Đường thêu hồi sinh những mảnh đời khiếm khuyết

01:03, 30/03/2011

Trong căn phòng nhỏ, chưa đầy 15m2 của trường Khiếm thính Lâm Đồng (số 3 pastuer, thành phố Đà Lạt) những bàn tay nhỏ vẫn miệt mài bên khung thêu. Điều đặc biệt, những “nghệ nhân” thêu lại chính là các em học sinh khiếm thính.

Trong căn phòng nhỏ, chưa đầy 15m2 của trường Khiếm thính Lâm Đồng (số 3 pastuer, thành phố Đà Lạt) những bàn tay nhỏ vẫn miệt mài bên khung thêu. Điều đặc biệt, những “nghệ nhân” thêu lại chính là các em học sinh khiếm thính.

Những bức tranh do các em khiếm thính thêu được treo kín trong xưởng thêu. Chúng tôi thật sự bất ngờ trước những bức tranh không chỉ tỉ mỉ, mà còn sắc sảo đến từng đường kim mũi chỉ. Những bức tranh thêu của các em sống động và tràn đầy màu sắc.

 

Tỉ mỉ bên khung thêu.
Tỉ mỉ bên khung thêu.

Vượt qua bệnh tật và sự tự ti, các em học sinh trường khiếm thính hàng ngày vẫn chăm chỉ đến lớp học, đến phòng thêu tranh với ước mơ trở thành nghệ nhân thêu tranh. Em K’ Trâm học sinh lớp 5B, bị câm điếc từ nhỏ, (quê xã K’ Long, huyện Đức Trọng). Gia đình đã gửi em vào trường khiếm thính Lâm Đồng với mong muốn em vừa học tập văn hóa vừa học nghề, giúp các em hòa nhập với cộng đồng. Sau 4 năm, bây giờ điều ước đó đã trở thành hiện thực. Em cùng với hơn 80 học sinh khiếm thính khác ngoài học học văn hóa còn học nghề theo khả năng năng riêng của mình như may, thêu, móc len và nấu ăn. Những “lời nói” bằng tay và nụ cười em K’Trâm tỏ ra rất thích học thêu và sẽ theo nghề  sau 4 năm miệt mài bên khung thêu. Trên khung thêu, K’ Trâm tỉ mỉ với những đường kim thêu với hình chiếc gùi. “Đó là đồ vật rất gần gũi với K’ Trâm ở quê, nên em thêu rất sống động” – cô giáo dạy nghề nhận xét.

Dừng chân lại bên khung thêu của Nguyễn Hà Đan Trang, lớp 6A, - là người nhỏ bé nhất lớp, nhưng lại khéo tay. Đôi mắt sáng long lanh và nụ cười rạng rỡ của Đan Trang không giấu được niềm vui khi được giới thiệu những bức thêu của mình. Đan Trang nói bằng ký hiệu: “Sau khi tốt nghiệp cấp hai (lớp 6 và lớp 7) của trường khiếm thính, em mong muốn ở lại đây, tiếp tục học nghề, với em đây là ngôi nhà đầm ấm và thân thương”.

 

Vượt qua sự tự ti, mặc cảm về những khiếm khuyết của bản thân, các em đã vươn lên trong cuộc sống bằng ý chí, nghị lực của chính mình. Sự kiên trì học tập, nỗ lực làm việc để thực hiện mong ước lớn nhất là không trở thành gánh nặng cho gia đình, cho xã hội.

Cô Đỗ thị Thoa – giáo viên đã có kinh nghiệm 25 năm dạy nghề thêu cho biết, đối với người học thêu tranh đòi hỏi phải tỉ mỉ và khéo tay. Riêng các em khiếm thính học nghề lại càng khó khăn hơn người bình thường. Trong lớp thêu có rất nhiều lứa tuổi khác nhau, có em câm vừa điếc. Cái khó đó là các em không hiểu được lời cô giáo nói mà phải thông qua ngôn ngữ ký hiệu bằng tay. Có em sáng dạ, khéo tay mà cũng có em chậm tiếp thu. Tất cả các em được tận tình hướng dẫn của giáo viên dạy nghề từ những bài học đầu tiên như cách chọn nguyên liệu: chỉ, vải, đến những đường thêu căn bản. Em nào không khéo tay thì hướng dẫn những đường thêu đơn giản, sau nhiều ngày thì các em cũng thêu được những “đường chìm”, “đường ngang”...

Những bức tranh thêu do các em làm ra thành công ngoài sự  mong đợi, gần gũi và có hồn đến kỳ lạ. Với những chủ đề hoa, phong cảnh như hoa hướng dương, hoa lan, hoa đào, cá sen…Những người đến thăm trường hay tặng quà giao lưu đã truyền tai nhau và tìm đến động viên các em  bằng cách mua về  làm kỷ niệm. Đến nay, đã có hàng chục em sau khi ra trường đã có công việc ổn định tại các cơ sở tranh thêu ở thành phố Đà Lạt như cơ sở như tranh thêu Hữu Hạnh, Nắng Mai…,các em khác ở thành phố Bảo Lộc đã biết tự nhận tranh về nhà làm. Bên cạnh lớp học thêu tranh, những tiếng máy xành xạch, những bàn tay kéo len vẫn  đều đặn. Điều đặc biệt là sản phẩm tranh thêu, áo len do các em học sinh khiếm thính làm ra.

Ông Nguyến Hữu Hoa - Hiệu trưởng trường khiếm thính Lâm Đồng cho biết, tuy số lượng tranh thêu làm ra chưa nhiều, nhưng điều quan trọng là các em đã bước đầu làm quen với nghề, có khả năng tự mình kiếm tiền, bớt một phần gánh nặng và đóng góp gia đình khi các em hoàn thành khóa học. Đây là yếu tố quyết định trong việc đưa trẻ trở lại hòa nhập với cộng đồng. “Học được nghề đã rất khó, có được việc làm ổn định lại càng khó. Đây là điều nhà trường đang “trăn trở” để các em có một cơ sở làm việc ổn định  lâu dài”, thầy Nguyễn Hữu Hoa nói./.

Đặng Tuấn