đến nay tỷ lệ sinh giảm 0,5%/năm, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên chỉ còn 1,35%, đạt chỉ tiêu giảm sinh hàng năm 0,5 – 0,6%... Đối với việc xây dựng và hưởng thụ văn hóa – thông tin, toàn tỉnh công nhận 55% thôn, buôn, khu phố đạt tiêu chuẩn văn hóa, 80% gia đình văn hóa, 80% cơ quan, công sở đạt tiêu chuẩn văn hóa; sóng phát thanh – truyền hình phủ kín toàn tỉnh…. Phát huy sức mạnh tổng hợp chăm lo phát triển kinh tế – xã hội nên đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. GDP bình quân đầu người năm 2010 ước đạt 19,3 triệu đồng, gấp 2,8 lần so với năm 2005 (bằng 116,9% chỉ tiêu kế hoạch đề ra và bằng 88% GDP bình quân đầu người cả nước). Tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giảm nhanh. Từ 23,7% năm 2005 nay còn dưới 5%, trong đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 54% xuống dưới 15% (chỉ tiêu Nghị quyết dưới 14%, trong đó vùng đồng bào dân tộc còn dưới 30%).

Để đạt những thành quả trên, trước hết là do Lâm Đồng luôn xác định: Lãnh đạo phát triển kinh tế phải được tiến hành đồng bộ với giải quyết các vấn đề xã hội, quốc phòng, an ninh, cải cách hành chính và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; chăm lo xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; quan tâm đầu tư xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Với phương châm ấy, giai đoạn  2010 – 2015, tỉnh tiếp tục tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng sâu vùng xa, khắc phục sự chênh lệch lớn về trình độ phát triển kinh tế - xã hội  giữa các vùng và giữa các dân tộc.

Tiếp tục thực hiện các chương trình đầu tư vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như chương trình 134 và 135, ổn định dân di cư tự do, định canh định cư, trung tâm cụm xã, hỗ trợ đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn… Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân và thể dục thể thao. Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong các hoạt động sự nghiệp và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức. Đặc biệt chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, cán bộ quản lý giỏi và công nhân kỹ thuật lành nghề, đào tạo nguồn nhân lực cho nông thôn để thực hiện phát triển nông nghiệp, nông thôn mới.

Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc, giữ gìn sự thống nhất trong đa dạng và phong phú của Văn hóa Việt Nam, đi đôi với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu văn hóa thế giới; bảo tồn, tôn tạo, phát huy các di tích lịch sử cách mạng, các di sản văn hóa phi vật thể của Lâm Đồng; quan tâm phát triển hệ thống bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa, các khu vui chơi giải trí … nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.
 
Hồ Lan