Khát vọng được trả hiếu cho Mẹ

02:03, 13/03/2011

Sinh ra là một cô bé lành lặn, nhưng đến năm 13 tuổi, trên đường đi học, không may cô bé Nguyễn Thị Bích Nga bị vấp, té xuống đường, lưng đập vào cục đá, gây chấn thương cột sống, chèn ép tủy khiến cô bị liệt nửa người – số phận bắt đầu ngả lối rẽ từ đó, cô trở thành người khuyết tật! Bao nhiêu dự định, ước mơ tươi đẹp đành tạm gác lại…

Sinh ra là một cô bé lành lặn, nhưng đến năm 13 tuổi, trên đường đi học, không may cô bé Nguyễn Thị Bích Nga bị vấp, té xuống đường, lưng đập vào cục đá, gây chấn thương cột sống, chèn ép tủy khiến cô bị liệt nửa người – số phận bắt đầu ngả lối rẽ từ đó, cô trở thành người khuyết tật! Bao nhiêu dự định, ước mơ tươi đẹp đành tạm gác lại…

Có lẽ đã lâu lắm rồi không có người tâm sự, nên trò chuyện với tôi mà hai hàng nước mắt của chị Nguyễn Thị Bích Nga (17/9 Hùng Vương, phường 10, thành phố Đà Lạt) cứ tuôn trào không ngớt. Phần vì tủi cho số phận của mình, nhưng phần quan trọng hơn đó là chị luôn mơ ước, khát vọng được trả hiếu cho mẹ. Chị nói: “Phận làm con đã không lo lắng, chăm sóc được cho mẹ mà lại làm khổ mẹ thêm, nghĩ thấy cực lắm !”. Chị sinh ra trong một gia đình có 13 anh chị em, chị là thứ 7 trong gia đình, các anh chị em ai cũng kiến giả nhất phận, không mấy dư dật để đỡ đần người em, người chị tàn tật. Suốt 30 năm qua, chỗ dựa duy nhất của chị là người mẹ năm nay đã ở tuổi 76, mẹ chị hàng ngày vẫn bán hàng rong ngoài chợ Đà Lạt để ki cóp từng đồng lo thuốc men cho đứa con tàn tật những lúc đau ốm khi trái nắng trở trời. Gia đình chị là hộ được cấp sổ nghèo của thành phố Đà Lạt.

Chị Nga bên quầy hàng nhỏ bé trước cổng Điện lực.
Chị Nga bên quầy hàng nhỏ bé trước cổng Điện lực.
Ngày nào cũng vậy, suốt 30 năm qua, chị Nga dậy từ 5g sáng để cắp cây nạng đi bộ từ nhà đến cổng Điện lực Lâm Đồng (số 02 Hùng Vương) để làm người bạn trung thành với quầy thuốc lá, kẹo sing gum, nước ngọt, card điện thoại, vé số, xăng… mong muốn mỗi ngày thu được chục ngàn tiền lời. Với quãng đường đi từ nhà đến cổng Điện lực, người khỏe mạnh chỉ mất 5 phút nhưng với chị Nga là cả một quãng đường khó khăn, chị bị liệt nửa người bên phải, lưng gù, tai điếc, mắt yếu, chân tay bị tật…nên phải mất 1,5 tiếng đồng hồ mới tới được quầy hàng. Có hôm em dâu chị rảnh và tiện đường thì cho chị quá giang bằng xe máy. Được ngồi bán hàng ở cổng Điện lực cũng bởi ba chị trước đây là thợ điện của sở Điện lực, các chú trong Ban Giám đốc đã tạo điều kiện cho chị suốt mấy chục năm qua. Ấy thế nhưng, từ ngày Điện lực đi cổng mới, là gần như chị không bán được, may ra các anh thương tình ủng hộ cho chút ít mà thôi. Nhưng chị nói: “Cái chính là ra đây bán hàng để được nhìn ngắm đường phố, mọi người qua lại cho quên đi nỗi buồn. Chứ về nhà, thấy mẹ là mình không chịu được, khóc suốt thôi, mẹ thương mình lắm!”.

Chị vốn thương người nên thậm chí vài chục ngàn đồng chị dành dụm được nhiều ngày, nhưng thấy ông già, bà lão nào cực khổ quá, thấy bạn bè anh chị em khuyết tật nào đau ốm là chị lại ủng hộ, giúp đỡ cho họ ngay, có khi chỉ là cân đường, hộp sữa nhưng còn lại lâu dài là cái “tình”. Bởi thế chị được anh chị em trong Hội Khuyết tật thành phố Đà Lạt yêu quý và không ngớt lời khen ngợi bởi tấm lòng vị tha, nhân ái của chị.

Chị Nga nói với tôi: “Vừa rồi được Nhà nước cho vay vốn 3 triệu đồng (chính sách hộ nghèo) nhưng rồi thấy nhiều người họ còn khổ quá đi, khổ hơn mình nữa nên lại thương tình giúp đỡ họ. Mong họ sẽ vượt qua những lúc ngặt nghèo, khó khăn đó”. Được biết, chị Nga thường cùng với anh Trần Mạnh Thu (người anh thân thiết của chị và cũng bị khuyết tật) đi vận động, xin xe lắc, xe lăn cho những người có nhu cầu, xin việc làm cho anh chị em khuyết tật. Bản thân chị Nga vẫn thường xuyên đóng góp tiền để mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số người khuyết tật đặc biệt khó khăn. Mỗi lần làm được điều gì có ích, cho dù là nhỏ thôi, chị Nga thấy rất vui và hạnh phúc. Được hỏi về những mong ước, dự định của mình, chị Nga nói: “Mình chỉ mong sao mẹ được khỏe và sống lâu, hai mẹ con nương tựa vào nhau để sống. Nếu không có mẹ, không biết mình sẽ ra sao? Mong cho mọi người trong cuộc sống hãy sống tốt với nhau, dành tình yêu thương cho nhau. Mong tất cả các anh chị em khuyết tật hãy cố gắng vượt lên số phận, sống đẹp và sống có ý nghĩa!”.

NGUYỆT THU