Cả vùng rừng ôm bọc cung đèo Ngoạn Mục (còn gọi là đèo Sông Pha) mênh mông màu xanh nhưng vẫn không xua nổi cảm giác heo hút. Con đèo đẹp như tên gọi của chặng đường hiểm nguy dài hơn 12 kilomet này đang vào giai đoạn nâng cấp, sửa chữa ngổn ngang đất đá, bùn lầy… càng khiến cảm giác hiểm trở dội lên với lữ khách.
Cặp "đũa thần" hóa giải "quả bom nước" từ núi cao. |
NHIỆM VỤ NƠI RỪNG HOANG
Ngắm ở khoảng cách hơn 10 kilômet từ lưng chừng đèo, cặp ống thủy lực khổng lồ của công trình thủy điện Đa Nhim giống đôi đũa thần vắt từ đỉnh núi về tận xã Lâm Sơn (Ninh Sơn, Ninh Thuận). Có người từng ví von hồ tích nước của thủy điện Đa Nhim được thiết kế trên thung lũng của vùng núi cao Lâm Đồng như “quả bom nước” đối với hạ lưu Ninh Thuận, nhưng “cặp đũa thần” thủy lực khổng lồ này đã hóa giải nguy cơ “quả bom” đó. Sự an nguy của đập nước hàng triệu mét khối từ đỉnh núi có độ cao hơn 1.400 mét phụ thuộc triệt để vào cặp ống xả thủy lực vắt qua đèo Ngoạn Mục. Chính vì điều đó, sau ngày giải phóng đất nước 1975, khi còn nhiều nguy cơ đe dọa an toàn công trình, đã có thời điểm Bộ Công an phải huy động cả một tiểu đoàn cảnh sát bám rừng bảo vệ công trình thủy điện Đa Nhim. Trong quân số của tiểu đoàn này đã có người hy sinh bởi dịch sốt rét của vùng lam sơn chướng khí khét tiếng. Không chỉ bảo vệ nguồn điện quý giá cho đất nước, bảo vệ nguồn tài sản khổng lồ được đánh đổi bởi máu xương của nhân dân mà còn là sự bảo vệ bình yên cho hàng chục nghìn người dân thuộc thị trấn K’rông Pha, huyện Ninh Sơn và thành phố Phan Rang phía hạ đập. Nhưng rồi đất nước bình yên, nhiệm vụ quan trọng của quân số cả tiểu đoàn đã được chuyển giao cho chưa tới một tiểu đội của Phòng Cảnh sát bảo vệ và Cơ động của Công an tỉnh Ninh Thuận.
Những rặng dã quỳ chênh vênh trên vách đá của đèo Ngoạn Mục lùi dần, chúng tôi có mặt ở Trạm Km 57, nơi đồn trú của các cán bộ, chiến sỹ công an ở vị trí quãng đèo đã thuộc về đất Ninh Thuận. Gió vi vút lồng lộng trên đèo vừa mang vị mặn mòi của biển, vừa pha chất lam sơn chướng khí của độc hại rừng núi Tây Nguyên khi những chuyến xe Bắc - Nam từ Lâm Đồng đang xuống đèo đưa người về quê đón tết Nguyên đán Tân Mão. Đại úy Khiếu Ngọc Yêm - Trạm trưởng bảo vệ ở đây đón khách niềm nở trong không gian đơn sơ, vắng bóng người. Anh Yêm giải thích: “Anh em chiến sỹ đang vượt núi đi tuần”. Giữa tuần trà đón khách, đại úy Yêm liên tục mở bộ đàm nghe báo cáo của chiến sỹ từ hiện trường, anh em báo về vị trí xin được lập kho thuốc nổ của nhà thầu đang thi công mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 27. Một quyết định nhanh gọn, vắn tắt: “Tham khảo ý kiến các nhà chuyên môn thật kỹ, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho ống áp thủy lực! Hết!” được ban đi đã nhanh gọn kết thúc cuộc đàm thoại. Câu chuyện của chúng tôi trở về với cặp ống thủy áp…
SỰ HỮU DỤNG CỦA TIẾNG... ĐỘNG CƠ
Trạm Km 57 quản lý 10 cán bộ, chiến sỹ trực chiến. Trong số này, duy nhất có đại úy Khiếu Ngọc Yêm đã lập gia đình. Dù mỗi tuần chỉ một lần xuống núi về với vợ con nhưng căn nhà tạm và gia đình bé nhỏ ở xã Lâm Sơn vẫn là nguồn tiếp sức rất lớn cho anh. Chín cán bộ, chiến sỹ còn lại vẫn là “sĩ quan phòng không” đang cống hiến sức trẻ, sự can đảm và lòng đam mê cho công việc nơi thâm sơn cùng cốc. Trong căn nhà nép dưới chân đèo có 5 người, số còn lại vẫn phải bám trụ ở trạm gác giữa rừng (còn gọi là trạm hầm 3) vừa canh giữ ống thủy lực vừa canh giữ đập nước. Quãng đường chim bay từ Trạm Km 57 lên tới lô cốt giữa rừng chỉ khoảng 1,5 kilômet nhưng để đi đường bộ, vượt rừng thì gần nhất cũng hơn 14 cây số anh em mới có thể gặp nhau. Bộ đàm nội bộ là kênh liên lạc duy nhất thường xuyên giữa họ. Sóng di động giữa vùng rừng các “Robinson” bám trụ là thứ… xa xỉ đối với các chàng trai trẻ.
