LỄ HỘI: Đôi điều suy ngẫm

11:03, 30/03/2011

(LĐ online) - Vấn đề không phải là cứ huy động được nhiều người đến tham dự để rồi cho đó là thành công lớn, mà cốt lõi của mỗi kỳ lễ hội là những người nông dân ở Đà Lạt và trồng trà ở Bảo Lộc đã được đầu tư và hưởng lợi như thế nào từ hai sự kiện văn hoá này.

(LĐ online) - Là một quốc gia đã có hàng ngàn năm lịch sử với một nền văn hóa mang đậm bản sắc riêng, Việt Nam, từ lâu đã trở thành đất nước mà lễ hội được tổ chức khá dày đặc suốt trong Nam, ngoài Bắc và luôn mang tính cộng đồng. Đó cũng là nơi giúp con người tưởng nhớ về tổ tiên, nguồn cội và hướng đến những điều thiện, tốt lành, an vui, no ấm đủ đầy.

Có quá nhiều lễ hội

hình ảnh tại festival hoa Đà lạt 2010
Hình ảnh xe hoa của cty hoa Đà Lạt Hasfarm tại Festival hoa Đà Lạt 2010. Ảnh tư liệu BLĐ.
Lễ hội ở nước ta thật đa dạng và phong phú. Mỗi một lễ hội đều chứa trong nó những nét tiêu biểu và có giá trị riêng, nhưng bao giờ cũng hướng tới một đối tượng linh thiêng như những vị anh hùng giải phóng dân tộc, chống thiên tai, diệt trừ ác quỷ…. Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” những ngày lễ hội được diễn ra sôi động, thu hút đông đảo mọi người đến tham gia, và đã từ bao đời nay, lễ hội đã trở thành nhịp cầu nối liền giữa quá khứ và hiên tại. Đây cũng là dịp để cho con người hôm nay có thêm điều kiện để tìm hiểu về quá khứ của dân tộc, thêm tự hào về truyền thống tốt đẹp của tổ tiên và nhờ việc tổ chức lễ hội thường gắn bó với một địa danh nào đó trên đất nước ta mà từ lâu nó đã trở thành một trong những nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong đời sống của cộng đồng cư dân Việt Nam.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có gần 8.000 lễ hội các loại, trong đó, lễ hội dân gian chiếm hơn 7.000, lễ hội lịch sử hơn 300 và khoảng 500 là lễ hội tôn giáo, còn lại là các loại lễ hội khác… Như vậy, bình quân mỗi ngày trên đất nước ta có khoảng 20 lễ hội được tổ chức. Đó thật sự là một con số khổng lồ thu hút khá nhiều công sức và tiền bạc của nhân dân ở một đất nước mà nền kinh tế còn chưa được phát triển. Dù rằng việc tổ chức lễ hội ở nước ta là một loại hình sinh hoạt văn hóa cần thiết đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người, nhằm hướng tới đối tượng cần suy tôn là nhân thần hay thiên thần. Nhưng những gì mà các lễ hội được tổ chức trong thời gian qua chưa đáp ứng với kỳ vọng của nhân dân, thậm chí có lễ hội còn xuất hiện nhiều biểu hiện tiêu cực đáng phê phán.
       
