(LĐ online) - Ngày nay, việc dọn dẹp nhà cửa đang là sức ép đối với những người nội trợ và trở thành gánh nặng đối với nhiều gia đình. Việc tìm chọn người giúp việc ngày càng khó khăn, thì sự ra đời của các công ty vệ sinh chuyên nghiệp đang trở thành giải pháp hữu hiệu.
Nhân viên một công ty vệ sinh đang làm việc. |
Muôn dạng công ty vệ sinh chuyên nghiệp
Từ cuối năm 2006, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng thuê Công ty Pacific (Tp.HCM) – một công ty vệ sinh chuyên nghiệp đảm nhiệm việc dọn dẹp vệ sinh trong khu vực bệnh viện. Mỗi ngày có 2 ca làm việc 8 tiếng (ca ngày và ca đêm - có thời gian nghỉ giữa ca). Từ ngoài nhìn vào, dường như mỗi tầng của các khoa đều chỉ có một nhân viên vệ sinh quyết dọn. Chị Thảo – nhân viên vệ sinh cho biết, hàng ngày chỉ dọn dẹp vệ sinh, lau chùi sàn nhà, còn hàng tuần có lau kính và chà rửa cầu thang… Với cách dọn vệ sinh lặng lẽ, thiết bị hoàn hảo – vừa lau xong đã khô, hóa chất tẩy rửa không mùi khiến hình thức này đúng là một “hiện tượng” lạ đối với những người đến bệnh viện…
Cũng thời điểm đó, ở Đà Lạt có một vài công ty vệ sinh ra đời, đưa ra tiêu chí như một người giúp việc của gia đình, với chức năng chính là làm các công việc dọn dẹp vệ sinh, ủi đồ, giặt quần áo, rửa chén bát; thậm chí là đi chợ, nấu cơm, trông em bé… Nhưng có lẽ do nó quá mới mẻ nên chưa kịp thích nghi với cuộc sống vốn rất bình lặng của người dân phố núi; một phần nữa do giá cả, hoặc sự thiếu đồng đều về tay nghề của những nhân viên vệ sinh nên thiếu đi sự chuyên nghiệp, nên sau một thời gian hoạt động không hiệu quả, nhiều công ty tự động giải tán. Trên địa bàn Đà Lạt hiện chỉ còn Công ty Khang Gia chính thức hoạt động.
“Công ty thì ít, nhưng giống công ty thì đầy” – đó là lời nhận xét của chị Châu (Nguyễn Trung Trực – Đà Lạt). Chị kể: Cuối năm vừa rồi, em gái chị nhận được một mảnh giấy màu xanh nhỏ như cái danh thiếp, được in theo dạng photo thả vào giỏ xe. Trên đó ghi thông tin về một trung tâm dịch vụ vệ sinh, có cả tên và số điện thoại của giám đốc. Vì cũng bận rộn công việc và có nhiều chuyện phải lo toan vào cuối năm, nên chị quyết định gọi điện thoại mời đến. Chỉ 15 phút sau – giám đốc trung tâm xuất hiện. Đó là một thanh niên rất trẻ, chị đoán là sinh viên, nhưng cậu ta chối và giới thiệu về trung tâm rất lưu loát, thậm chí còn giải thích cho chị rằng không gọi là công ty để cho chi phí rẻ hơn và gần gũi với khách hàng hơn. Thấy có vẻ chuyên nghiệp, chị quyết định thuê làm vệ sinh toàn bộ căn nhà. Nhưng do cách tính toán giá cả cao hơn một công ty vệ sinh mà chị đã hỏi và có phần ngại vì đã mời đến tận nhà, chị chọn thuê lau kính và hẹn làm việc vào ngay sáng hôm sau.
Đúng hẹn, giám đốc trung tâm gọi đến nói, hôm nay nhân viên phải dọn tiếp phần việc của ngày hôm trước chưa xong, nên hẹn lùi thêm một ngày nữa. Gần trưa hôm sau, cậu thanh niên đến với 2 thanh niên nữa, mang theo 2 chai nước rửa kính và một xấp giấy báo. Chị thầm kêu trời, nhưng vẫn nhẫn nại để cho họ làm. Sau 3 tiếng đồng hồ thì xong, họ yêu cầu chị nghiệm thu. Chị bảo, chị thì không cần, nếu họ thấy làm như vậy là xong rồi thì thôi. Nhưng trước khi họ ra về, chị nói thẳng: Là thanh niên và nhất là sinh viên đi làm thêm là điều đáng quý. Nhưng đừng nên “đao to búa lớn làm gì”, cứ nhận là sinh viên chủ nhà lại quý. Làm việc như một lao động phổ thông mà nhận công như một trung tâm dịch vụ vệ sinh chuyên nghiệp thì không bền. Nếu chồng chị có ở nhà chắc chắn họ bị đuổi rồi. Nhưng chị xem như giúp họ có chút tiền ăn tết… “Giám đốc trung tâm” lúc này chẳng còn lời nào để chối cãi nữa, lý nhí chào chủ nhà ra về. Chị thì tự an ủi mình, xem như vừa mua hớ một món hàng.