Nguyễn Văn Trung, chàng trai U30 nhưng đã có gần 3 năm ăn sương nằm rừng kể rằng, cùng chia sẻ với anh, lô cốt hầm số 3 giữa rừng hoang còn có 4 chàng trai khác là Vũ Trung Đạo, Võ Thế Đạt, Paxây Ngoại và Lê Trần Minh Thái. Tất cả họ đều “phòng không” nhưng vẫn không cô đơn vì anh em rất đoàn kết. Tối giữa rừng hoang vi vút gió thông và tuyệt đối vắng thanh âm phố xá, dù không một cây guitare làm bạn nhưng họ vẫn thường xuyên nắm chặt tay nhau bên đống lửa rừng và hát. Trung khôi hài: “Không ai trong số anh em hát hay nhưng tất cả đều có khả năng... làm ồn để xóa bớt tĩnh lặng”. Tố chất trẻ của tuổi xuân và sự can trường của những chiến sỹ công an đã giúp họ có đủ bản lĩnh ngạo nghễ trong gió rừng, trong sự hoang vắng và cả trong nhiệm vụ khó khăn. Cả Trung, Đạo, Đạt, Ngoại và Thái đều chỉ băn khoăn lo lắng khi đang giữa đêm rừng thâm u, có đồng đội bị đau ốm đột xuất. Điều đó đã từng xảy ra nhưng nói như các chiến sỹ ở đây “riết rồi quen và thấy cam go cũng chỉ là nhỏ bé!”.
Họ ít có cơ hội chia sẻ cùng ai những tâm tình cuộc sống cũng như không thể chia sẻ cùng ai nhiệm vụ “không giống ai” khi phải quanh năm suốt tháng bám vào hàng nghìn bậc thang thép trèo lên đỉnh núi kiểm tra từng con buloong, từng múi hàn nối của hệ thống đường ống. Sau hơn 40 năm, công trình đường ống thủy áp vẫn như mới nguyên, hai dòng nước cuồn cuộn với áp lực kinh khủng xả từ đỉnh núi kéo dài gần 10 kilômet vẫn bình yên xả xuống trong cặp đường ống kim loại lấp lánh ánh bạc. Ít ai hình dung nổi hậu quả hiểm nguy và sự trả giá của hàng nghìn sinh mạng con người nếu hệ thống đường ống này có một sơ suất, dù nhỏ. Họ, những “Robinson” lặng lẽ, kiên trì luôn phải để tâm tới hàng loạt nguy cơ. Nguy cơ từ kẻ gian, kẻ xấu; nguy cơ từ sự nghèo kiệt của rừng dẫn đến khả năng rửa trôi đất rất lớn; nguy cơ và hiểm họa bất cứ lúc nào vì một vụ lở đất… Sống trong nỗi lo, đúng hơn là mối quan tâm thường trực đó, những chiến sỹ công an trẻ hình như không còn thời gian, tâm trạng cho những suy tư đời thường… Khác với anh em ở lô cốt hầm 3 vòi vọi trên núi, những chàng trai trẻ măng khác của tiểu đội gồm Lê Văn Biên, Chama Lea Hiếu, Lê Văn Sơn, Nguyễn Văn Linh có may mắn hơn vì được trực gác trên đèo. Ở không gian rừng của họ còn có “người bạn vong niên” là tiếng động cơ phương tiện giao thông lên xuống đèo Ngoạn Mục mỗi đêm. Nguyễn Văn Linh, chàng trai dũng cảm của Trạm Km 57 khôi hài: “Những khi vắng xe anh em thấy nhớ tiếng động cơ”. Sự ồn ã có lúc cũng thật hữu dụng.