Cả nước có gần 8.000 lễ hội các loại, trong đó, lễ hội dân gian chiếm hơn 7.000, lễ hội lịch sử hơn 300 và khoảng 500 là lễ hội tôn giáo, còn lại là các loại lễ hội khác… Như vậy, bình quân mỗi ngày trên đất nước ta có khoảng 20 lễ hội được tổ chức.
Điều dễ nhận ra đầu tiên ở các lễ hội được tổ chức trong thời gian qua là đã có sự phô trương quá mức vượt ra khỏi tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Có lễ hội được tổ chức khá quy mô, hoành tráng và dĩ nhiên là rất tốn kém. Trong khi đó, thì giá trị đích thực, cái cốt lõi của lễ hội là những yếu tố văn hóa lại hầu như ít được quan tâm. Mặt khác, cũng cần phải thấy rõ, khi mà lễ hội được tổ chức quá nhiều, quá tốn kém tiền của và công sức của nhân dân và Nhà nước, thì những giá trị văn hóa, giá trị tâm linh sẽ bị phai nhạt dần. Đó cũng sẽ là mảnh đất màu mỡ cho những toan tính tầm thường, có điều kiện nẩy nở, phát triển. Hướng về cội nguồn và nhu cầu văn hóa, tâm linh trong một bộ phận không nhỏ dân cư, là một nhu cầu có thật. Nhu cầu đó thường được thể hiện thông qua việc đi lễ chùa, cầu cúng, làm lễ giải hạn… mà người ta cho là sẽ gặp phải trong cuộc sống, cần được tôn trọng. Nhưng cái gì cũng vậy, quá mức, thậm chí thành một trào lưu, để từ đó gây ra sự phân tâm trong đời sống tinh thần của người dân, thì lại phải cần được nhìn nhận một cách tỉnh táo. Không thể biến văn hoá tâm linh ở các lễ hội thành chuyện mưu cầu danh lợi. Bởi chính điều đó đã hạ thấp giá trị của văn hoá trong các lễ hội.

Cũng cần phải nói thêm rằng, ở các lẽ hội (nhất là nhiều lễ hội đã và đang diễn ra khá rầm rô ở các tỉnh phía Bắc), hiện tượng cúng bái đang dần bị biến tướng. Điều này thể hiện rất rõ ở việc đốt vàng mã. Nếu như trước kia, sự việc này, chỉ được sử dụng một số lượng vừa phải, mang tính tượng trưng, thì ngày nay, đã xuất hiện cả một ngành công nghiệp sản xuất vàng mã. Theo ước tính của một số chuyên gia tài chính, thì chỉ riêng việc đốt vàng mã, đã tiêu tốn mỗi năm lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Vì vậy, việc chấn chỉnh, sàng lọc các lễ hội đã trở nên một nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Việc tổ chức lễ hội và nhất là thông qua đó, để giữ gìn những nét văn hoá đặc sắc của một dân tộc có bề dày bốn nghìn năm văn hiến là việc rất nên làm. Đó không những là trách nhiệm của ngành văn hoá mà còn là của toàn xã hội. Đó cũng là trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với mai sau, mà còn là thể hiện sự thành kính, tri ân những bậc tiền nhân. Thực tiễn đã khẳng định rằng: Một dân tộc giàu văn hoá cũng là cơ sở vững chắc để dân tộc ấy trường tồn và phát triển.

Từ Festival Hoa Đà Lạt đến Lễ hội văn hoá Trà Bảo Lộc

Những năm gần đây, ở tỉnh ta đã tổ chức hai loại hình sinh hoạt văn hoá thu hút khá đông nhân dân và du khách. Đó là Festival hoa được tổ chức ở Đà Lạt và Lễ hội văn trà được tổ chức tại Bảo Lộc, với định kỳ 2 năm một lần. Năm vừa qua, cả Festival hoa và Lễ hội văn hoá trà đều đã được tổ chức, điều đó đồng nghĩa với việc là cứ mỗi hai năm sau, tức là vào các năm 2012, 2014… hai sự kiện văn hoá này sẽ lần lượt được tổ chức. Với những gì đã diễn ra ở hai lần Festival hoa (không tính một lần “tập dượt” trước đó, được gọi là Lễ hội sắc hoa Đà Lạt) và ba lần Lễ hội văn hoá trà, chúng tôi thấy, đã đến lúc cần phải xem lại phương thức tổ chức cũng như nội dung hoạt động của hai loại hình sinh hoạt văn hoá này.

