Xuân Tân Mão đang chào đón một thập kỷ mới lại bắt đầu. Thời tiết ở Cao nguyên Di Linh trở nên se lạnh hơn mọi khi. Trong không gian se lạnh ấy, dường như mọi người có mặt tại thôn KaLa Tô Krềng (xã Bảo Thuận – huyện Di Linh) đều cảm thấy vui và ấm cúng, khi giai điệu cồng chiêng cất lên và vang vọng giữa đại ngàn.
Trong khuôn khổ Liên hoan VHCC tổ chức vào 2 ngày (15 và 16/1/2011), diễn ra gồm 2 phần: Phục dựng một lễ hội truyền thống tiêu biểu của dân tộc thiểu số (DTTS) Tây nguyên và Liên hoan VHCC. Với kỳ vọng của Ban tổ chức, là Liên hoan không chỉ để đánh giá, kiểm tra thực chất việc bảo tồn VHCC và “thi thố” tài năng của các nghệ nhân, mà cái quan trọng là từ Liên hoan này, mọi người về dự học tập được cái gì, điều gì cần được đúc rút kinh nghiệm để rồi cùng nhau xẻ chia, trăn trở và cộng đồng trách nhiệm với sự nghiệp bảo tồn di sản VHCC, nhất là từ khi UNESCO công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên là kiệt tác truyền khẩu, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Do vậy, điều mà chúng tôi cảm nhận đầu tiên tại Liên hoan là Ban tổ chức chuẩn bị khá chu đáo để vừa liên hoan, vừa tạo dựng lại “khuôn mẫu” theo đúng nghi thức truyền thống để phổ biến cho thế hệ hiện tại và tương lai học tập, nhân rộng.
Vào sáng hôm sau, khi con gà vừa thức, tại vị trí cây nêu cao vút được trang trí công phu (theo kiểu dáng cây nêu của người K’Ho) dựng tại sân bóng thôn KaLa (nơi diễn ra Liên hoan VHCC), một con trâu to, khỏe được cột chặt, dùng làm vật cúng Yàng. Nhiều ché rượu cần thơm ngon có tiếng của bà con Bảo Thuận dùng cơm ủ với men rừng từ hàng tháng nay, cũng được đưa về để phục vụ Liên hoan. Gần 200 nghệ nhân của nhiều đội cồng chiêng và đội dân vũ người K’Ho, Châu Mạ… đến từ 11 xã có đông đồng bào DTTS ở huyện Di Linh: Đinh Trang Thượng, Gia Bắc, Đinh Trang Hòa, Tam Bố, Tân Lâm, Tân Nghĩa, Gia Hiệp, Bảo Thuận, Tân Châu, Gung Ré và Đinh Lạc, cùng với nhiều cán bộ và nhân dân các nơi về đây dự Liên hoan.
Theo phong tục cổ truyền của người dân DTTS Tây nguyên, những ngày lễ và hội lớn đều có lễ đâm trâu. Và lễ đâm trâu được thực hiện đầu tiên để mở đầu cho lễ hội. Già làng K’Ring (68 tuổi)– được uy tín thay mặt cho các già làng có mặt tại Lễ hội VHCC hôm nay, thực hiện nghi thức truyền thống lễ đâm trâu và mở đầu Lễ hội. Qua loa phóng thanh, lời khấn của Già làng K’Ring nguyện cầu thần linh vang vọng giữa đại ngàn. Nghệ nhân cồng chiêng và múa xoan của 11 đoàn đến từ 11 xã trong huyện lần lượt xuất hiện theo giai điệu diễn tấu chiêng đôi, chiêng sáu, khèn, trống và múa xoan truyền thống đặc trưng của các DTTS. Cả một không gian bắt đầu nhộn nhịp trong sự chú ý lắng nghe và chăm chú từng giai điệu, âm thanh và đường nét nghệ nhân diễn xuất của Ban giám khảo và sự cổ vũ, động viên, chia xẻ của mọi người về dự khán Liên hoan...
