Cao nguyên Di Linh được xem là một trong những cái nôi của nền văn hóa người dân tộc thiểu số K’ho. Tuy nhiên, trước nhu cầu phát triển đi lên của xã hội, những bản sắc văn hóa truyền thống bao đời của cộng đồng dân tộc thiểu số nơi đây đang đứng trước nguy cơ bị mai một.
Già làng K’Bọt – người giữ hồn cho buôn làng. |
Ba năm trở lại đây, cứ mỗi độ tết đến xuân về, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh lại rộn ràng âm vang của tiếng cồng chiêng mừng mùa, mừng rẫy. Đó là nét đẹp văn hóa truyền thống bao đời của cộng đồng dân tộc thiểu số K’ho trên vùng đất Nam Tây nguyên này. Thế nhưng, đã có ít nhất 6 năm dài trước đó, tiếng cồng chiêng - cái âm thanh tưởng chừng đã ăn sâu vào trong huyết quản của cộng đồng dân tộc thiểu số nơi đây gần như tắt lịm. Đau xót, trĩu lòng trước giá trị văn hóa truyền thống của cha ông có nguy cơ biến mất, già làng K’Bọt, ở buôn Ka La Tô Kriềng đã ngày đêm thầm lặng trong nhiều năm liền để sưu tầm, nghiên cứu, rồi vực dậy tiếng cồng chiêng vốn có của buôn làng bằng cách truyền dạy cho con cháu. “Là một nghệ nhân, việc bỏ ra công sức để tìm hiểu, sưu tầm và dạy cồng chiêng cho các cháu là việc nên làm, bởi vì mình không muốn phong tục văn hóa cồng chiêng của cha ông bao đời để lại sẽ bị mất đi. Hiện ở đây rất ít người quan tâm, không còn ai đứng ra lo việc bảo tồn nét văn hóa này nên mình phải làm việc đó thôi”. Già làng K’Bọt, bày tỏ.
Tận dụng khoảng thời gian ít ỏi sau ngày làm việc, ngoài việc đứng ra tổ chức sinh hoạt cồng chiêng cho lớp trẻ trong buôn làng của mình, già làng K’Bọt còn trực tiếp truyền dạy cho hơn 400 em học sinh trên địa bàn huyện Di Linh về cách đánh cồng chiêng, những nghi thức truyền thống tại các lễ cầu mùa, mừng rẫy…
Nói về già làng K’Bọt, ông K’Broi, Phó chánh Văn phòng UBND huyện Di Linh cho rằng, sự đóng góp của nghệ nhân K’Bọt là vô cùng lớn trong quá trình bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc K’ho ở xã Bảo Thuận nói riêng và của huyện Di Linh nói chung. Theo ông K’Broi, Di Linh là địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số K’ho đông nhất của tỉnh Lâm Đồng, tuy nhiên do trải qua một thời gian dài tập trung khắc phục khó khăn về kinh tế, dẫn đến văn hóa cồng chiêng và những giá trị văn hóa truyền thống khác của người đồng bào dân tộc thiểu số K’ho chưa được chú trọng đúng mức. Qua việc làm của ông già làng ở thôn Ka La Tô Kriềng ở xã Bảo Thuận thì phải nói rất là tích cực trong bảo tồn giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc K’ho ở Di Linh, nhất là trong thời buổi hội nhập, và phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của bà con tại địa phương. Chính sự đóng góp tích cực này, trong thời gian qua, cá nhân ông đã được huyện đề cử đi dự rất nhiều các lễ hội trong tỉnh và Trung ương. Hiện ông đã sưu tập được các loại nhạc cụ, các nghi thức, văn hóa ngày xưa như lễ đâm trâu và các lễ cầu mùa, cầu rẫy, cầu mưa, cầu gió và nhiều nghi thức khác. Đây là đóng góp tích cực, để con cháu của buôn làng nói riêng và huyện Di Linh nói chung giữ lại nét đẹp văn hóa của riêng mình.
Điều đáng nói, già làng K’Bọt không chỉ được người dân địa phương biết đến với tư cách là một nghệ nhân cồng chiêng, mà họ còn ấn tượng và thán phục bởi ông còn là một nông dân sản xuất giỏi. Già làng K’Bọt cho biết, để giữ những giá trị văn hóa truyền thống, giữ cái hồn cho buôn làng thì trước hết phải đảm bảo vật chất kinh tế gia đình, có vậy bà con mới tin, mới nghe và đồng lòng cùng mình thực hiện việc bảo tồn giá trị văn hóa của cha ông.
Từ sự nỗ lực ban đầu của già làng K’Bọt, đến nay cả huyện Di Linh đã có gần 500 con em người dân tộc thiểu số K’ho biết đánh thuần thục các điệu cồng chiêng. Bước đầu đã hình thành tự phát một số nhóm sinh hoạt cồng chiêng tại các buôn làng. Tuy nhiên, già làng K’Bọt cho rằng để đảm bảo việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số K’ho nơi đây, rất cần đến sự chung tay của cả cộng đồng, trong đó sự quan tâm đầu tư của nhà nước là cấp thiết. “Muốn giữ lại những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc cần phải có nơi để sinh hoạt, tôi mong muốn và đề nghị Đảng và nhà nước hỗ trợ làm cho một cái nhà sàn để đặt cái chiêng, cái trống.. để làm nơi sinh hoạt cồng chiêng, nơi dạy cho lớp trẻ về những giá trị văn hóa mà ông cha đã để lại”. Già làng K’Bọt, mong muốn.
Mỗi độ tết đến xuân về, nơi đây lại rộn ràng âm vang của tiếng cồng chiêng, K’Bọt cho rằng đây chính là động lực quan trọng để ông thêm hăng say trong quá trình nghiên cứu, sưu tầm, giữ lại cái hồn của buôn làng mình cho muôn đời sau.