Ra mắt cuốn sách “Linh chi và ứng dụng của linh chi trong y học”

02:02, 27/02/2011

TS Phạm Thị Bạch Yến - Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng vừa ra mắt cuốn sách “Linh chi và ứng dụng của linh chi trong y học”.

TS Phạm Thị Bạch Yến - Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng vừa ra mắt cuốn sách “Linh chi và ứng dụng của linh chi trong y học”.

Theo nghiên cứu, Đà Lạt đã nuôi trồng được 4 loại nấm linh chi. Cụ thể: Nấm hồng chi - thuộc xích chi, nấm Linh chi sò, nấm hoàng chi và nấm hắc chi. Trong đó, loại nấm hồng chi chủng Đà Lạt được trồng nhiều hơn và có năng suất cao hơn.

Cuốn sách này giới thiệu các loài nấm linh chi và tác dụng chữa bệnh để giúp người dân hiểu biết rõ hơn về một loại thảo dược quý hiếm. Lịch sử nghiên cứu nấm Linh chi đã có hơn 200 năm, đến nay các nhà khoa học đã phát hiện khoảng 300 loài thuộc họ linh chi (Ganodermataceae). Các loài nấm linh chi được phát hiện ở Việt Nam khá sớm, các nhà thực vật học, y dược học kế tục Tuệ Tĩnh đã phát hiện được 26 loài thuộc chi Ganoderma. Trong chi Ganoderma có 46 loài linh chi đã được nghiên cứu, trong đó có 4 loài chuẩn và 4 chủng là: Chủng nấm lim ở Hà Bắc, chủng nấm linh chi Đà Lạt, chủng linh chi Sài Gòn, mới đây phát hiện thêm 1 chủng đặc biệt ở vùng Đông Nam bộ.

Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy nấm linh chi là một dược liệu đa công dụng, giúp tăng cường miễn dịch, điều trị hỗ trợ ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, chống lão hóa, trị bệnh tim mạch, điều trị rối loạn lipid máu, suy nhược thần kinh, các bệnh lý về gan… Hiện nấm linh chi được sản xuất dưới nhiều dạng sản phẩm: Các loại trà (túi lọc, hòa tan, trà linh chi phối hợp với các thảo dược khác), các loại thực phẩm chức năng phòng bệnh có lợi cho sức khỏe, một số thuốc từ nấm linh chi Việt Nam đã được thử nghiệm trên lĩnh vực hóa dược, dược lý, trên lâm sàng.

DIỆU HIỀN