Dẫu có sóng đò vẫn qua

09:02, 10/02/2011

(LĐ online) - Ở đâu đó, công sở còn đìu hiu chứ trường học Đam Rông đã rền vang tiếng trống hiệu từ hai ngày nay rồi...

(LĐ online) - Ngày 09/02, ngày thứ hai tựu trường sau Tết, hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú (DTNT) huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng Đinh Trọng Bảy cho biết, 100% giáo viên và học sinh đã đến trường đầy đủ từ chiều hôm mùng 7. Trước Tết, thầy cô nhắc tôi: trong này tụi em có mạng, chẳng biết đi đâu ba ngày Tết, sẽ đọc bài của anh cho đỡ buồn. Buồn hơn là cái chắc, tôi đành gác lại, bây giờ mới viết. Sự hy sinh và dâng hiến cho giáo dục của họ vô cùng trân quý, nhưng những thiếu thốn không khỏi chạnh lòng…  

Nhịn tết vì cái chữ

Quy định mới, ngân sách giao thẳng trường, co kéo thế nào thì tùy trường. Trường Tiểu học Đạ Nhing nhiều năm nay không có tiền thưởng Tết. Hiệu phó Dương Mai Oanh giải thích: “Vì trường nghèo quá, cứ phải mua sắm cơ sở vật chất và đồ phục vụ dạy học đã”. Nhưng gió thì cơ man, chẳng khác đứng trước cửa biển. Gốc cây kơnia trụ giữa sân bị tốc trơ, đất bazan bay mù trời, đồ vật trong phòng, trên người đều nhuốm đỏ. “Đạ Nhing”, ngữ nghĩa bản địa là “hồ nước lớn” nhưng nắng nỏ thế, khó mà “tưới ướt đất” như một đề xuất. Giải pháp làm hàng rào bằng trồng cây muồng muồng, điền thanh chắn gió cũng bị cô Oanh “phản bác”: nhà trường đã trồng rồi, cả cây dâm bụt nữa, nhưng bò của bà con thả rông vào vặt hết cả ngọn lẫn cành trơ trụi. Chỉ có xây tường là ăn chắc. Biết vậy, nhưng đến lũ trẻ lớp ba còn đang phải học bằng bàn ghế và phòng của mầm non nữa là…

Giờ Tiếng Việt của cô và trò Tiểu học Đạ Nhing
Giờ Tiếng Việt của cô và trò Tiểu học Đạ Nhing
Nghèo như Đạ Nhing nên giáo viên không có một cắc tiền thưởng Tết nào đã đành, nhưng có một ít cũng không nỡ lòng tiêu. Hiệu trưởng THCS Đạ Long Trần Văn Tuấn cho biết, “số tiền giành dụm được mua cái tivi 50 inch hết hơn 23 triệu đồng, để phục vụ học tập là trên hết, trường còn thiếu nhiều nên phần tiết kiệm để bổ sung vào cơ sở vật chất, đây là nguyện vọng của GV”. Còn Trường THPT Đạ Tông chỉ chi 100 ngàn đồng mỗi người vì “phải lát lại gạch 5 phòng học hết 80 triệu đồng”, hiệu trưởng Hoàng Thị Cúc Huyền giải thích.

Cái khó “bó” cả ngành. Cô Phạm Thị Ngũ, Phó Phòng Giáo dục kiêm Chủ tịch Công đoàn giáo dục Đam Rông cho biết: “Toàn huyện có 30 trường, 379 CB,GV, NV nhưng cả sở và phòng cũng chỉ có 10 phần quà cho cá nhân và 7 phần quà cho các trường thôi. Cá nhân 1 triệu đồng mỗi phần, riêng thầy Bông thập tử nhất sinh 2 triệu đồng và giải quyết “nóng” 500 ngàn đồng cho một cô hoàn cảnh éo le mới được thông báo ở TH Lương Thế Vinh”.

Gom niềm vui nhỏ

Ở Trường DTNT, nhờ “cố gắng cách này, cách kia” như hiệu trưởng Bảy nói đã hỗ trợ mỗi CB, GV 200 ngàn đồng tiền Tết. Còn 166 học sinh tại đây được trường tổ chức thi gói, nấu bánh chưng và phát mỗi em 100 ngàn đồng về ăn Tết với gia đình. Trước và sau Tết, để các em ổn định, an tâm học tập, nhà công vụ mới xây nhường cho các em ở, GV tự tìm chỗ khác tá túc.

Trường THPT Đạ Tông thì “xác lập kỷ lục”: nhà công vụ đạt quy mô lớn nhất tỉnh vì có tới hơn 50 CB, GV từ tiểu học, THCS, THPT đến Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề cộng cư. “Dâu, rễ nhận tất, ai có điều kiện thì ở riêng không thì tụi em nhận tất, cho vui”- hiệu trưởng Cúc Huyền tuyên bố. Trường còn tổ chức thi gói và nấu bánh chưng, bánh tét, nấu các món ăn cho hơn 50 CB, GV tham gia.

