Giữa đại ngàn, nơi đầu suối nguồn của vùng đất Đam Rông, tiếng cồng, tiếng chiêng mang hơi thở của ngàn xưa vẫn đều đặn vang lên.
Ông Ka Khen (thứ 2 từ trái sang) đang truyền kỹ năng đánh cồng chiêng cho lớp trẻ. |
Năm nay, ông Ha Khen gần 60 tuổi, nhưng ông đã có hơn 40 năm tâm huyết với việc sử dụng, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình. Bao nhiêu năm qua, ông Ha Khen kiên trì, tích cực vận động con, cháu dòng họ và bà con dân làng lưu giữ, bảo tồn cồng chiêng. Bởi, đó là phần “hồn” của buôn làng và là báu vật của cha ông để lại. Bản thân ông Liêng Hót Ha Khen cũng đang lưu giữ một bộ cồng chiêng và hai bộ đồng la. Không chỉ riêng ở gia đình ông mà tất cả các thôn, buôn ở Đạ Long, những bộ cồng chiêng hiện được lưu giữ gần như còn nguyên vẹn về cấu trúc và âm thanh của dàn chiêng cổ. Trong từng căn nhà, cồng chiêng cũng được trưng bày ở chỗ trang trọng. Thế nhưng, trước sự du nhập của nhiều dòng văn hóa, ông Ha Khen lo những giá trị văn hóa này có nguy cơ bị mai một trong một ngày không xa. Và cũng bởi hiện nay, nhiều thanh niên có thể chơi thạo một loại cồng chiêng, nhưng phối hợp hòa âm trong một dàn cồng chiêng thì còn rất khập khiễng, chưa nhịp nhàng, uyển chuyển. Ông thấu hiểu điều đó nên thường xuyên hướng dẫn, động viên trai làng tham gia tập những động tác đánh cồng, chiêng và được bà con đồng bào nhiệt tình hưởng ứng. Năm 2006, xã Đạ Long được tỉnh Lâm Đồng, huyện Đam Rông chọn làm xã điểm xây dựng Câu lạc bộ cồng chiêng, gồm 12 thanh niên nam, nữ dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo trực tiếp của ông Ha Khen và một số nghệ nhân trong xã. Từ đó đến nay, câu lạc bộ vẫn hoạt động đều đặn và ông Ha Khen rất vui, vì đây là điều kiện để ông khơi nguồn, làm sống lại tiếng cồng, chiêng trầm hùng của đồng bào và truyền đạt lại cho thế hệ trẻ.
Mọi người trong thôn, trong xã đều cảm mến, kính trọng ông Liêng Hót Ha Khen và ai cũng muốn học đánh cồng, chiêng. Già làng Cil Ha N’rang vui vẻ, nói: “Nhờ có ông Ha Khen tận tình tập luyện cho bọn trẻ, nên tiếng cồng, tiếng chiêng của đồng bào mình vẫn còn được vang lên trong các lễ hội của buôn, làng. Dân làng mình đói ăn còn chịu được, chứ thiếu tiếng cồng, chiêng thì coi như mất tất cả và cũng chẳng còn là buôn làng của người Cil nữa”.
Đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đều coi âm thanh cồng chiêng là “phần hồn” của các lễ hội. Việc chỉnh sửa âm thanh dàn cồng chiêng tưởng chừng như đơn giản, nhưng thực tế lại rất phức tạp. Chỉ có những người có “đôi tai thính như con nai rừng” mới làm tốt được. Đó chính là những nghệ nhân lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm, có kỹ năng và lòng say mê “nghề nghiệp”. Họ chỉ cần gõ vài ba tiếng vào núm cồng hay mặt chiêng là phát hiện ra ngay “căn bệnh” và lên phương án “điều trị” có kết quả cao. Ở Đam Rông, số “thợ” này hiện không nhiều, nhưng phần nào đáp ứng được nhu cầu của dân làng trong việc chỉnh, sửa âm thanh cồng chiêng. Ông Cill Múp Ha Tưng ở thôn 4, xã Đạ Long là một điển hình trong số đó.
Ông Ha Tưng đang chỉnh âm thanh cho bộ chiêng. |
Năm nay ông Cill Múp Ha Tưng đã hơn 70 tuổi, nhưng ông vẫn còn minh mẫn và làm nghề chỉnh, sửa âm thanh cồng chiêng đã được hơn 30 năm, có nhiều uy tín trong vùng. Có những bộ chiêng ông chỉnh sửa mất đến cả tuần mới xong, có bộ chỉ vài ngày, thậm chí là một buổi với vài đồ dụng cụ rất đơn giản. Ông không nhận làm thì thôi, còn đã nhận thì làm đến khi nào tiếng cồng chiêng thật chuẩn mới thôi. Ông cũng không “giấu nghề” mà vừa làm, vừa truyền lại kinh nghiệm cho lớp trẻ. Ông Ha Tưng, tâm sự: “Tiếng cồng chiêng có sâu lắng, thánh thót vang xa thì mới dễ đi vào lòng người; những cô gái múa xoang mới hưng phấn thể hiện nhịp điệu hay hơn và tưng bừng hơn. Trước khi sử dụng dàn cồng chiêng, dân làng luôn kiểm tra lại từng chiếc một, chiếc nào lạc âm phải mời thợ đến chỉnh, sửa ngay. Mình đã đi chỉnh sửa những bộ chiêng ở khắp các vùng trong tỉnh Lâm Đồng, sang cả các buôn làng ở Đắc Lắc”.
Số lượng cồng chiêng ở Đam Rông hiện có 254 bộ, trong đó có nhiều bộ chiêng cổ. Công tác bảo tồn loại di sản văn hóa này trong những năm qua ở Đam Rông được làm rất tốt. Ông Liêng Hót Ha Khen, Cill Múp Ha Tưng và bao người dân ở Đạ Long vẫn tự hào về một buôn, làng đổi mới, biết bảo tồn và lưu giữ những giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Trước khi chia tay, ông Ha Khen nói với chúng tôi: “Mình rất mừng là văn hóa cồng chiêng của Tây Nguyên mình được cả thế giới biết đến và trân trọng. Mình cũng rất vui là bản thân đã làm tròn trách nhiệm của một người con đối với tổ tiên, với buôn làng. Mong sao, con cháu đồng bào Cill lưu giữ và phát huy mãi bản sắc văn hóa cồng chiêng của cha ông lưu truyền lại từ bao đời nay”.