Thu hoạch chè búp ở Bảo Lộc. Ảnh Ngọc Minh
Thu hoạch chè búp ở Bảo Lộc. Ảnh Ngọc Minh
Trước hết, xin điểm qua đôi nét về Festival hoa Đà Lạt vừa được tổ chức đầu năm 2010. Đây cũng là kỳ Festival có sự đầu tư khá chu đáo của tỉnh, với nhiều loại hình sinh hoạt văn hoá gắn với hoa Đà Lạt, mà theo Ban tổ chức thì “Nếu như ở Festival Hoa 2007, “hoa tìm người”, thì ở 2010 sẽ là “người tìm hoa”, với 14.000m2 hoa bên hồ Xuân Hương. Các hoạt động chính của Festival này được diễn ra trong 4 không gian hoa chính:
 
- Không gian hoa đầu tiên chào đón du khách bắt đầu từ sân bay Liên Khương và suốt dọc đường cao tốc dài hơn 20km2, với các tiểu cảnh hoa, dải phân cách được trồng các loại hoa.
 
- Không gian hoa thứ hai, bắt đầu từ đường 3/4 đến các tuyền phố trung tâm Đà Lạt.
 
- Không gian hoa thứ ba, là khu biệt thự Trần Hưng Đạo với những loài hoa đặc trung của Đà Lạt như Mimôsa, Cẩm chướng, Cẩm tú cầu, Colico, Forget me not, Xác pháo… và nhiều loại hoa khác.
 
- Không gian hoa thứ tư, với hơn 3.500m2 hoa Đà Lạt, trong đó có nhiều loại hoa quý như: Ly ly, Cát tường, Trạng nguyên… được bố trí theo từng loài, từng mảng dọc theo bờ cỏ hồ Xuân Hương từ chùa Quán Thế Âm đến cầu sắt. Phía bên kia hồ, ốc đảo Bích Câu với diện tích hơn 9.500m2 sẽ là nơi trung bày 10.000 chậu hoa và 150 cây cảnh, 100 giàn hoa treo…
 
Dự kiến số lượng hoa sẽ tăng 1,5 lần so với Festival Hoa 2007…”.

Thông tin trên đây được trích lại từ một tờ báo ở Trung ương, nó được đăng sau cuộc họp báo do tỉnh Lâm Đồng tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Còn trong thực tiễn, nội dung hoành tráng này đã diễn ra như thế nào thì người dân Đà Lạt cũng như đông đảo du khách đã được kiểm chứng?!. Và rồi gần 20 xe hoa do các phường, xã và một số đơn vị kinh tế lớn của tỉnh đầu tư khá quy mô nhưng tuổi thọ thì lại quá ngắn ngủi, cùng với việc xây dựng một khán đài lắp ghép có sức chứa gần 10.000 người mà tiền thuê chắc chắn không phải là nhỏ. Không ai có thể phủ nhận hiệu quả từ việc đầu tư làm xe hoa và khán đài đem lại, nhưng rõ ràng việc làm này, nếu vẫn cứ được tiếp tục như những lần trước và biết đâu có thể sẽ được tái diễn vào nhiều lần sau nữa, thì quả thật là đã đến lúc phải được xem lại.

Lễ hội, hay dù được khoác dưới một danh từ “tây hoá” là Festival thì theo chúng tôi, nếu muốn trường tồn và có sức hút mãnh liệt thì phải do chính những người dân trồng hoa, trồng trà làm chủ thể. Bởi chính họ mới là người tạo ra muôn sắc màu lộng lẫy của ngàn hoa Đà Lạt và vị chát, ngọt đặc trưng của cây trà B’Lao. Nhà nước, hay cụ thể hơn, ngành văn hoá chỉ giữ vai trò quản lý với chức năng là “bà đỡ” và định hướng cho các hoạt động này. Đó chính là yếu tố để mỗi khi lễ hội hay Festival mở ra sẽ là dịp mà người nông dân “một nắng hai sương” với cây hoa, cây trà “báo cáo” cùng đất trời và cộng đồng những sản phẩm tốt đẹp nhất mà họ đã cần cù lao động trong suốt hai năm qua. Đó cũng chính là dịp để họ đem theo niềm vui và hy vọng vào cuộc sống . Mặt khác, đây cũng là dịp đem lại cho họ một tình cảm cộng đồng và một cái nhìn về tương lai rộng mở đối với những người nông dân trồng hoa, trồng trà trên vùng đất cao nguyên này.