Liên hoan VHCC tại Di Linh khép lại. Đội Văn hóa cồng chiêng xã Tam Bố vinh dự được xếp hạng nhất. Đội Tân Lâm, Gia Hiệp xếp hạng nhì. Ba đội: Gung Ré, Đinh Trang Hòa, Bảo Thuận xếp hạng thứ ba. Các đội đạt giải tất nhiên đã có những quan tâm đầu tư công sức nhất định, không chỉ để tham dự Liên hoan mà còn đầu tư cho lâu dài. Nghệ nhân xã Tam Bố đánh chiêng hay, múa xoan đẹp và đặc trưng trong trang phục thổ cẩm truyền thống. Xã Tân Lâm có gần 20 nam nữ nghệ nhân người K’Ho đến với Liên hoan. Họ đánh chiêng hay, múa xoan cũng rất đẹp và hơn hẳn các xã khác về “tiềm năng”. Hơn hẳn, vì tất cả các nghệ nhân đến từ Tân Lâm đều trẻ, tuổi từ 16 đến 25, vừa được tham gia lớp truyền dạy cồng chiêng cách đây không lâu. “Hiện nay, xã Tân Lâm có 7 bộ chiêng. Sau Liên hoan, xã sẽ thành lập CLB cồng chiêng để vừa tạo sân chơi vừa để gìn giữ, bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng.” – Anh K’Son, Trưởng Đội văn hóa cồng chiêng Tân Lâm, cho biết dự định của xã mình.
Bên cạnh niềm vui, sau Liên hoan VHCC lần này, mọi người về dự vẫn đọng lại không ít nổi lo. Hầu hết các xã, các nghệ nhận đánh cồng chiêng và múa xoan đều “già”. Các nghệ nhân của xã Gia Bắc, Đinh Trang Thượng, Đinh Lạc… phần đông là lớn tuổi . Chúng tôi bắt gặp một nghệ nhân xã Gia Bắc đã bước sang tuổi 74. Chúng tôi đã trò chuyện với ông, rồi sau đó trao đổi với anh K’Nho (Phó Chủ tịch UBND xã Gia Bắc), anh K’Yô (Trưởng Ban VHTT xã Đinh Trang Thượng) và một số nghệ nhân lớn tuổi khác, thì mới biết một thực trạng chung hiện nay, là hầu hết các xã chưa thực hiện được việc “xã hội hóa” nên gặp khó khăn về kinh phí để triển khai việc bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng. Xã Tân Châu đến với Liên hoan VHCC, nhưng không có một cái chiêng nào (!). Và hầu hết các đội đến với Liên hoan mà trang phục của nghệ nhân lại… nửa “tây”, nửa “ta”; nửa “kim”, nửa “cổ”!
Ông Đỗ Văn Thể - Giám đốc Sở VHTT và DL Lâm Đồng, có mặt ở đây trong suốt thời gian Liên hoan VHCC. Ông trao đổi với chúng tôi: “Lễ hội VHCC hôm nay tổ chức tại huyện Di Linh, là một trong những nội dung của kế hoạch triển khai “Đề án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng Tây nguyên” đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo nội dung của Đề án, trước mắt Sở VHTT và DL tập trung triển khai 3 việc trọng tâm là: Truyền dạy, trang bị và tổ chức lễ hội. Riêng lễ hội HVCC phải gắn với các lễ hội văn hóa truyền thống khác của đồng bào DTTS, chứ không thể tách riêng. Và lễ hội VHCC chỉ có ý nghĩa khi được gắn kết với các lễ hội văn hóa khác!”. Và cũng theo Giám đốc Sở VHTT và DL, trong năm 2010 vừa qua, cả tỉnh chỉ được cấp 350 triệu đồng. Với kinh phí ít ỏi này, Sở cũng chỉ mới triển khai được một số hoạt động để bảo tồn VHCC tại các huyện Di Linh, Bảo Lâm, Đức Trọng và Đam Rông. Năm 2011, kinh phí của tỉnh (chưa có kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia) để triển khai Đề án chỉ được 200 triệu đồng. Nên thiết nghĩ, vấn đề đặt ra là rất cần đến “xã hội hóa” trong việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng.