Đó là một cuộc vượt cạn khó khăn khi sản phụ trẻ có 2 tử cung mang thai đứa con đầu lòng đã 33 tuần tuổi, tử cung chứa thai nhi bị vỡ. BS Nguyễn Công Thìn (Trưởng khoa phụ sản Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng) cùng ê kíp đã làm nên điều kỳ diệu hiếm thấy trong y văn là phẫu thuật thành công cứu sống cả mẹ và con, giữ được 2 tử cung cho người mẹ đặc biệt này.
BS Nguyễn Công Thìn. |
Ca mổ tiến hành lúc 9h30 phút ngày 13/1/2011, do 2 BS Nguyễn Công Thìn và Tô Thị Thanh Tâm trực tiếp phẫu thuật. Khi mổ các bác sĩ bất ngờ phát hiện thai phụ có đến 2 tử cung, trong đó tử cung chứa bào thai đã vỡ tự nhiên. BS Nguyễn Công Thìn - Phẫu thuật viên chính - lúc này đứng trước sự lựa chọn phải quyết định nhanh chóng là cứu con và cắt hay giữ lại tử cung đã vỡ? Bác sĩ tiên lượng giữ lại tử cung đã vỡ là hết sức khó khăn, nhưng vì thai phụ còn trẻ, sinh con so, nên quyết định hội chẩn và hội ý qua điện thoại với bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ Tp.HCM. Quyết định cuối cùng và nhanh chóng là điều trị bảo tồn, không cắt bỏ tử cung. Ca mổ kéo dài 1 tiếng rưỡi đồng hồ, chỉ với một đường mổ dọc duy nhất đã giải quyết thành công được 3 vấn đề nghiêm trọng của cấp cứu sản khoa: cứu con, cứu mẹ, xử trí vỡ tử cung -bảo tồn cả 2 tử cung cho sản phụ.
Người mẹ vượt cạn thành công, cho ra đời cháu bé nặng 2kg và được theo dõi phục hồi sức khỏe, sau 10 ngày đã xuất viện về nhà đón Tết trong niềm vui may mắn hạnh phúc. BS Thìn bày tỏ cảm xúc: “Thật sung sướng vì ca mổ kịp thời, cứu sống mẹ và con theo đúng chỉ định chuyên môn”. Hạnh phúc của anh được chia sẻ khi người bạn học thời phổ thông nay là Việt kiều Canada về Đà Lạt đón Tết cảm kích trước điều kỳ diệu này đã đến thăm Bệnh viện tặng tiền cho các bệnh nhân 40 triệu đồng, trong đó tặng cho bà mẹ đặc biệt 1 triệu đồng.
BS Nguyễn Công Thìn là người gốc Huế được sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt. Anh sinh năm 1965, Tốt nghiệp Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1990, từng trải qua 15 năm công tác ở Bệnh viện Bảo Lộc và 6 năm tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Tự nhận xét khiêm tốn về mình trong công việc không có gì nổi bật, yêu nghề là yếu tố hàng đầu nên anh toàn tâm toàn ý cho chuyên môn, chịu khó học hỏi, biết tận dụng kiến thức từ đồng nghiệp, sách vở và thiết lập được mối quan hệ mật thiết với giới chuyên khoa tuyến trên để nhận được sự hỗ trợ kịp thời trong chuyên môn điều trị. Anh đã hoàn thành việc học Bác sĩ Chuyên khoa cấp I từ năm 1994 và có đề tài nghiên cứu cấp cơ sở về thai ngoài tử cung.
Đối với trường hợp kỳ diệu này, anh phân tích đó là yếu tố may mắn vì thai phụ nhập viện sớm để được theo dõi sát sao, kết hợp với sự quyết tâm: “Dám làm, dám nhận trách nhiệm” của người bác sĩ - phẫu thuật viên chính. BS Thìn đã có nhiều kinh nghiệm xử trí các ca mổ cấp cứu sản khoa khó ở bệnh viện, tuy nhiên trường hợp hiếm gặp này thì không có kinh nghiệm nào từ trước. Anh cho biết: “Lúc cấp bách để giúp sản phụ vượt cạn trong tình trạng “nước sôi lửa bỏng” thì không thể giở sách vở ra để nghiên cứu thực hành. Vấn đề là bản lĩnh vững vàng quyết định nhanh của người thầy thuốc. Trường hợp hiếm gặp này, tôi cố gắng làm để đem đến kết quả tốt nhất cho bệnh nhân, còn nếu làm cho sự an toàn của bác sĩ thì cắt bỏ tử cung là nhanh nhất. Nhưng lương tâm và sự tận tâm của người thầy thuốc không cho phép bác sĩ từ chối những ca bệnh khó. Mặc dù điều trị bệnh nhân nặng dễ bị rủi ro, tai tiếng ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp, nhưng nếu không làm thì không thực hiện đúng tôn chỉ của nghề y”.
Từ thành công của cuộc vượt cạn hy hữu này, BS Thìn rút ra một số kinh nghiệm: đối với các ca bệnh hiếm gặp, điều quan trọng trong cấp cứu sản khoa là phải nhanh, kịp thời. Vì kinh nghiệm hạn chế đối với ca hiếm gặp, nên trong xử trí cần phải phối hợp với tuyến trên để đạt kết quả tốt. Sau ca phẫu thuật thành công này, qua nghiên cứu tìm hiểu, BS Thìn khẳng định đây là ca hiếm có trong y văn và lần đầu tiên xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, nhưng đã được xử lý trọn vẹn mỹ mãn: Cứu sống mẹ -con, thực hiện bảo tồn tử cung hoặc cắt tử cung theo đúng 5 tiêu chuẩn của y văn. Những báo cáo nước ngoài về vỡ tử cung tự nhiên không có triệu chứng báo trước. Trong đó, tử cung dị dạng (tử cung đôi) chỉ chiếm 1% trong tất cả các ca vỡ tử cung, nhưng tỉ lệ tử vong mẹ rất cao, từ 5 - 10% (bình thường vỡ tử cung không gây chết mẹ và can thiệp phổ biến là cắt bỏ tử cung). Trường hợp này càng hiếm gặp nếu tính theo độ tuổi của thai trong tử cung đã 33 tuần. Đa số trường hợp thai phụ có 2 tử cung khi mang thai gặp tình trạng sẩy thai, hoặc bị vỡ tử cung khi thai dưới 28 tuần và kết quả trẻ bị tử vong, tỉ lệ tử vong mẹ 5 - 10%, phải cắt bỏ tử cung bà mẹ.
BS Thìn nhận định rằng, khi điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cho phẫu thuật cấp cứu; việc hội chẩn kịp thời, hội ý xử trí nhanh, tư vấn cho người nhà bệnh nhân kỹ về tỉ lệ thất bại cao; phẫu thuật viên được sự hỗ trợ tinh thần của lãnh đạo bệnh viện và trợ giúp chuyên môn ở bệnh viện tuyến trên, sự tin tưởng tuyệt đối của người nhà bệnh nhân đã góp phần làm nên điều kỳ diệu hiếm thấy trong đời.