Thiên nga đã xuống hồ

02:02, 01/02/2011

(LĐ online) - Chiều 28 Tết, Đà Lạt nắng rót mật vàng và se lạnh của tiết Xuân. Náo nức, người người tưng bừng đi sắm Tết. Giữa lòng thành phố núi, một không gian thật an tĩnh, thanh thoát và lãng mạn. Đó là hồ Xuân Hương, khi nước điệp trùng con sóng, lấp lánh ánh chiều, thiên nga đã thung thăng trên mặt hồ…

(LĐ online) - Chiều 28 Tết, Đà Lạt nắng rót mật vàng và se lạnh của tiết Xuân. Náo nức, người người tưng bừng đi sắm Tết. Giữa lòng thành phố núi, một không gian thật an tĩnh, thanh thoát và lãng mạn. Đó là hồ Xuân Hương, khi nước điệp trùng con sóng, lấp lánh ánh chiều, thiên nga đã thung thăng trên mặt hồ…
 
Thiên nga thung thăng trước cầu.
Thiên nga thung thăng trước cầu.

Kể từ lúc khởi sinh, năm 1919, đây là lần hồ mất nước dài nhất, những 12 tháng. Bây giờ, con đường tạm vắt qua hồ đã không còn. Nó là gạch nối, là dấu lặng giữa đời hồ. Dưới hạ lưu của hồ, công trình “cầu ông Đạo” sau 75 năm, giờ mặt đập rộng gấp đôi, 15 mét 4 làn xe, hệ thống ánh sáng hiện đại.

Trong 58 thành phố ở Việt Nam, rất hiếm có hồ nằm giữa trung tâm thành phố như Đà Lạt. Nếu ngắm từ máy bay hay một đỉnh cao nào đó, tháp chuông Trường Cao đẳng sư phạm chẳng hạn, hồ Xuân Hương có hình trăng lưỡi liềm. Chiều không gian khác, hồ lại được xem là tấm gương trong, là viên ngọc xanh giữa lòng phố. Còn không gian tâm lý, hồ Xuân Hương là trái tim của thành phố. Hồ là đường nét, mảng khối, là sắc màu làm nên bức tranh Đà Lạt yêu kiều mà duyên dáng, thơ mộng mà siêu thoát. Hồ Xuân Hương còn là cái đỉnh hương thiêng khổng lồ, dâng khói sương lên cho phố núi chếnh choáng, nghiêng trôi…
 
Nhìn từ cầu Ông Đạo.
Nhìn từ cầu Ông Đạo.

“Khi chiều xuống bên hồ Xuân Hương/Anh thấy trên đồi thông sương mù/Đà Lạt như một bức tranh thơ/Bao sương khói quanh năm mơ hồ”
 
Nhạc phẩm “Đồi thông sương mù” của Nguyễn Trọng Khôi.
 
“Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
 
Và để xem trời giải nghĩa yêu”
 
Thi phẩm “Đà Lạt trăng mờ” của Hàn Mạc Tử (1933).
 
“Bóng trăng lóng lánh mặt hồ im,
 
Thời khắc theo nhau lải rải chìm,
 
Đứng dựa non sao bờ suối ngọc
 
Hồn say dìu dịu mộng êm êm.
 
Một luồng sương bạc bỗng từ mô
 
Lẻn cuốn vầng trăng cuốn mặt hồ,
 
Cuốn cả non sao bờ suối ngọc:
 
Người lơ lững đứng giữa hư vô”.
 
(“Đà Lạt đêm sương”-1939, Quách Tấn).

Hồ Xuân Hương là đối tượng trữ tình của ngàn vạn ống kính quay phim, chụp ảnh và cọ vẽ của muôn người năm châu…
*
* *
Hồ Xuân Hương là chứng nhân 91 năm nay. Chiều tím đồi Cù, thông và núi LangBian ngụp bóng xuống hồ, vợ chồng nghèo buông lưới, lách cách gõ mạn thuyền trong ắp sương bảng lảng…Trong đêm sâu, những chú ngựa lững thững độc hành với vạt cỏ đầy sương, quẩn quanh gốc thông, gốc liễu…Hay tinh mơ, hồ như một cái chảo khổng lồ no đầy khói bạc, bóng lão ngư chung chao, mập mòm men bờ vớt trúm…Chiều đi chầm chậm xuống hồ, những già, trẻ thả câu, lắng lòng chiêm nghiệm…
 
Bên hồ bình yên.
Bên hồ bình yên.

Đêm, ánh đèn hắt xuống gương hồ, những bữa tiệc ánh sáng lung linh, hoan ca với vô số  cốc màu rực rỡ. Khi đất và trời giao hòa, những cặp tình nhân dặt dìu bên bờ hay đạp thuyền thiên nga thênh lênh trên hồ. Thảnh thơi nương bên nhau, trôi trong sương, lãng mạn, dịu ngọt đến không cùng…

Năm 2003, Vơlađiamia Gurin là chuyên gia dầu khí Vũng Tàu, đến Đà Lạt. Chúng tôi lên hai chiếc thuyền, đạp thung thăng trên Xuân Hương. Người đến từ xứ sở bạch dương thốt lên: “Thật là tuyệt! Tôi như đang sống với sông Vonga mùa đông của nước Nga”. Rồi Gurin cao hứng hát bài “Cô gái sông Vonga” bằng tiếng Nga: “Lướt êm êm đám mây mù tan dần/ Và rực nhuốm nắng khi hoàng hôn/ Lòng sông sâu đáy in làn mây hồng/ Thuyền ai đây lướt trong sương vàng / Nắng mênh mông trên Vonga trường giang / Thuyền ai đó lướt theo thời gian…”.
 
Thiên nga trên hồ là đề tài chụp ảnh của nhiều người.
Thiên nga trên hồ là đề tài chụp ảnh của nhiều người.

Hồ Xuân Hương lộng lẫy, mê hoặc, quyến rũ và diệu vợi…Phải thực tâm giữ lấy sự thanh tịnh cho hồ. Hồ thổi hồn vào phố…

Tùy bút Minh Đạo