THPT Đạ Tông có 10 người về quê ăn Tết nhưng không ai về trước quy định một ngày. Thầy Bùi Văn Khoa, GV Vật lý cùng vợ là Nguyễn Thị Kim Yến GV Anh văn THCS Liêng Trang và con về Bình Định đón Tết bộc bạch: “Hầu hết anh em đều xa quê hết, cảm giác Xuân đang về, tâm trạng của mọi người đều hướng tới quê, nhưng cũng hiểu được trách nhiệm với nền giáo dục huyện nhà. Tất cả tâm lý muốn về nhưng do điều kiện xa, con nhỏ nên không về đón được Xuân đầm ấm với gia đình”.  

Liêng Hót Ha Hai, Hiệu phó THPT Đạ Tông cho biết thêm: Tết rồi, trường tổ chức đón giao thừa tại văn phòng, sau đó chia ra thăm các nhà thầy cô ở đây, rồi đến phụ huynh HS, sau đó nữa là một số gia đình khó khăn…Nhà Ha Hai cũng gói bánh chưng, vừa chung vui tết cổ truyền của dân tộc vừa biếu cho các thầy cô xa nhà.


Đến quả ngọt

Niềm vui quả ngọt kết tinh từ những hy sinh, những lo toan của các thầy cô trên vùng đất nghèo nhất tỉnh này, huyện có 38 ngàn dân, trong đó DTTS chiếm 70% dân số. Quả ngọt là gieo vào lòng các học sinh của mình những niềm hạnh phúc vừa nói ở trên. Quả ngọt là những tà áo dài mềm mại của nữ sinh bay bay khắp nẻo buôn mà hiệu trưởng Cúc Huyền tự hào tiết lộ rằng đây là tháng đầu tiên sau 11 năm Trường THPT Đạ Tông thành lập. Để có đồng phục cho học sinh nam và nữ, nhà trường không ngại ngần đi xin các trường bạn tận Cát Tiên, Đức Trọng, cũ người mới ta. 

Tháng đầu tiên nữ sinh THPT Đạ Tông đồng phục áo dài từ sự giúp đỡ của các trường bạn.jpg
Tháng đầu tiên nữ sinh THPT Đạ Tông đồng phục áo dài từ sự giúp đỡ của các trường bạn.
Và quả ngọt ở Trường TH Đa Nhing, được ghi rõ trên tấm bảng văn phòng: “13 lớp, tháng 8,9: 356 em, tháng 12: 356 HS, cuối năm: 356 HS; dân tộc: 356; kế hoạch giảng dạy của GV Păngtin K’Lễ: phụ đạo HS yếu, tiết dạy tốt,…”. Thiếu nhiều nhưng không thể thiếu tấm lòng nhà giáo, đặc biệt không để thiếu một HS đến trường…

Và lời nhắn

Trước khi kết thúc bài viết này, xin nêu hai thông tin, dù là đắng đót. Đó là nỗi lòng, niềm tâm sự của hai nữ cán bộ công đoàn giáo dục: cô Ngũ, công đoàn Phòng và cô Minh, công đoàn Sở. Cô Ngũ cho biết, việc giải quyết tiền thu hút của khoảng 200 GV trong huyện ngừng cấp từ 2007 đến nay, có người sắp nghỉ hưu như cô Rơông KaBâng, thầy Dương Minh Thắng…, kêu mãi vẫn chưa được giải quyết. Thông tin này xin gửi đến huyện Đam Rông. Còn theo cô Minh, cả trường, từ hiệu trưởng đến công đoàn, từ đoàn đến thủ quỹ, văn thư chung một máy tính. Các trường thiếu máy tính lắm, nhất là tiểu học, mầm non. Xin chuyển thông điệp này đến các mạnh thường quân, nhà hảo tâm và các trường khá giả ở thị thành…

Ở đâu đó, công sở còn đìu hiu chứ trường học Đam Rông đã rền vang tiếng trống hiệu từ hai ngày nay rồi. Ở đó, còn lưu lời chúc Tết của thầy Nguyễn Xuân Ngọc: “Sau Tết, tổ chức phụ đạo, mở chuyên đề chuyên môn, cố gắng duy trì sỹ số, nhất là đầu kỳ II; vận động HS, dân vận, phối hợp chính quyền, các già làng, chức sắc nhé!”. Không hẳn là chỉ đạo của Phó Giám đốc ngành. Quan trọng hơn, đó là những sẽ chia, động viên của một đồng nghiệp đi trước để tập thể thầy cô Đam Rông càng vững tin, mẫn cán dìu các em sang sông, ra biển rộng.
 
Ký sự Minh Đạo