VÀ NHỮNG VỤ ĐÓN LÕNG NGOẠN MỤC…
Ồn ã đi liền với sự bình yên vẫn được nhiều người mong ước, những chàng trai trẻ đang canh giữ đường ống thủy áp Đa Nhim cũng không ngoại lệ. Bởi với họ, sự yên tĩnh có khi lại ẩn chứa những cam go. Nhiệm vụ đột xuất phải hành động khi có lệnh gấp giữa đêm khuya yên tĩnh hoặc những cuộc gọi nhờ phối hợp đón lõng các đối tượng bất hảo trên đèo Ngoạn Mục là minh chứng cho điều đó.
Lật từng trang cuốn sổ trực ban, đại úy Khiếu Ngọc Yêm lần lượt nhớ lại: Riêng năm 2009, anh em ở Trạm Km 57 đã đón lõng bắt gọn 13 tên cướp trong những đêm rừng. Vụ án gần đây nhất vào đêm 31/12/2009 là một trong những vụ đón lõng nguy hiểm và đáng nhớ nhất của mỗi một cán bộ, chiến sỹ trẻ. Ký ức của hành động trở về, anh Yêm kể rành rẽ: Khoảng 2 giờ đêm 31/12, Công an huyện Đơn Dương gọi gấp từ Lâm Đồng đề nghị phối hợp chặn bắt 3 đối tượng cướp dây chuyền táo tợn đang tẩu thoát theo hướng Ninh Sơn. Khẩu lệnh gấp được phát ra nhanh gọn giữa đêm rừng tĩnh mịch. Các chiến sỹ nai nịt gọn gàng, lao ra đường sẵn sàng chiến đấu. Nhưng khi phát hiện ánh đèn pin le lói từ các anh, ba tên cướp Hồ Văn Hiệp, Huỳnh Bông và Tống Trường Tâm liền lao vào vực rừng hòng tẩu thoát. Đại úy Yêm dẫn đầu mũi truy bắt lao theo với tốc độ chóng mặt nhưng cả ba tên cướp liều lĩnh vẫn phóng chạy. Tiếng súng trấn áp nổ chát chúa đầy uy lực vẫn không khiến chúng dừng lại. Cuộc truy bắt tiếp tục và đến khi cùng đường, hai trong số 3 tên này đã liều lĩnh nhảy xuống suối nước xả cuồn cuộn giữa rừng. Nhanh như cắt, trung sĩ Nguyễn Văn Linh trao súng cho đồng đội và lao vào dòng nước chảy xiết theo tên cướp Hồ Văn Hiệp. Thạo nước như con rái cá, Linh đã vừa bơi vừa vô hiệu hóa tên cướp hung hãn ngay sau đó. Hai tên còn lại cũng nhanh chóng bị các anh khống chế và bắt gọn. Nhớ lại kỷ niệm cam go này, Nguyễn Văn Linh cười hiền khô: “Không ngại nguy hiểm đâu anh! Khi lao theo tên cướp em phải nghĩ ngay đến thế ra đòn nhanh, hiệu quả nhất để vô hiệu hóa phản kháng của nó. Lên bờ sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ mới thấy rét và ngồi run”.
Chia tay các anh, trèo thử hai trăm bậc thang thép lên núi theo đường ống thủy áp chúng tôi đứng thở ra hi hóp vì hụt hơi và tay, chân mỏi rã rời. Bỗng nhớ lại những cặp tay rắn chắc của các chiến sỹ công an trẻ nơi đây. Họ leo hàng ngày, hàng đêm lên núi để dòng thủy áp từng giây từng phút chảy xuống. Tít tận dưới hạ lưu đường thủy áp là Nhà máy thủy điện Đa Nhim đang bình yên, cần mẫn phát đi từng “giọt” năng lượng cho đất nước. Xa hơn nữa là màu xanh cây trái ánh lên lấp lánh trong những khu dân cư xứ nóng K’rông Pha, Ninh Sơn, Phan Rang... Lại sắp một đêm Giao thừa nữa, các anh đón lộc biếc giữa rừng xanh.