Thu hoạch hoa ở Làng hoa Hà Đông (Đà Lạt). Ảnh Văn Báu.
Thu hoạch hoa ở Làng hoa Hà Đông (Đà Lạt). Ảnh Văn Báu.
Đến nay, Lâm Đồng đã tổ chức được 3 kỳ liên hoan hoa và trà. Về quy mô, rõ ràng là lần sau đã lớn hơn lần trước. Nhưng về sức hấp dẫn thì xem ra chưa tương ứng với sự đầu tư to lớn đó. Vấn đề không phải là cứ huy động được nhiều người đến tham dự để rồi cho đó là thành công lớn, mà quên đi cốt lõi của mỗi kỳ lễ hội là những người nông dân ở Đà Lạt và trồng trà ở Bảo Lộc đã được đầu tư và hưởng lợi như thế nào từ hai sự kiện văn hoá này. Rồi mỗi khi mà lễ khép lại thì cái gì sẽ đọng lại trong lòng những người nông dân, cũng như ở vùng đất mà họ đang canh tác và làm ra sản phẩm để tạo nên hồn cốt của Festival hoa và Lễ hội văn hoá trà. Mặt khác, hoa của Đà Lạt và trà của Bảo Lộc vẫn chưa phải là những sản phẩm chủ yếu để thu hút khách du lịch đến với Lâm Đồng. Vì vậy, cần xem xét lại một cách toàn diện những nội dung hoạt động của hai sự kiện văn hoá lớn này của tỉnh, theo đúng tinh thần “Tôn vinh nghề trồng hoa (hoặc trà) và người trồng hoa (hoặc trà)”. Bởi vì, nếu không có những người nông dân cần cù để làm ra hai sản phẩm này thì làm gì nó có thể trở thành một “nghề” được. Do đó, họ rất đáng được tôn vinh đầu tiên và là chủ thể trong các hoạt động văn hoá liên quan đến hai sản phẩm về hoa và trà của Lâm Đồng.
     
Khác với hoạt động ở các lễ hội truyền thống dân gian của dân tộc như hội Chùa Hương, hội Gióng…, cần phải tuân thủ đúng những gì mà ông cha ta để lại. Hoặc như lễ hội đâm trâu của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, nó không thể bị biến tướng theo kiểu “sân khấu hóa” của các vị đạo diễn, càng không thể kéo con trâu rời khỏi buôn làng, rừng núi về nơi đô thị phồn hoa để tổ chức cái gọi là “lễ đâm trâu” được.

Với Festival Hoa cũng như Lễ hội văn hóa Trà của tỉnh ta, là những hoạt động văn hóa mới thì đó phải là những hoạt động có nội dung mở: nó chứa đựng cả nghệ thuật trình diễn và mỹ thuật tạo hình để làm nên một hoạt động mang vẻ đẹp tổng thể nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng tham dự lễ. Vì vậy, các hoạt động ở hai sự kiện văn hóa này, ngoài phần Lễ (nếu có), cần phải được duy trì nhất quán từ đầu, thì phần Hội lại phải được đầu tư nghiên cứu để luôn có sự đổi mới, sáng tạo nhằm có sức hấp dẫn, lôi cuốn mọi người. Rõ ràng là không thể cứ làm thật nhiều xe hoa lộng lẫy, huy động thật nhiều người tham dự với một lễ đài hoành tráng rồi nói là “thành công rực rỡ!”. Điều này có thể và phù hợp trong một lúc nào đó, còn nếu cứ lặp đi lặp lại thì còn đâu sự hấp dẫn thu hút công chúng.

