Du xuân trẩy hội tâm linh

09:02, 21/02/2011

Ngày xuân đi lễ, cầu may - ấy là phong tục có từ lâu đời. Ai cũng cầu mong những điều tốt đẹp đến với mình trong năm mới và mong điều ấy ngay từ những giây phút đầu tiên của năm. Vì vậy, ngay sau phút giao thừa, đến tận hết tháng giêng, dòng người đổ về các tụ điểm tâm linh thường rất đông, nhất là những nơi được coi là linh thiêng…

Ngày xuân đi lễ, cầu may - ấy là phong tục có từ lâu đời. Ai cũng cầu mong những điều tốt đẹp đến với mình trong năm mới và mong điều ấy ngay từ những giây phút đầu tiên của năm. Vì vậy, ngay sau phút giao thừa, đến tận hết tháng giêng, dòng người đổ về các tụ điểm tâm linh thường rất đông, nhất là những nơi được coi là linh thiêng…
 
Đường lên chùa Đại Ninh.
Đường lên chùa Đại Ninh.

Đêm 30 tết, chúng tôi cũng hòa vào dòng người đang đón chờ giao thừa ở bờ hờ. Tuy đến sớm trước 5 phút, nhưng bờ hồ đã đông nghẹt người và dòng người vẫn tiếp tục đổ ra đây, nhất là khu vực bùng binh Thủy Tạ kéo dài đến quảng trường Đà Lạt, vì đây chính là điểm bắn pháo hoa và có không gian để ngắm pháo hoa rõ và gần nhất. Loay hoay tìm được một chỗ đứng đẹp cũng là lúc giao thừa điểm. Phút giây đầu tiên của năm mới được chào đón bởi những loạt pháo hoa sáng rực cả nền trời đen thẫm. Nguyên một vòng bờ hồ gần chục ngàn người tay trong tay bên người thân chăm chú dõi mắt và trầm trồ theo các loạt nổ của pháo hoa. Phút giây trời đất chuyển giao, lạnh mà ấm áp, trang nghiêm mà náo nhiệt.

Sau 15 phút bắn pháo hoa, dòng người như đổ cả về chùa Linh Sơn, nên đoạn đường từ cây xăng bờ hồ đến cầu Ông Đạo kín người xe, khiến tắc đường gần 20 phút – đến khi cảnh sát giao thông điều phối, chặn tại chốt bùng binh Thủy Tạ, chỉ cho xe đi lên đường Hồ Tùng Mậu tới khi thông xe trở lại. Anh Hưng – Phù Đổng Thiên Vương cho biết, anh thường xuyên cùng gia đình đón giao thừa theo cách này, nhưng đây là năm đầu tiên thấy có cảnh người đông và tắc đường lâu vậy…

Hơn nửa tiếng sau, chúng tôi cũng đến được chùa Linh Sơn. Đêm thâm u, nhưng chùa sáng rực bởi ánh đèn soi vào hạt sương đêm và hòa quyện với khói nhang nghi ngút. Hình như ai cũng muốn trời Phật chứng giám lòng thành và phù hộ cho mình bằng những bó nhang thật lớn. Dù nhà chùa đã có người thường trực tắt nhang, nhưng mùi khói nhang vẫn tràn ngập. Lễ Phật xong, người người lại tìm cách hái lộc mang về. Lộc là lá, là hoa, là quả của các loại cây trong chùa, đặc biệt là cây sung, cây trạng nguyên, cây thiên tuế với mong ước về phúc, về tài, về lộc. Và dù có nhiều người đứng canh, nhưng có quá nhiều người “hái” nên sáng ra, vườn chùa xơ xác…

Khác với cảnh chùa Linh Sơn, Nhà thờ Con Gà cũng có lễ đón giao thừa, nhưng nghiêm trang. Giáo dân đang khoanh tay xếp hàng dự lễ, người đến trước vào trước, người đến sau vào sau, người đến không có chỗ còn đứng ra tận cửa. Sáng sớm mùng một Tết, các cơ sở Thiên Chúa giáo và các nhà thờ lớn như nhà thờ Chánh Tòa, nhà thờ Cam Ly, nhà thờ Domain, nhà thờ Tin lành… đều có lễ và có liên tục 3 ngày tết. Các giáo dân cho hay, bên đạo cũng có những nghi thức và lễ đón chào năm mới từ trước giao thừa. Ngày mồng một tết là lễ cầu phúc lành, may mắn; mồng hai có lễ về cha mẹ, gia đạo; mồng ba về công ăn việc làm. Giáo dân đến nhà thờ nghe giảng kinh, làm lễ, hái lộc và cùng chúc cho nhau một năm mới an lành, hạnh phúc.

