Tiến sĩ - bác sĩ “mê” nghiên cứu

03:02, 17/02/2011

Những công trình nghiên cứu của anh đã được giới y khoa trong và ngoài nước công nhận, anh là Tiến sĩ (TS) - bác sĩ (BS) Huỳnh Văn Thiên – Giám đốc Bệnh viện II Lâm Đồng (Tp. Bảo Lộc – Lâm Đồng).

Gần 30 năm gắn bó với Bệnh viện II Lâm Đồng, anh được nhiều người biết đến trong cương vị là một người quản lý với những “cải tổ” làm thay đổi diện mạo của bệnh viện. Anh còn là một người đam mê nghiên cứu khoa học và những công trình nghiên cứu của anh đã được giới y khoa trong và ngoài nước công nhận. Anh là Tiến sĩ (TS) - Bác sĩ (BS) Huỳnh Văn Thiên – Giám đốc Bệnh viện II Lâm Đồng (Tp. Bảo Lộc – Lâm Đồng).

TS. BS Huỳnh Văn Thiên (thứ nhất bên phải) trong ngày nhận bằng luận án tiến sĩ tại Hà Lan.
TS. BS Huỳnh Văn Thiên (thứ nhất bên phải) trong ngày nhận bằng luận án tiến sĩ tại Hà Lan.
Gặp lại anh sau gần 5 năm làm Giám đốc Bệnh viện II Lâm Đồng, tôi cảm giác dường như bản thân anh không có thay đổi gì nhiều, từ dáng vẻ bên ngoài đến cả phòng ốc làm việc. Trong một căn phòng chỉ vỏn vẹn chừng 10 m2, vẫn chiếc điện thoại để bàn quay số và vẫn chiếc tủ gỗ đựng hồ sơ cũ kỹ, anh cười:  “Thay mới làm gì trong khi công năng của nó cũng chỉ có thế mà thôi!”. “Nếu cái gì cần thiết cho Bệnh viện thì mình đầu tư ngay, không tiếc tiền bao giờ!” - Anh nói thêm. Chính suy nghĩ như vậy mà vài năm trở lại đây, Bệnh viện II Lâm Đồng đã đầu tư được nhiều rất trang thiết bị mới và hiện đại để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Anh cho biết: “Nếu so với những năm trước và so với những bệnh viện tuyến tỉnh khác, thì Bệnh viện II Lâm Đồng đã có bước phát triển đáng kể. Mỗi năm, Bệnh viện đều đầu tư thêm thiết bị mới, như thiết bị phẫu thuật nội soi tai mũi họng, phẫu thuật nội soi bụng, nội soi tiêu hóa, siêu âm 4D... Trong thời gian tới, Bệnh viện II sẽ tiếp tục đầu tư thiết bị nội soi đường tiêu hóa dưới, thận nhân tạo và máy CT scanner 16 lát cắt. Nếu được viện trợ một máy phẫu thuật nội soi hệ niệu (giá khoảng 52 ngàn USD) như dự kiến, thì Bệnh viện II có thể thực hiện tương đối hoàn chỉnh khâu phẫu thuật nội soi. Những thiết bị mới đầu tư có thể phục vụ được 5 năm mà không bị lạc hậu”.

Ngoài việc đầu tư trang thiết bị mới, TS. BS Huỳnh Văn Thiên còn có nhiều “cải tổ” giúp cải thiện và ổn định đời sống của cán bộ công nhân viên trong Bệnh viện. Nếu như trước đây, Bệnh viện II chi thưởng từ nguồn thu nhập tăng thêm theo kiểu “đánh đồng”, thì nay “ai làm nhiều, trách nhiệm cao thì được hưởng nhiều”. Từ đó, Bệnh viện đã động viên được tinh thần làm việc của CBCNVC.

Say sưa nói về công việc, về những trăn trở với ngành y tế, nhưng khi nói về mình thì anh lại rất “kiệm” lời. Là một trong 3 tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam bảo vệ luận án y khoa ở nước ngoài, Huỳnh Văn Thiên là người giám đốc bệnh viện hiếm hoi có bằng cử nhân quản trị kinh doanh. Khi kể cho tôi nghe về quá trình công tác của mình tại  Bệnh viện II Lâm Đồng, anh chỉ vỏn vẹn: “Ban đầu, tôi chỉ tính “trả nợ” bằng việc tham gia công tác tại tỉnh trong 2 năm thôi. Nhưng sau đó “hẹn” hoài mà không “đi” được, nên tôi gắn bó với Bệnh viện này cho đến bây giờ!”.

Đầu năm 1982, sau khi tốt nghiệp Đại học Y Dược Huế (khóa 1975 – 1981), anh về công tác tại Bệnh viện II Lâm Đồng. Sau đó, anh được bổ nhiệm chức vụ Phó giám đốc, rồi Giám đốc Bệnh viện. Trong suốt quá trình công tác, bất kể khi nào có điều kiện là anh đi học thêm các lớp chuyên môn.  Khi đảm nhiệm Phó giám đốc Bệnh viện, anh dành toàn tâm cho công tác nghiên cứu khoa học. Chính giai đoạn này, anh có điều kiện giao lưu với các bệnh viện trong và ngoài nước. Cơ hội du học nước ngoài để nghiên cứu khoa học cũng mở ra cho anh từ đây. Năm 1995, GS. BS  H.P. Sauerwein (người Hà Lan) đã đề nghị và giúp anh trong việc tìm nguồn tài trợ để sang Hà Lan làm đề tài nghiên cứu khoa học. Sau 9 năm học hỏi, nghiên cứu, anh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Hà Lan với đề tài “Chuyển hóa glucose trong bệnh lý sốt rét”. Anh kể lại: “Theo quy định, để bảo vệ luận án tiến sĩ ở nước ngoài, thì người nghiên cứu phải công bố được cái mới mà thế giới chưa biết và phải có 5 đề tài được xuất bản trên các báo nước ngoài. Cái mới trong đề tài “Chuyển hóa glucose trong bệnh lý sốt rét” chính là chỉ ra cơ chế chuyển hóa glucose hoàn toàn khác nhau tùy từng thể bệnh. Do vậy, việc bảo đảm cung cấp thức ăn qua sonde (ống thông) là biện pháp dự phòng tối ưu ngăn ngừa tử vong do biến chứng hạ đường huyết.  Luận văn này của anh đã được Hội đồng phản biện (gồm 11 thành viên thuộc Khối cộng đồng chung Châu Âu) công nhận.

Đó là chuyện của công việc, chuyện của lòng đam mê nghiên cứu khoa học của TS. BS Huỳnh Văn Thiên. Còn chuyện của đời thường, là hàng ngày rất dễ dàng bắt gặp anh chỉ “bình dị” trên chiếc xe Honda CD 70 đã cũ. Hình ảnh này khiến nhiều người nghĩ anh là một người… “hoài cổ”. Nhưng không phải thế, TS. BS Huỳnh Văn Thiên luôn nghĩ về cái mới, về sự nghiệp phát triển của ngành y.

Hữu Sang