“Trong thực tiễn, chưa có Festival nào thành công về mặt du lịch. Các hoạt động này thường chỉ lấy tiếng cho một địa phương nào đó, chứ nội dung thì nghèo nàn, trùng lặp ý tưởng. Trong khi thế mạnh về ẩm thực, như gợi ý của chuyên gia tiếp thị hàng đầu thế giới là Philip Kotler, thì có thể biến Việt Nam thành bếp ăn của thế giới thì không ai làm. Theo thống kê của những năm gần đây thì kinh doanh ẩm thực chiếm doanh thu trong du lịch là 55%, lưu trú là 35%, còn lữ hành và các dịch vụ khác chỉ chiếm có 10%. Thế nhưng ít có Festival hay lễ hội nào chú ý đến ẩm thực. Những Festival hay lễ hội chuyên dựng các màn khai mạc, bế mạc hoành tráng chỉ béo bở cho các ông đạo diễn với những cảnh sân khấu hóa, khiến người ta có thể nghĩ, phải chăng Việt Nam là một dân tộc chỉ thích múa may, hát hò”. Chúng tôi nêu lại ý kiến trên đây của ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc Cty du lịch Lửa Việt, được đăng trên báo Thanh Niên năm 2009, và xin coi đây như là một gợi ý nhỏ cho những người có trách nhiệm trong việc tổ chức Festival Hoa và Lễ hội văn hóa Trà tới đây tham khảo.

Vấn đề không phải là cứ huy động được nhiều người đến tham dự để rồi cho đó là thành công lớn, mà quên đi cốt lõi của mỗi kỳ lễ hội là những người nông dân ở Đà Lạt và trồng trà ở Bảo Lộc đã được đầu tư và hưởng lợi như thế nào từ hai sự kiện văn hoá này.
Mới đây, UBND đã cho biết là Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 4 sẽ được tổ chức từ ngày 31/12/2011 đến ngày 04/01/2012. Và nếu không có gì thay đổi, theo đúng lịch trình đã định trong năm nay, Lễ hội văn hóa Trà Bảo Lộc cũng sẽ được tổ chức. Với những gì đã diễn ra ở các lần Festival Hoa và Lễ hội văn hóa Trà trước đây, chúng tôi thấy rằng mật độ tổ chức hai sự kiện văn hóa này ở tỉnh ta là chưa hợp lý. Nên chăng tỉnh cần nghiên cứu để bố trí lại sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, trước mắt nên giãn thời gian tổ chức hai sự kiện này từ 2 năm lên 5 năm và nó sẽ được tổ chức so le với nhau, nhằm bố trí hài hòa các hoạt động văn hóa của tỉnh. Việc cứ duy trì lịch trình như hiện nay thì chắc chắn sự nghèo nàn về nội dung hoạt động và trùng lặp về ý tưởng là điều khó tránh khỏi.

Mặt khác, cũng đã đến lúc cần phải tính đến việc chuyển giao cho thành phố Đà Lạt trực tiếp tổ chức Festival của thành phố mình. Thực tiễn đã chứng minh rằng, Lễ hội văn hóa trà do thành phố Bảo Lộc tổ chức vừa qua, dù vẫn còn có những hạn chế nhất định, nhưng đã tỏ ra không thua kém gì nhiều so với Festival hoa Đà Lạt hoàn toàn do tỉnh tổ chức. Điều này đã thể hiện sự năng động, sáng tạo, không ỷ lại của thành phố Bảo Lộc, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các cán bộ ngành văn hóa thành phố. Vì vậy, chuyển giao dần việc tổ chức Festival hoa cho thành phố Đà Lạt là phù hợp. Khi đó, tỉnh sẽ chịu trách nhiệm đầu tư kinh phí và giúp đỡ về chuyên môn nghiệp vụ cho thành phố. Không lẽ Bảo Lộc làm được, còn Đà Lạt lại bó tay? Không lẽ các cán bộ ngành văn hóa Đà Lạt lại mãi là cái bóng mờ khi tỉnh tổ chức Festival hoa ngay trên địa bàn thành phố của mình. Cũng có ý kiến cho rằng, vì Festival hoa Đà Lạt mang tầm quốc gia, cho nên tỉnh phải trực tiếp thực hiện. Nếu vậy thì biết đến bao giờ Đà Lạt mới làm được như Bảo Lộc? Dĩ nhiên, việc chuyển giao này không thể làm ngay một lúc được, mà nó phải có bước đi thích hợp phù hợp với điều kiện thực tế của Đà Lạt.
      