Nỗi lòng “kẻ dọn người xem”
Chị Minh – nhà ở Phan Đình Phùng thì kể: Nhà mới xây xong, lại được giới thiệu một công ty chuyên vệ sinh nhà cửa nên chị mời đến lau chùi trước khi dọn đồ về. Họ đến, mang theo máy móc thiết bị và đội quân trẻ cả chục người. Chị bảo: Nếu thấy hợp thì sẽ mời về dọn hàng tuần. Chủ nhà và chủ công ty vệ sinh vui vẻ trò chuyện trong lúc các nhân viên làm việc: Con trai lau kính, hút bụi trần; con gái cọ mài sàn nhà, lau rửa phòng vệ sinh… Bà chủ công ty cũng bò ra chà cầu thang nhà chị. Họ hì hụi làm cả tiếng mới xong căn phòng 20m2 và một cầu thang.
Do có việc phải ra ngoài, vả lại thấy họ tỉ mỉ, chị hài lòng nên giao nhà lại. Chủ công ty còn hùng hồn tuyên bố: “Chị cứ yên tâm, công ty em toàn làm việc theo kiểu chủ nhà giao chìa khóa”... Hai tiếng sau họ gọi điện thoại giao nhà. Chị cảm thấy ngỡ ngàng vì lúc đi, nhà mới làm được một phần, còn 4-5 phần nữa. Vì chưa về nhà kịp nên chị nhắn cho chồng. Lúc về, chị thấy chồng đang chỉ cho họ dọn những chỗ chưa vừa ý, như hút bụi trên trần thạch cao, bụi trên công tắc điện. Bụi và xi măng còn bám cả trên tường đá, mặt kính bên ngoài chỗ khuất… Chị bảo chủ công ty: Hình như quên dọn tầng hầm nhà chị? Cô chủ la lớn hỏi ai đã dọn tầng hầm, nhưng cả đám nhân viên chẳng ai nhận. Họ thỏa thuận, ngày hôm sau sẽ đến dọn, chỗ nào chưa vừa ý nữa thì hàng tuần đến làm sẽ dọn tiếp. Nhưng sau đó họ đi mất “tăm” luôn. Còn chồng chị nhận xét: “Dọn như thế này chẳng bằng tui dọn!”
Chị Minh kết luận: Thuê công ty vệ sinh dọn nhà cũng được. Nhưng mình nhất thiết phải có mặt, để họ thấy mình mà làm việc cẩn thận, còn mình nhìn họ làm mà biết chỗ nào làm rồi, chỗ nào chưa làm, chỗ nào mình đã ưng ý, chỗ nào cần làm kỹ hơn. Chứ như nhà chị, chỉ có cái phòng mà chị chứng kiến đó được mài bỏ phần xi măng dính trên gạch – đá và được đánh bóng, hút bụi tường… cẩn thận; còn lại chỉ là quét và lau bụi thôi.
Nhận xét của chị Minh giống như của nhiều bà chủ nhà khác. Có người còn khẳng định: Chỉ nên thuê công ty vệ sinh để dọn nhà mới, chưa chuyển đồ đạc về; chứ còn đã ở rồi, phải tìm chọn người đáng tin cậy. Nửa năm, hay một năm nếu cần thiết mới nên thuê công ty về “tổng vệ sinh”… Có lẽ do hiểu rất rõ cách làm việc của các công ty vệ sinh mà ông Quốc - là một chủ thầu xây dựng, khi xây nhà cho mình xong đã không thuê công ty vệ sinh nào, mặc dù cứ mỗi căn nhà xây cho khách, trước khi giao, ông đều thuê một công ty vệ sinh dọn trước. Ông thì nói: Hồi nào đến giờ mới có được cái nhà nên thích dọn nhà của mình. Nhưng thật ra, theo vợ ông: Họ làm sao dọn kỹ bằng mình!
Chị Thi – Công ty vệ sinh Khang Gia tâm sự: Làm nghề này như làm dâu trăm họ. Cũng biết là khó mà chiều lòng hết khách hàng, nhưng cứ chủ trương làm chăm chỉ thôi. Anh Hải – chồng chị Thi cho biết: Anh cũng biết là việc lập kiểu công ty này nếu làm không tốt sẽ rất khó tồn tại. Nhưng tồn tại được rồi thì sẽ không sợ thiếu việc để làm. Hiện, Công ty anh đã hợp đồng với nhiều doanh nghiệp, cơ quan, gia đình dọn vệ sinh định kỳ hàng ngày, hàng tuần, hàng quý....
Hiện nay, cũng như công việc bảo vệ, nhiều công ty, doanh nghiệp và cơ quan thay vì tuyển nhân viên tạp vụ - vệ sinh đã chọn cách hợp đồng với các công ty vệ sinh đảm trách việc dọn dẹp vệ sinh trong đơn vị mình. Tính ra, chi phí chỉ bằng hoặc ít hơn tiền lương phải trả cho nhân viên làm công việc đó, nhưng lại không phải lo đến các khoản phí khác như bảo hiểm, tiền thưởng, và các loại chế độ như ốm đau, sinh nở, nghỉ phép… mà lại luôn luôn bảo đảm được công việc một cách thường xuyên, trôi chảy.