“Chuyện thường ngày” ở Đạ Huoai

06:03, 23/03/2011

Việc người dân huyện Đạ Huoai hiến đất để xây dựng các công trình công cộng huyện Đạ Huoai không còn là chuyện của riêng ai. Nhiều năm nay, hiến đất đã trở thành “chuyện thường ngày” của nhiều người ở một huyện còn nhiều khó khăn này.

Việc người dân huyện Đạ Huoai hiến đất để xây dựng các công trình công cộng huyện Đạ Huoai không còn là chuyện của riêng ai. Nhiều năm nay, hiến đất đã trở thành “chuyện thường ngày” của nhiều người ở một huyện còn nhiều khó khăn này.

Nhờ người dân hiến đất, nhiều công trình giao thông ở Đạ Houai.
Nhờ người dân hiến đất, nhiều công trình giao thông ở Đạ Houai.
Anh Nguyễn Tuấn Anh (thôn 5, xã Madagui) - người đã hiến 50 m2 vuông đất của gia đình để làm đường thôn, chia sẻ: “Đường vào thôn trước đây lầy lội lắm. Bà con trong thôn đều đồng tình hiến đất khi có chủ trương nâng cấp con đường này. Người ít thì vài mét, người nhiều thì vài chục mét, còn gia đình tôi hiến chiều ngang 2,5 m, dài 20 m.  Sở dĩ chúng tôi đều tự nguyện vì làm đường là làm cho dân đi, phục vụ lợi ích của người dân!”.

Xã Madagui, trong 2 năm 2009 – 2010, có 4 công trình giao thông nông thôn. Trong số này có đến 3 công trình (liên quan đến 200 hộ dân) đều do người dân tự giải tỏa, hiến đất để thi công. Không chỉ tự nguyện hiến đất, người dân còn tham gia giải phóng mặt bằng để công trình mau chóng được khởi công. Ông Nguyễn Minh Tiến – Chủ tịch UBND xã Madagui, cho biết: “Công tác giải phóng mặt bằng là khâu quan trọng và phức tạp nhất. Chính quyền xã và các đoàn thể phải giải thích làm sao cho dân hiểu chủ trương, mục đích cũng như lợi ích trước mắt và  lâu dài. Ở xã Madagui, người dân chủ động hiến đất (kể cả cây trồng) nên hầu hết các công trình được thi công rất thuận lợi và đúng tiến độ”.

Nói đến việc người dân Đạ Huoai hiến đất để làm các công trình không còn là chuyện lạ. Chuyện “lạ” là làm sao để người dân tự nguyện và đồng sức, đồng lòng với chính quyền địa phương? Điều này được ông Nguyễn Quý Mỵ - Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai, giải thích:  “Phải tuyên truyền cho dân hiểu để cùng chia sẻ với chính quyền. Từ đó, họ nhận thức và cảm thông được giữa cái lợi ích trước mắt và lâu dài, lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng. Khi triển khai việc giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình công cộng cũng như các công trình khác, chúng tôi đều thực hiện rất nghiêm các bước theo quy định của Nhà nước. Đặc biệt, cán bộ chủ chốt của huyện trực tiếp gặp gỡ, đối thoại, trao đổi với người dân. Vì lẽ đó, người dân được biết, được bàn, được kiểm tra công trình do mình hiến đất để làm”.

Trong hơn 5 năm qua, huyện Đạ Huoai đã có trên 30 công trình ở 10 xã, thị trấn được người dân tham gia hiến đất để xây dựng. Đất hiến không chỉ là đất nông nghiệp mà có cả đất xây dựng, đất “mặt tiền”. Hiến đất không chỉ là người có “của ăn, của để” mà ngay cả những nông dân “tay lấm, chân bùn”, cuộc sống còn khó khăn. Điển hình như ông Trần Đình Công Khai (xã Hà Lâm) hiến đến 3m đất mặt tiền Quốc lộ 20 để làm đường vào xã Hà Lâm. Hoặc như ông Tăng Thôn Sóc (thị trấn Madagui) hiến hàng trăm mét đất để làm đường liên thôn…

Đó quả là một điều đáng trân trọng, xuất phát từ nhận thức đặt “cái chung” lên hàng đầu trong suy nghĩ của người dân Đạ Huoai. Có lẽ, không phải địa phương nào cũng có thể làm được điều tương tự. Bài học “Lấy dân làm gốc” của Bác là ngọn đuốc soi sáng trong công tác điều hành, dân vận của huyện Đạ Huoai. Dân vận kém thì việc gì cũng khó, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công.

ĐÔNG ANH