Cần có một Nhà Truyền thống về Hoa và Trà

Không có gì phải bàn cãi, hoa Đà Lạt cũng như trà B’Lao đã và đang trở thành những sản phẩm đặc trưng của Đà Lạt - Lâm Đồng, có sức hấp dẫn mọi người trong và ngoài nước. Đó cũng chính là hai sản phẩm tạo nên hai sự kiện văn hóa tiêu biểu của tỉnh. Vì thế, nó rất cần có một bản “lý lịch” đầy đủ, để mọi người có thể hiểu sâu hơn về hai loại sản phẩm này. Bởi cho đến tận hôm nay, “hoa và nghề trồng hoa ở Đà Lạt”, cũng như “trà và nghề chế biến trà B’Lao”, có từ bao giờ ? Quá trình hình thành và phát triển hai loại cây này cũng như những người nông dân đã cần cù làm ra hai sản phẩm nổi tiếng này… Những yêu cầu này, cho đến hôm nay, vẫn chưa có câu trả lời chuẩn xác, mặc dù thực ra nó cũng không phải là quá phức tạp không thể không trả lời được. Vì vậy, việc thành lập Nhà truyền thống về hoa Đà Lạt và trà B’Lao vào thời điểm hiện nay là rất cần thiết.

Quá trình hình thành và phát triển hai loại cây này cũng như những người nông dân đã cần cù làm ra hai sản phẩm nổi tiếng này… cho đến hôm nay, vẫn chưa có câu trả lời chuẩn xác, mặc dù thực ra nó cũng không phải là quá phức tạp không thể không trả lời được.
Những năm qua, dù chưa phải là một tỉnh giàu có, nhưng Lâm Đồng đã đầu tư một khoản kinh phí không nhỏ để tổ chức những ngày hội văn hóa hoa và trà của tỉnh. Nhiều tỷ đồng đã được chi cho hai sự kiện văn hóa này nhằm tôn vinh những người nông dân đã làm ra hai sản phẩm HOA và TRÀ nổi tiếng. Đó là những động thái cần thiết, nhưng chưa đủ để thể hiện sự TÔN VINH một cách có hiệu quả và lâu dài đối với những người nông dân trồng hoa và trà của Lâm Đồng. Sẽ là khập khiễng nếu chúng ta cứ tổ chức các sự kiện này một cách hoành tráng, nhưng lại quên đi quá trình hình thành và phát triển, đồng thời cũng chưa làm nổi bật vai trò của những người đã tạo ra những sản phẩm đó. Suy cho cùng, Festival hay một lễ hội nào đó cũng đều là sản phẩm văn hóa tinh thần mang dấu ấn, bản sắc của một giai đoạn và của một cộng đồng người. Nó không ngừng biến đổi theo sự phát triển của kinh tế và quá trình giao lưu tiếp xúc với cộng đồng xung quanh. Điều đáng quan tâm ở đây là sức sống của của những hoạt động văn hóa này có thu hút được đông đảo công chúng hay không, phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của chính những người nông dân trồng hoa và trà ở Lâm Đồng. Các hoạt động đó, không những chỉ là sự tôn vinh đơn thuần, mà còn là đạo đức, văn minh và góp phần tạo nên sức mạnh của sự kết nối thân hữu giữa con người và con người, giữa con người và thiên nhiên Đà Lạt – Lâm Đồng.
         
Không ai có thể phủ nhận, Festival hoa Đà Lạt và Lễ hội văn hóa trà Bảo Lộc đã góp phần quảng bá mạnh mẽ thương hiệu hoa Đà Lạt và trà B’Lao, để từ đó giúp nhà nông bán được giá và sức tiêu thụ được mạnh hơn. Nhưng khi tổ chức các sự kiện văn hóa này xin hãy nhớ tới vai trò của những người nông dân như là những nhân vật chủ thể đã và đang làm ra hai sản phẩm nổi tiếng: HOA ĐÀ LẠT và TRÀ B’LAO nổi tiếng của vùng đất cao nguyên xinh đẹp này.

Hoàng Kim Ngọc