Khi nam giới không còn thờ ơ…

04:02, 24/02/2011

Những năm gần đây, Chiến dịch "Tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ SKSS/KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn" (gọi tắt là Chiến dịch) tại tỉnh Lâm Đồng đã ngày càng phát huy hiệu quả. Đặc biệt đối với chị em phụ nữ vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều này còn gắn với nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn tinh thần...

Những năm gần đây, Chiến dịch "Tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ SKSS/KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn" (gọi tắt là Chiến dịch) tại tỉnh Lâm Đồng đã ngày càng phát huy hiệu quả. Đặc biệt đối với chị em phụ nữ vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều này còn gắn với nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn tinh thần...
 
Trong vùng dân tộc thiểu số, quan niệm “trời sinh voi, trời sinh cỏ” đã không còn phổ biến.
Trong vùng dân tộc thiểu số, quan niệm “trời sinh voi, trời sinh cỏ” đã không còn phổ biến.

TỪ NHỮNG KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU

Năm 2010, Lâm Đồng triển khai Chiến dịch tại 121/148 xã, phường, thị trấn với mục tiêu: Đảm bảo thực hiện đạt 80% chỉ tiêu kế hoạch năm 2010 về sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) lâm sàng; 100% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thuộc địa bàn Chiến dịch được cung cấp thông tin để nâng cao hiểu biết về KHHGĐ; 90% đối tượng thực hiện các gói dịch vụ được tư vấn và thực hiện có hiệu quả. Tính đến thời điểm này, Chiến dịch đã triển khai tại 71 xã trong toàn tỉnh; số chị em được khám phụ khoa là 4.000, trong số đó có 1.764 được phát thuốc và điều trị; có 55 ca đình sản; đặt vòng 820; thuốc tiêm 984...

Có thể nói, việc triển khai Chiến dịch là một cơ hội thực sự có hiệu quả đối với phụ nữ vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tại buổi lễ phát động ra quân Chiến dịch điểm của tỉnh Lâm Đồng tại huyện Cát Tiên, mới sáng sớm, bà con từ các xã đã đổ về Trung tâm Y tế huyện để khám phụ khoa và làm dịch vụ KHHGĐ. Chị Trần Thị Thắng (thôn 3, xã Phù Mỹ) nói: "Tôi có 2 cháu, sinh một bề nhưng kinh tế gia đình khó khăn. Vợ chồng bàn bạc không sinh thêm con để cho các cháu ăn học bằng bạn, bằng bè nên tôi quyết định đặt vòng".

TÂM SỰ CỦA NGƯỜI TRONG CUỘC

Điều đáng ghi nhận là ở Chiến dịch năm 2010, nhận thức về SKSS/KHHGĐ của người dân, đặc biệt là nam giới và bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thực sự được nâng lên so với năm 2009. "Năm nay 26 tuổi, có 3 con trai, tôi đến đây để đình sản, phụ nữ làm được thì mình cũng làm được. Tôi nghĩ nam giới nên chia sẻ với vợ con công việc trong gia đình và thực hiện KHHGĐ" - đó là tâm sự của anh Bùi Hồng Văn (thôn 3, xã Phù Mỹ). Cùng suy nghĩ với anh Văn, anh K Đảo (27 tuổi - thôn 1, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh) tay bế, tay bồng 2 con nhỏ đưa người vợ vừa mới sinh đến Trạm Y tế để khám và đặt vòng cho biết: "Mình cũng học tập mấy gia đình ít con, họ làm kinh tế giỏi lắm nên mình cũng dừng lại 2 con thôi. Mình thương vợ mình lắm, đẻ nhiều khổ vợ, khổ cả mình. Hôm nay nghe nói có chương trình khám phụ khoa và đặt vòng, mình chở vợ đi khám không phải đi xa".

Tại một số địa bàn khác trong tỉnh, không khí triển khai Chiến dịch cũng được bà con hưởng ứng tích cực. Nhiều chị em khi nghe thông báo trên loa phát thanh của xã, đội ngũ cộng tác viên dân số tuyên truyền cũng đã tranh thủ thu xếp việc nhà lên Trạm Y tế để được bác sĩ tư vấn và khám phụ khoa. Chị KThes ở Di Linh nói: "Việc khám và đặt vòng không mất tiền nên chị, em ở đây đỡ nhiều lắm. Mỗi lần đi ra ngoài huyện để làm việc này vừa xa lại mất tiền".

Chị Nguyễn Thị Ngát (thôn 4, Di Linh) cho hay: "Tôi đình sản từ năm 2006. Đến nay sức khoẻ tôi vẫn bình thường. Tôi cũng đã tư vấn cho nhiều chị nên đình sản để KHHGĐ". Còn chị Đỗ Thị Thoa (xã Phúc Thọ, Lâm Hà) tâm sự: "Tôi tự nguyện thực hiện đình sản từ năm 2000. Kể từ ngày đó đến nay sức khoẻ tôi tốt hơn nhiều. Vợ chồng tập trung làm kinh tế và nuôi con ăn học. Tôi mong bà con hãy cùng hưởng ứng để giữ gìn sức khoẻ cho bản thân". 

Để Chiến dịch thực sự phát huy có hiệu quả cao; đồng thời tạo điều kiện giúp đỡ cho bà con nông dân vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn, cần hơn nữa sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các đoàn thể trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động và tăng cường cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ; góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc SKSS/KHHGĐ, từng bước nâng cao chất lượng dân số cho người dân nơi đây.

CÔNG NAM