Đường tới ấm no của xã anh hùng Đồng Nai Thượng

04:03, 03/03/2011

(LĐ online) - Đồng Nai Thượng là xã vùng sâu, vùng xa nằm ở phía đông bắc huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) – nơi có bề dày về lịch sử, văn hóa cũng như những đóng góp đáng kể trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. 

(LĐ online) - Đồng Nai Thượng là xã vùng sâu, vùng xa nằm ở phía đông bắc huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) – nơi có bề dày về lịch sử, văn hóa cũng như những đóng góp đáng kể trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. 

Đồng Nai Thượng đã đổi mới.
Đồng Nai Thượng đang trên đường đổi mới.
“Đường lên đó dốc và bụi lắm các chú” – đó là lời cảnh báo của ông chủ quán nước ở thị trấn Đồng Nai – nơi chúng tôi dừng chân nghỉ sau khi vượt gần 200km từ thành phố Đà Lạt về huyện Cát Tiên. Một giờ trên chiếc xe máy, chúng tôi vượt qua những con dốc dựng đứng trên con đường bụi đất đỏ đang thi công. Để lên được những con dốc ngoằn ngoèo và độc đạo này, chiếc xe máy thường xuyên phải về số 1, tăng ga.

Đồng Nai Thượng đang ở giữa mùa khô, dưới cái nắng gay gắt của vùng đất Nam Tây Nguyên, từ trên cao nhìn xuống buôn làng nằm ẩn khuất bên những tán cây điều đang ra hoa. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nơi đây là căn cứ cách mạng, bà con dân tộc Mạ ở các buôn làng Đồng Nai Thượng giàu truyền thống yêu nước. Vùng đất này còn là nơi sống, chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng và được sự cưu mang, đùm bọc của nhân dân trong những năm tháng ác liệt và gian khổ. Ngày nay, cùng với sự phát triển, Đồng Nai Thượng có thêm nhiều thành viên mới của các dân tộc anh em như: K’Ho, M’ Nông, S Tiêng, Tày, Kinh…

Ông Điểu K’ Giá – Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng cho biết: cả xã có 325 hộ với 1.525 nhân khẩu, diện tích tự nhiên 83,7km2. Trước đây, do giao thông cách trở khiến cho Đồng Nai Thượng, một xã anh hùng – được biết đến như là một trong những xã khó khăn nhất tỉnh Lâm Đồng. Phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân xã đang nỗ lực lao động, sản xuất để xây dựng làng bản thoát nghèo. Những tín hiệu lạc quan để thay đổi đói nghèo cũng đã dần xuất hiện, thu nhập bình quân mỗi năm tăng từ 2 triệu lên 5 triệu đồng/người, bà con không còn cảnh lo thiếu ăn trong những tháng giáp hạt.

Cây điều được xem là cây trồng chủ lực đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân trong xã. Nếu năm 2004, toàn xã chỉ có 590 ha với năng suất bình quân khoảng 500kg/ha, sản lượng đạt 255 tấn, đến nay diện tích điều đã được mở rộng lên 815 ha, trong đó 775 ha đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 610 kg/ha, sản lượng hơn 4.700 tấn. Nam nay bà con trong xã càng vui hơn khi cây điều có khả năng được mùa hơn mọi năm, giá điều lại đang ở mức cao (trên 30 nghìn đồng/kg). Nhiều năm qua, xã rất chú trọng áp dụng trồng thêm nhiều loại cây mới có giá trị kinh tế cao như cà phê, tiêu, ca cao. Ông Điểu K’Giá vui mừng khoe “cây ca cao mới trồng 70 ha phát triển rất tốt, triển vọng lắm”.

Cùng với việc canh tác lúa nước làm thay đổi nhận thức về cách làm ăn mới, nhiều gia đình cũng đã biết đào ao thả cá, phát triển đàn trâu bò. Song song với  phát triển kinh tế, xã cũng đặc biệt quan tâm chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho bà con. Hầu hết trẻ em trong xã đều đến trường, cán bộ xã được đi học tập, nâng cao trình độ, được cho đi tham quan các mô hình kinh tế trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, để đưa Đồng Nai Thượng nhanh chóng thoát nghèo, các cấp chính quyền đang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến đường “độc đạo” trong năm 2011, rút gắn khoảng cách của vùng cao Đồng Nai Thượng với trung tâm huyện.

Những thành quả đạt được tuy chưa nhiều nhưng quan trọng hơn là đồng bào ở đây đã có nhận thức mới, họ đang nỗ lực vươn lên thoát nghèo - đó chính là dấu hiệu tích cực nhất, là con đường đi tới ấm no của xã anh hùng Đồng Nai Thượng.  

Đặng Tuấn