Rời nhà thờ, chúng tôi đến chùa Quan Thế Âm. Vườn chùa đẹp như một bức tranh với trước mặt là hồ Xuân Hương nước trải rộng; cỏ xanh rì, mượt mà dưới chân, ngoài khu chánh điện, vườn chùa còn có lán thư pháp. Trước chánh điện là những cây đào nở hoa rực rỡ, trên cây gắn rất nhiều bao lìxì. Người đến viếng chùa có thể hái lộc, xin chữ thư pháp, thăm vườn hoa, dạo phong cảnh, chụp ảnh rất thảnh thơi mà tao nhã... Chùa Vạn Hạnh trên đường Phù Đổng Thiên Vương cũng có cách “hái” lộc như thế này. Chùa Linh Giác trên đường Lý Nam Đế và nhiều chùa, tịnh xá trong khu vực Đà Lạt có xăm và giải quẻ xăm đã thu hút một lượng khách rất lớn vào ngày tết.

Tháng giêng là tháng lễ hội. Ngoài các lễ ở những nhà thờ, chùa, các địa phương còn tổ chức lễ tại các đình, đền, miếu… Nhiều người đã gác bỏ những lo toan thường nhật chỉ để vui chơi, tham dự các lễ hội và đặc biệt là hành hương đến những tụ điểm tâm linh để cầu phúc lộc, tiền tài… Cứ như thế đến rằm tháng giêng, với hội “rằm” – chẳng kém phần thú vị như những ngày tết.

Đó là lễ hội Pongua và lễ chùa Đại Ninh. Hội thác Pongua năm nào cũng thu hút một lượng rất lớn du khách. Năm nay, dù nước không còn ầm ào như nhiều năm trước nhưng cũng có khá đông thanh niên tham gia. Còn chùa Đại Ninh có sức hấp dẫn rất lớn vào ngày rằm tháng giêng với các tục lệ như xin xăm, cầu siêu, cầu an, bình giải… Chùa Đại Ninh nằm trên đỉnh đồi, dòng người tạo nên cảnh lên chùa cả nửa km trên con đường nhỏ xinh xắn tạo nên một sự háo hức kỳ lạ. 

Đi chùa, hay nhà thờ thường là do tín ngưỡng và trách nhiệm của những người theo đạo. Nhưng nhiều năm nay, những địa điểm tâm linh thường thu hút được rất nhiều người, bởi ngoài tín ngưỡng, vào dịp lễ, ở những nơi này thường đông người đến cầu may, cầu phúc, cầu duyên… tạo nên nét “hội”, lại càng thu hút nhiều người “ngoại đạo”. Từ đó, hoạt động tâm linh không hẳn do mê tín mà trở thành nét đẹp, không chỉ đơn thuần là thờ cúng tổ tiên mà còn là thói quen đi lễ nhà thờ, hay đến viếng chùa của rất nhiều người.

Dễ nhận thấy một điều là những địa chỉ tâm linh, dù của Việt Nam hay thế giới đang trở thành điểm đến của các  tour du lịch, du khách hay người đi hành hương giờ đây không còn sự cách biệt. Cũng chính vì ngày càng có nhiều người đến, nên tại các điểm du lịch tâm linh xuất hiện thêm nhiều loại dịch vụ như sách báo, nhang đèn, ăn uống, đồ chơi, đồ lưu niệm… góp phần làm cho những khu vực này thêm phần nhộn nhịp nhất là trong những dịp có lễ. Nhưng, bên cạnh đó, cũng có những cảnh như chèo kéo mua bán, ăn xin, hái lộc đến trụi cây… Đặc biệt là việc thắp nhang quá nhiều của những người đến viếng chùa tạo nên cảnh mịt mù khói nhang rất độc hại…

Tuy vậy, có thể khẳng định rằng, các lễ hội tâm linh vào mùa xuân, dù ở đâu cũng có rất nhiều điều kỳ thú…
 
Lê Hoa