Sinh con ít để buôn làng ấm no

03:02, 15/02/2011

Thôn 4, xã Đạ Long, huyện Đam Rông, hôm nay ngăn nắp như một khu phố. Cuộc sống của những người Cill dưới chân Cổng Trời đang đổi thay từng ngày bắt đầu từ quan niệm: Sinh con ít để buôn làng ấm no.

Thôn 4, xã Đạ Long, huyện Đam Rông, hôm nay ngăn nắp như một khu phố. Cuộc sống của những người Cill dưới chân Cổng Trời đang đổi thay từng ngày bắt đầu từ quan niệm: Sinh con ít để buôn làng ấm no.

Trước kia, trong thôn có số người đẻ nhiều, một nếp nhà ít nhất cũng từ 5- 6 con. Vậy mà vài năm trở lại đây, các cặp vợ chồng trẻ đã rủ nhau áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Hơn 4 năm nay, thôn không có người sinh con thứ ba trở lên, thậm chí có cặp vợ chồng trẻ mới có 1 con đã xung phong đi thực hiện kế hoạch hoá gia đình. Có lẽ người dân tộc thiểu số là vậy, bước đầu chưa tin vào chính sách dân số, nhưng khi đã thấy được hiệu quả thì họ thực hiện đến cùng.

Năm 2006, Câu lạc bộ không sinh con thứ ba của thôn được thành lập, với gần 100 cặp vợ chồng tham gia sinh hoạt. Câu lạc bộ được tổ chức sinh hoạt định kỳ một tháng một lần, mỗi buổi sinh hoạt đều có cán bộ phụ nữ, cán bộ đoàn và cán bộ dân số xã tham dự. Ngoài việc tuyên truyền về vấn đề dân số- kế hoạch hoá gia đình, các biện pháp tránh thai hiện đại... Câu lạc bộ còn dành nhiều thời gian cho các cặp vợ chồng hội thảo về kinh nghiệm tránh thai có hiệu quả mà tự họ đã áp dụng. Những ngày đầu tiên đến với câu lạc bộ, những cặp vợ chồng trẻ còn ngại ngùng, nhưng chỉ sau đó không lâu, tất cả đã quen và bạo dạn nói lên những tâm tư, nguyện vọng không chỉ vấn đề sinh sản mà cả những việc khác như, nuôi dạy con cái, phát triển kinh tế gia đình.

Tham gia Câu lạc bộ không sinh con thứ ba, vai trò của phụ nữ ở thôn 4, xã Đạ Long cũng được nâng cao, chị em biết cách chăm sóc sức khoẻ bản thân, lựa chọn 1 trong 4 biện pháp tránh thai hiện đại, phù hợp với điều kiện sức khoẻ của mình để thực hiện kế hoạch hoá gia đình, chỉ có từ 1 đến 2 con để nuôi dạy tốt hơn; đồng thời, phòng chống bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội, chủ động xây dựng gia đình văn hoá, ấm no, bình đẳng.

Hiện toàn thôn 4, xã Đạ Long có 140 hộ, với hơn 700 khẩu, trong đó có gần 200 phụ nữ trong độ tuổi từ 15- 49 và 175 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Hàng tháng, hàng quý, Câu lạc bộ cùng với chính quyền, đoàn thể ở thôn thường xuyên quán triệt, triển khai chính sách dân số - KHHGĐ của Nhà nước với tinh thần, ý thức trách nhiệm cao. Chi hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Cựu chiến binh, Hội nông dân... cùng vào cuộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp. Cộng tác viên dân số, Chủ nhiệm Câu lạc bộ đến từng nhà, gặp từng đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ để tuyên truyền, vận động theo kiểu “Mưa dầm thấm lâu”, làm cho mọi người hiểu được cái lợi, cái hại của việc đẻ nhiều, đẻ ít.Vợ chồng chị Kơ Liêng K’Ly đã ý thức chấp hành chính sách dân sô-KHHGĐ từ nhiều năm nay, chỉ sinh hai đứa con. Năm nay, đứa lớn 8 tuổi và đứa nhỏ 4 tuổi đều được chăm sóc, học hành đến nơi đến chốn, vợ chồng chị cũng có điều kiện làm ăn kinh tế và thoát được nghèo, trở thành gia đình văn hóa tiêu biểu của thôn.

Câu lạc bộ không sinh con thứ ba ở thôn 4, xã Đạ Long hoạt động hiệu quả, đã thu hút 135 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ của thôn đăng ký tham gia sinh hoạt và cam kết không sinh con thứ ba trở lên, chiếm tỷ lệ gần 80% số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ của thôn. Cũng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các đối tượng thực hiện nghiêm chính sách dân số- KHHGĐ mà hơn 4 năm qua, thôn không có trường hợp nào sinh thêm con thứ ba trở lên; 100% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đều  đăng ký thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại như: đặt vòng, thuốc tránh thai, đình sản... Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở địa phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội của thôn phát triển và giữ vững danh hiệu thôn văn hoá tiêu biểu của huyện Đam Rông.

Thôn 4, Đạ Long hôm nay đang từng bước đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của bà con đã được nâng lên, nhiều hộ trong thôn đã vươn lên làm giàu, có điều kiện cho con ăn học. Quan niệm “Trời sinh voi sinh cỏ” ăn sâu trong tập tục ngàn đời đối với người Cill vốn quen với tập quan du canh, du cư đã thay đổi, người dân càng tin hơn vào chính sách của Nhà nước.
Nguyễn Văn Hiếu